Đẩy mạnh các phong trào thi đua nhờ vốn Quỹ HTND
11:41 - 02/02/2024
(Quỹ HTND) – Những năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân trên địa bàn tích cực liên kết trong việc xây dựng và hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả, giúp phát huy tốt những lợi thế sẵn có của từng địa phương, góp phần nâng cao năng suất, lợi nhuận và gia tăng tính bền vững.
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định vốn Quỹ HTND chính là một trong những nguồn tín dụng thiết thực trợ giúp hội viên, nông dân xây dựng mô hình, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
|
Các cấp Hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức giám sát việc luân chuyển các nguồn vốn ngay khi đến hạn nhằm giúp cho ngày càng nhiều hội viên, nông dân được trợ lực, kịp thời đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo kịp thời vụ |
Trong năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ cấp bổ sung nguồn cho Quỹ HTND từ ngân sách. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện tốt công tác vận động, xây dựng, quản lý nguồn vốn Quỹ HTND và huy động các nguồn vốn giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất hiệu quả.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quỹ HTND. Phấn đấu 100% các dự án vay vốn Quỹ HTND được quản lý, phát huy hiệu quả, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lí đạt 52 tỷ 124 triệu đồng. Trong đó: Nguồn do Trung ương Hội ủy thác 13 tỷ 150 triệu đồng; nguồn Quỹ cấp tỉnh quản lí hơn 30 tỷ đồng; nguồn cấp huyện, thành phố và thị xã đạt 13 tỷ 883 triệu đồng,
Đáng chú ý, được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, một số đơn vị Hội ND cấp huyện xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND đạt mức trên 01 tỷ đồng, tiêu biểu như: Huyện Phổ Yên đạt 2,6 tỷ đồng; huyện Định Hóa 1,8 tỷ đồng; huyện Đại Từ 1,1 tỷ đồng; huyện Võ Nhai 1 tỷ đồng...
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đang triển khai thực hiện 121 mô hình, dự án với 1.203 lượt hộ hội viên, nông dân vay. Nhìn chung, các dự án được triển khai trên địa bàn đều đang có mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ.
Các cấp Hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức giám sát việc luân chuyển các nguồn vốn ngay khi đến hạn nhằm giúp cho ngày càng nhiều hội viên, nông dân được trợ lực, kịp thời đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo kịp thời vụ.
Theo đó, trong kỳ, Quỹ HTND cấp tỉnh cho thu hồi xong 10 tỷ 950 triệu đồng từ cả hai nguồn do Trung ương Hội ủy thác và nguồn của tỉnh quản lý đã đầu tư thực hiện các mô hình, dự án trước đó. Hội ND tỉnh đã chỉ đạo phê duyệt 17 dự án mới, triển khai tại 09 huyện, thành phố với tổng số tiền được giải ngân 11 tỷ 650 triệu đồng cho 218 hộ hội viên, nông dân vay.
Nguồn vốn Quỹ HTND được triển khai thông qua các mô hình, dự án không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn giúp bà con thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua việc triển khai các dự án đã tạo sự liên kết, gắn bó giữa các hội viên, nông dân có cùng sở thích, ngành nghề, giúp gia tăng thu nhập cho các hộ vay vốn cùng tham gia dự án.
Đến nay, Hội ND tỉnh đang chỉ đạo việc triển khai thực hiện giải ngân nguồn vốn theo dự án nhóm hộ. Cụ thể, mỗi dự án tối thiểu có 10 thành viên tham gia, mức vay bình quân từ 50 - 100 triệu đồng/hộ, tối đa không quá 02 tỷ đồng/dự án; thời gian vay từ 24 - 36 tháng.
Các cấp Hội đã trực tiếp, phối hợp vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân từng bước chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo quy mô lớn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, mở rộng ngành nghề sản xuất, phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất (thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, Hợp tác xã, phát triển mô hình các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp..). Nhiều mô hình cho thấy hoạt động rất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ hội viên, nông dân trong tỉnh.
Song song với việc đổi mới phương thức hoạt động của Quỹ HTND, hàng năm, các cấp Hội cũng tăng cường sự phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn quản lý tốt các nguồn vốn vay ủy thác. Từ đó, giúp cho ngày càng nhiều hội viên, nông dân được trợ vốn kịp thời, vươn lên ổn định sản xuất và đời sống.
Các cấp Hội đã tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng ủy thác cho vay vốn đối với các hộ nghèo, đối tượng chính sách khác theo quy định. Hiện, tổng dư nợ với ngân hàng CSXH đạt trên 1.228 tỷ đồng, giải ngân cho 23.724 lượt hộ hội viên, nông dân vay nguồn vốn ưu đãi thông qua 771 Tổ TK&VV do các cấp Hội quản lí.
Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ cũng được các cấp Hội chủ động và tích cực phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh để cùng triển khai. Đến nay, tổng dư nợ với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh đạt hơn 1.594 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 12.184 lượt hộ hội viên, nông dân vay thông qua 741 Tổ Vay vốn.
Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, hàng năm, Hội ND tỉnh đều có định hướng, lựa chọn các mô hình, dự án phù hợp, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các dự án vay vốn; đồng thời, tăng cường việc chỉ đạo, giám sát thực hiện trình tự các khâu cho vay đảm bảo đúng quy trình. Sau khi giải ngân, các cấp Hội thường xuyên tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các hộ hội viên, nông dân, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.
Qua kiểm tra, giám sát, 100% số hộ vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình hay, mang lại giá trị và lợi nhuận cao. Nhiều mô hình cho thấy đạt giá trị kinh tế rõ nét, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình hội viên, nông dân trên địa bàn.
Tiêu biểu như: Mô hình trồng, chăm sóc và chế biến chè tại xã Vô Tranh (huyện Phú Lương), xã La Bằng (huyện Đại Từ); chăn nuôi bò thương phẩm tại xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ); nuôi ốc nhồi sinh sản tại xã Định Biên (huyện Định Hóa); phát triển nghề làm tương truyền thống tại xã Úc Kỳ, chăn nuôi gà mái đẻ tại xã Tân Khánh (huyện Phú Bình); sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Kha Sơn và xã Xuân Phương (huyện Phú Bình)…
Điển hình như mô hình nuôi gà của Tổ hợp tác chăn nuôi và chế biến gà thịt ở địa bàn xã Phủ Lý (huyện Phú Lương). Từ đầu tháng 3/2023, 10 thành viên của Tổ hợp tác chăn nuôi và chế biến gà thịt xã Phủ Lý được hỗ trợ xét vay 750 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND tỉnh.
Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Ly ở xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý là hộ sản xuất với quy mô chăn nuôi lớn nên gia đình chị được các cấp Hội hỗ trợ cho vay 90 triệu đồng. Hiện bình quân trang trại của gia đình chị đang duy trì thả nuôi khoảng gần 2.500 con gà/lứa. Nhờ việc được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND tỉnh kịp thời đã giúp gia đình chị duy trì được số con giống và đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gà.
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm nông sản từ các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND đã tạo được uy tín và thương hiệu, trở thành sản phẩm chủ lực của các địa phương. Một số sản phẩm đăng ký sản phẩm OCOP, được Hội ND tỉnh trao tặng danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.
Bên cạnh hoạt động giải ngân nguồn vốn vay, các cấp Hội còn tăng cường phối hợp để tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật nhằm giúp các hội viên, nông dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng. Các cấp Hội tích cực phối hợp, liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, máy nông nghiệp có chất lượng cao… nhằm giúp hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư xây dựng các mô hình, mở rộng sản xuất.
Theo đó, các cấp Hội đã chủ động, phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức 969 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 40.595 lượt hội viên, nông dân tham gia; phối hợp với Trung tâm thông tin tỉnh triển khai buổi tọa đàm “Trao đổi về phát huy vai trò tổ chức Hội trong phát triển kinh tế nông nghiệp”; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP” năm 2023 cho 150 cán bộ, hội viên, nông dân.
Đồng thời, Hội ND tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 09 lớp tập huấn lên sàn thương mại điện tử trên sàn VOSO, POSTMART.VN cho 540 hộ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, giúp hội viên, nông dân tăng cường hoạt động kết nối để tiêu thụ sản phẩm; mặt khác, trang bị thêm những kiến thức mới trong phương thức giới thiệu và bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội để tìm kiếm và mở rộng thị trường.
Có thể khẳng định, Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc. Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng trưởng đều hàng năm; đồng thời, hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp nâng cao hiệu quả hoạt động, dần đi vào nề nếp. Các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập mới 15 Hợp tác xã và 32 Tổ hợp tác. Đến nay, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập tổng số được 142 Hợp tác xã, 258 tổ hợp tác; 178 mô hình “Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Như Nguyệt