Ninh Bình: Hội- Ngân hàng tạo kênh vốn hiệu quả hỗ trợ hội viên, nông dân
10:00 - 30/10/2018
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, để tạo thêm nguồn vốn nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo trong tỉnh vươn lên làm ăn, cải tạo sinh kế, các cấp Hội luôn quan tâm và tích cực đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn. Đáng chú ý, đã có nhiều mô hình sản xuất phát triển đạt hiệu quả, từ đó tạo nên động lực và khí thế thi đua sôi nổi ở khu vực nông thôn.

Nhờ kênh vốn ưu đãi từ các ngân hàng, đã có nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi tại địa phương phát triển, đem lại hiệu quả


 
Nhờ kênh vốn ưu đãi từ phía ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN & PTNT), các cấp Hội đã tạo điều kiện giúp cho bà con tiếp cận được với những chính sách mới một cách nhanh chóng, thuận lợi. Qua đó, ngày càng có thêm nhiều hội viên, nông dân có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

 
Đối với chương trình nhận ủy thác giữa tổ chức Hội với ngân hàng CSXH, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh đã chủ động giao chỉ tiêu chất lượng hoạt động ủy thác cho các huyện, thị, thành và cơ sở Hội, lấy đó làm tiêu chí đánh giá bình xét xếp loại thi đua hàng năm. Đồng thời, tỉnh Hội thường xuyên có văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cấp Hội tập trung thực hiện tốt 3 nội dung nhận ủy thác với ngân hàng CSXH cùng cấp.

 
Bên cạnh đó, đối với công tác quản lý và điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở, Hội cũng luôn chú trọng việc phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách và ít nhất có 01 cán bộ chuyên trách theo dõi chương trình nhận ủy thác cho vay vốn.

 
Đến nay, toàn bộ Hội ND cấp huyện, thị xã và 143/143 cơ sở Hội của tỉnh đã ký kết xong việc nhận ủy thác với các phòng giao dịch ngân hàng CSXH cùng cấp. Qua từng năm, nguồn vốn vay ưu đãi được ủy thác từ 10 chương trình tín dụng chính sách của ngân hàng CSXH thông qua kênh Hội ND liên tục tăng trưởng. Hiện tổng dư nợ vốn vay trong toàn tỉnh đạt 602.092 triệu đồng thông qua 775 Tổ TK&VV với 22.646 thành viên tham gia.

 
Hoạt động bình xét cho vay tại cơ sở luôn được thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của hai ngành. Hội ND xã phối hợp thường xuyên với Ban giảm nghèo của xã, cùng với các cấp chính quyền, đoàn thể ở các thôn, xóm tiến hành bình xét, cho vay công khai, dân chủ, đảm bảo đúng đối tượng. Tổ trưởng các Tổ TK&VV duy trì nề nếp sinh hoạt định kỳ theo quy ước của Tổ; đồng thời, công tác quản lý, lưu giữ hồ sơ của các Tổ đã dần đi vào nề nếp, có hiệu quả.

 
Bên cạnh đó, công tác củng cố chất lượng của các Tổ TK&VV được Hội chỉ đạo thực hiện thường xuyên và liên tục. Theo đó, các cấp Hội đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV để từ đó kịp thời đề xuất những giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn đối với những Tổ còn xếp loại trung bình, yếu kém. Theo đánh giá qua từng tháng, có 725 Tổ TK&VV xếp loại tốt (chiếm 93,5%); 41 Tổ xếp loại khá (chiếm 5,4%); 05 tổ xếp loại trung bình (chiếm 0,6%).

 
Toàn tỉnh có 100% số Tổ TK&VV đã ký xong hợp đồng ủy nhiệm thu lãi, thu tiền tiết kiệm vay vốn. Qua đánh giá, nhìn chung, công tác thu lãi, thu tiền tiết kiệm hàng tháng của các Tổ được duy trì đều đặn và đạt kết quả tốt. Tính đến nay, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện huy động được trên địa bàn đã đạt 11.995 triệu đồng, có 21.404/22.646 thành viên vay vốn tham gia gửi tiền tiết kiệm, đạt 94,51%. Tỷ lệ thu lãi trên toàn địa bàn bình quân đạt 97,79%. Một số đơn vị thực hiện tốt công tác ủy thác như Hội ND thành phố Tam Điệp, Hội ND huyện Hoa Lư…

 
Song song với đó, để tiếp tục chương trình phối hợp giữa Hội với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh trong việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, các cấp Hội đã tích cực kiện toàn Ban chỉ đạo ở các cấp. Đã có 8/8 đơn vị Hội ND cấp huyện, thị xã, thành phố ký xong thỏa thuận liên ngành với chi nhánh ngân hàng cùng cấp.

 
Đến nay, toàn tỉnh có 575 Tổ Vay vốn ngân hàng Nông nghiệp & PTNT do Hội ND quản lý với 11.063 thành viên tham gia; tổng dư nợ đạt 1.538 tỷ đồng. Bình quân mỗi Tổ có 25 tổ viên, dư nợ bình quân mỗi Tổ quản lý 2.320 triệu đồng; mỗi hộ có dư nợ bình quân khoảng 130 triệu đồng. Một số huyện Hội triển khai tốt chương trình phối hợp như các huyện: Kim Sơn, Gia Viễn, Yên Khánh, Yên Mô.

 
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng, hội viên, nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn đưa các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, dần dần hình thành và xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả. Không những thế, nhiều hội viên, nông dân vốn xuất thân từ diện hộ nghèo, quy mô sản xuất nhỏ lẻ thì nay đã phát triển trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, đầu tư sản xuất các loại nông sản hàng hóa có giá trị, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ngay tại địa phương.
 

Điển hình như hộ ông Vũ Hữu Khâm ở xã Khánh Nhạc- huyện Yên Khánh vốn là diện hộ nghèo của xã từ nhiều năm, thu nhập chủ yếu từ nghề làm nông và nuôi cá nên cái khó, cái nghèo cứ quẩn quanh đeo bám mãi. Thông qua tổ chức Hội, ông được bình xét cho vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng CSXH để đầu tư vào mô hình chăn nuôi tổng hợp, kết hợp vừa làm nông, nuôi cá, nuôi bò và giống gà cảnh. Đến nay, gia đình ông đã thoát được nghèo, vươn lên làm giàu và ổn định cuộc sống.

 
Hay như hộ gia đình chị Đinh Thị Giang ở xóm 8, xã Thượng Kiệm- huyện Kim Sơn, thông qua Tổ vay vốn do Hội ND quản lý, chị được xét vay 400 triệu đồng từ ngân hàng Nông nghiệp & PTNT để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình đa canh “ba trong một”. Theo đó, mô hình của chị Giang đang triển khai bằng hình thức: Dưới rãnh chị nuôi ốc, cá; mặt luống trồng dưa lê, cà chua, rau; trên giàn trồng bí xanh, dưa chuột, mướp đắng… Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp nói trên đem tới cho gia đình chị nguồn thu ổn định mỗi năm với lợi nhuận bình quân đạt 20 triệu đồng/sào.

 
Đạt được những kết quả như trên là nhờ Ban Thường vụ Hội ND cấp huyện, xã đã có nhiều nỗ lực trong công tác phối hợp cùng với ngành ngân hàng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhận ủy thác như: Kịp thời thông báo đối với những trường hợp hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, hộ vay gặp phải rủi ro; có biện pháp nhanh chóng xử lý các trường hợp nợ quá hạn, nợ chây ỳ...

 
Mặt khác, để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, Tổ vay vốn trên địa bàn, căn cứ vào mức độ hoàn thành việc trả lãi, gốc của các hộ vay mà các ngân hàng đều có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí Tổ trưởng vay vốn. Hội ND tỉnh còn thường xuyên phối hợp với ngân hàng tổ chức các đoàn đi tìm hiểu thực tế. Qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân cũng như giám sát hoạt động tại các ngân hàng chi nhánh để có những giải pháp phù hợp trong hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp hội viên, nông dân nhanh chóng tiếp cận được với nguồn vốn; tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng tín dụng đen ở địa bàn nông thôn. Thông qua các Tổ, nhóm vay vốn, các tổ viên có điều kiện để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.

 
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác vay vốn cũng được các cấp Hội chú trọng, thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Ngay từ đầu năm, tỉnh Hội đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ HTND và hoạt động ủy thác cho vay vốn của 2 ngân hàng; chỉ đạo các huyện, thành Hội xây dựng và thực hiện chương trình kế hoạch kiểm tra, giám sát. Sau mỗi cuộc kiểm tra đều có văn bản tổng hợp kết quả để kịp thời yêu cầu chấn chỉnh những tồn tại, sai sót nếu có.

 
Trong năm, các cấp Hội đã tổ chức 02 cuộc đi kiểm tra hoạt động nhận ủy thác tại 75 lượt huyện, thành phố, cơ sở Hội và các Tổ TK&VV, Tổ Vay vốn. Đồng thời, tỉnh Hội chỉ đạo các cấp Hội thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở Hội, chi, tổ Hội, các Tổ trưởng vay vốn và các hộ tham gia vay vốn trên địa bàn. Để tăng thêm tính hiệu quả, hoạt động kiểm tra, giám sát luôn được lồng ghép với nội dung kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân ở các địa phương; các cấp Hội tổ chức họp bình xét và phân loại vào thường kỳ cuối năm.

 
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng tích cực đẩy mạnh việc triển khai các chương trình, dự án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống của người dân, kéo giảm sự chênh lệch về thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn. Các cấp Hội ở cơ sở cũng sẽ tích cực, chủ động phối hợp với các ngành triển khai, tổ chức nhiều lớp tập huấn, áp dụng KHKT mới cho hội viên, nông dân trên địa bàn.


 

Hà An
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng