|
ừ nguồn vốn nhận ủy thác của Hội Nông dân, nhiều hộ nông dân tập trung sản xuất hiệu quả (Ảnh minh họa) |
Năm năm qua, Quỹ HTND đã giải ngân cho vay 155 mô hình điểm gắn với xây dựng mô hình kinh tế tập thể. Đáng chú ý, các dự án vay vốn xây dựng mô hình điểm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, khai thác thế mạnh của từng vùng đã tạo ra nhiều nông sản hàng hóa đạt chất lượng cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Nhiều mô hình cho thu nhập cao từ 300 – 500 triệu đồng/năm, như: Trồng cây cảnh ở xã Đa Tốn (Gia Lâm), nuôi ba ba gai đặc sản ở xã Khai Thái (Phú Xuyên), chuỗi chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi ở xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì), chăn nuôi bò sữa tại phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây)…
Xã Cẩm Lĩnh là 1 trong nhiều cơ sở Hội trên địa bàn huyện Ba Vì thực hiện hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND.
Điển hình như Dự án “Trồng bưởi diễn và nuôi gà thả vườn” vay vốn Quỹ HTND năm 2011 với số tiền 150 triệu đồng cho 15 hội viên vay. Đến nay, ngoài chăn nuôi gà, các hộ đã có vườn bưởi diễn khép tán cho thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm. Từ các hộ này mà phong trào trồng bưởi diễn của xã đã được nhân lên.
Cùng với mô hình trồng bưởi diễn, Hội Nông dân xã đã xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì. Gần 100% các hộ trong xã có thu nhập chính từ nghề nuôi gà.
Năm 2016, Hội Nông dân xã xây dựng “Chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi”. Tham gia chuỗi, các thành viên phải tuân theo quy trình nuôi chung và sản xuất theo kế hoạch. Theo đó, quy trình chăn nuôi từ khâu chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật.
Bên cạnh bán gà thương phẩm, Hội cũng bán gà làm sẵn, khử khuẩn, đóng gói hút chân không. Hiện sản phẩm gà đồi Ba Vì đã có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ. Hiện nay, tổng số thành viên của chuỗi đã lên đến 61 hộ với đàn gà 270.000 con/năm.
Hiện nay, Hội Nông dân huyện Ba Vì đang duy trì 32 mô hình kinh tế tập thể và chỉ đạo xây dựng 8 mô hình kinh tế mới. Thông qua việc hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, các mô hình kinh tế tập thể ngày càng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò của các cấp Hội Nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Gia đình anh Nguyễn Văn Sắc, xã Thụy An, Ba Vì đang nuôi hơn 1 vạn con gà, doanh thu 1 tỷ đồng/năm. Anh Sắc cho hay, nhờ sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân huyện, thương hiệu gà đồi Ba Vì ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường...
Hội Nông dân huyện Thanh Trì cũng tập trung xây dựng 17 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 6 mô hình kinh tế điểm cho hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ hơn 7.500 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi với hơn 120 tỷ đồng.
Còn Hội Nông dân huyện Ứng Hòa đã có nhiều đổi mới trong hoạt động hỗ trợ nông dân, phối hợp với các ngành, giúp đỡ 1.200 gia đình hội viên nông dân thoát nghèo bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ vốn vay, cây, con giống phát triển sản xuất nông nghiệp…
Ngoài ra, HND TP còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho 63.636 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách vay với số vốn gần 1.700 tỷ đồng; Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho 23.878 hộ vay vốn với dư nợ đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
Hàng năm tổ chức 14.000 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật... cho trên 1.418.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân….
Ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết: Tiếp thu kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cán bộ hội viên nông dân, năm 2018, ngoài thực hiện tốt các chương trình trọng tâm, Hội Nông dân thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, tiếp tục tạo nguồn vốn hỗ trợ nông dân qua các kênh. Đồng thời, giúp đỡ hội viên về thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi.