Quỹ HTND: Hỗ trợ, khuyến khích các hộ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất
16:02 - 23/10/2018
(Quỹ HTND)- Có thể khẳng định, các dự án vay vốn từ Quỹ HTND đã giúp nhiều hội viên, nông dân trên cả nước mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ, xây dựng các mô hình kinh tế, thúc đẩy hình thành các liên kết trong sản xuất kinh doanh, gúp đỡ nhau về kinh nghiệm, vốn và khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Nhiều Hội ND thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện địa lý khó khăn đã mạnh dạn hỗ trợ và khuyến khích, động viên các hộ nông dân vay vốn Quỹ HTND phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao như tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên.


Đến hết tháng 3/2018, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh Lai Châu đạt 31,6 tỉ đồng, hỗ trợ triển khai 66 dự án cho 847 hộ vay 29 tỉ đồng; số còn lại đang trong quá trình xây dựng dự án, chờ giải ngân.


Một số dự án vay vốn Quỹ HTND đã kết hợp với nguồn lực hỗ trợ của địa phương như: Dự án nuôi cá lăng trên lòng hồ thủy điện tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn với 15 hộ tham gia vay 1 tỉ đồng kết hợp với sự hỗ trợ của huyện 10 triệu đồng/hộ làm lồng nuôi.


Hay như dự án nuôi cá lăng trên lòng hồ thủy điện tại xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ với 10 hộ tham gia vay 500 triệu đồng kết hợp nguồn hỗ trợ của huyện: 10 triệu đồng/hộ làm lồng nuôi cá, 2 triệu đồng/hộ mua giống, được tập huấn kỹ thuật... Hiện nay, cá phát triển tốt, một số hộ nuôi cá đã đạt trọng lượng 2kg/con.


Dự án Nuôi ngựa sinh sản tại phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu, được triển khai từ tháng 6/2017 - 6/2020 với số vốn 500 triệu đồng cho 10 hộ vay mua 26 con ngựa giống. Sau 9 tháng đàn ngựa đã phát triển thêm 7 con và 9 con đang mang thai.


Dự án Trồng, chăm sóc chế biến chè tại 2 phường: Quyết Thắng và Quyết Tiến (thành phố Lai Châu) với số vốn 1 tỷ đồng cho 34 hộ vay vốn đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm chè.


Dự án Trồng cây chanh đào tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường với số vốn ban đầu 500 triệu đồng được triển khai trong 5 năm (2015 – 2019) trên diện tích 7,3ha, hiện cây đang sinh trưởng, phát triển tốt, hơn 40% cây đã bói quả, bước đầu cho thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/hộ...

 
Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh Yên Bái đạt gần 9 tỷ đồng. Trong đó nguồn Quỹ HTND Trung ương ủy thác được triển khai cho 58 hộ vay vốn để thực hiện 05 dự án với số vốn là 2,7 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND tỉnh dư nợ 06 dự án, 86 hộ vay vốn số vốn trên 2,7 tỷ đồng. Nguồn Quỹ HTND cấp huyện đạt gần 3,5 tỷ đồng  triển khai 55 mô hình, dự án với 252 hộ vay vốn.


Nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao như Dự án Nuôi bò sinh sản ở xã Phúc An, huyện Yên Bình; dự án Nuôi ba ba ở xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn; dự án Sản xuất miến đao ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái; dự án Chăm sóc và khai thác gỗ rừng trồng ở xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình; Trồng và chăm sóc cam tại xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn; mô hình chăn nuôi trâu sinh sản tại Minh Chuẩn, huyện Lục Yênmô hình chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng tại Minh Bảo, thành phố Yên Bái; mô hình chăn nuôi dê tại Xà Hồ, và Bản Công (huyện Trạm Tấu).... 

 
Từ nguồn vốn Quỹ đã giúp cho nhiều hộ hội viên vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động ở địa phương. Điển hình như hộ ông Vũ Huy Quang, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên vay vốn thực hiện mô hình trang trại nuôi thỏ đến nay cho doanh thu từ 3 - 4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.

 
Hộ hội viên Nguyễn Đức Toàn, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái vay vốn xây dựng mô hình chế biến gỗ rừng trồng, cho lãi hàng năm từ 600 - 800 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/tháng...

 
Từ nguồn ủy thác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và vốn huy động từ địa phương, hiện nay Quỹ HTND tỉnh Điện Biên đạt 11,687 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân vay vốn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế.


Từ nguồn kinh phí này, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện 17 dự án cho 315 hộ hội viên nông dân vay.


Hơn 5 năm qua (2012 - 2018), từ nguồn vốn trên Hội Nông dân tỉnh đã luân chuyển cho trên 500 lượt hộ nông dân vay với lũy kế gần 18 tỷ đồng.


Ðể nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo tập trung đầu tư vốn thông qua dự án để xây dựng mô hình, liên kết nhóm hộ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.


Cụ thể, dự án nuôi trâu, bò sinh sản theo nhóm hộ tại xã Noong Luống, Thanh Yên, Thanh Luông (huyện Ðiện Biên); xã Tủa Thàng, Mường Ðun, Sín Chải (huyện Tủa Chùa), xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay), xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng)…


Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho hội viên vay mở rộng phát triển sản xuất, đã có trên 300 hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên có thu nhập khá. Tạo điều kiện cho hơn 1.000 lao động nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.


Ðiển hình trong quản lý, sử dụng nguồn Quỹ HTND hiệu quả là dự án chăn nuôi trâu bò sinh sản của Hội Nông dân xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên).


Năm 2014, Hội Nông dân xã Thanh Luông đã nhận ủy thác nguồn vốn vay từ Quỹ HTND tỉnh với số tiền 850 triệu đồng, xây dựng dự án nuôi trâu sinh sản.
Bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện, gia đình anh Mùa A Sinh, bản Cáng Tỷ, xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa, Điện Biên) đầu tư nuôi bò sinh sản, hiện đàn gia súc phát triển tốt. (ảnh: Báo ĐBP)


Theo đó, có 25 hội viên nông dân được vay mua 52 con trâu. Cùng với đó, Hội Nông dân xã phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện phổ biến kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng theo phương pháp chăn thả có người chăn dắt, có chuồng trại và tiêm phòng định kỳ.


Ðến tháng 8/2017, đàn trâu của 25 hộ trong xã đã phát triển lên 106 con, tăng 54 con so với ban đầu.


Ðiển hình, gia đình anh Lò Văn Thuận tham gia dự án được vay 30 triệu đồng, mua một cặp trâu mẹ con, đến nay đàn trâu đã phát triển thành 5 con. Gia đình anh Lò Văn Công được vay 50 triệu đồng mua 2 cặp trâu mẹ con, đến nay đã phát triển thành 8 con; gia đình anh Vì Văn Giót vay 50 triệu đồng mua 3 con trâu nay đã phát triển thành 7 con…


Phát huy vai trò “bà đỡ” của nông dân, thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tiếp tục vận động cán bộ, hội viên và nhân dân đóng góp xây dựng nguồn Quỹ HTND cũng như tranh thủ các nguồn vốn ưu đãi khác để tạo điều kiện giúp nông dân có vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. 
Mạnh Thắng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng