Khơi thông nguồn vốn cho nông dân
17:19 - 21/03/2018
(Quỹ HTND)- Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ nông dân như vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, vốn ủy thác qua Ngân hàng, thời gian qua, Hội ND các địa phương đã tích cực đồng hành cùng hội viên, nông dân trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Gia đình anh Đỗ Văn Ban ở thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đã sử dụng nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi bò hiệu quả

Đến nay, Hội ND tỉnh Hải Dương đã thành lập được 1.035 tổ TK&VV với tổng dư nợ tính đến hết năm 2017 đạt hơn 821 tỷ đồng cho 27.217 hộ nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Hội viên tham gia tổ TKVV được vay mức thấp nhất 8 triệu đồng, cao nhất là 50 triệu đồng. Thời gian vay kéo dài từ 4-5năm với lãi suất từ 0,55-0,75%/tháng.


Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên đã xây dựng được các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, phát triển nghề truyền thống hiệu quả. Tiêu biểu là các huyện Tứ Kỳ (3.214 hộ vay với tổng số tiền hơn 94 tỷ đồng),  Kim Thành (2.783 hộ vay hơn 80 tỷ đồng), Gia Lộc (có 2.410 hộ vay hơn 76 tỷ đồng)...


Để phát huy hiệu quả, việc quản lý vốn vay được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Vào các buổi sinh hoạt hàng tháng, thành viên các tổ TK&VV được thông báo số tiền, đối tượng cho vay cũng như đôn đốc, nhắc nhở các hộ trả lãi đúng hạn. Các thành viên cũng thường xuyên trao đổi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để giúp nhau sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập.


Để có kết quả cao trong công tác vận động xây dựng nguồn vốn giúp hội viên, nông dân, đầu năm 2017, Ban Thường vụ HND tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân, chủ động đề xuất ngân sách tỉnh sớm cấp bổ sung 1 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm và hướng dẫn các địa phương triển khai công tác vận động đến cơ sở.


Năm 2017, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ với số tiền hơn 6 tỷ đồng, nâng tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh lên hơn 19,7 tỷ đồng.

 
Một số mô hình vay vốn mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng, như: Trồng xoài theo chuẩn VietGap tại Bình Phước Xuân (Chợ Mới), mô hình cây ăn trái theo hướng an toàn ở Định Thành (Thoại Sơn), mô hình bưởi da xanh ruột đỏ ở Khánh Hòa (Châu Phú) cùng một số mô hình chăn nuôi bò, dê theo tổ hợp tác và trồng rau an toàn ở nhiều địa phương.


Năm 2017, Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh Bắc Ninh tăng hơn 14,5 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Hiện, tổng nguồn Quỹ toàn tỉnh Bắc Ninh đạt trên 47,8 tỷ đồng, trong đó Trung ương uỷ thác 14,8 tỷ đồng, UBND tỉnh cấp 27,2 tỷ đồng, còn lại là huyện và cơ sở.


 Nguồn vốn đang giải ngân cho gần 1.115 hộ nông dân vay để phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho trên 2.000 lao động.
 

Hội ND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, chính quyền địa phương khảo sát địa bàn cho vay, đảm bảo đúng đối tượng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, cách quản lý, sử dụng vốn vay. Đồng thời, các cấp Hội còn tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật.


Nguồn vốn vay của Quỹ đã góp phần xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Nuôi bò sữa xã ở Gia Đông, huyện Thuận Thành; nuôi thỏ xuất khẩu đi Nhật ở xã Phú Hòa, huyện Lương Tài; nuôi chim câu ở xã Cách Bi, huyện Quế Võ…


Nhờ phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Yên Châu, Sơn La, Hội ND đã thành lập được 38 tổ vay vốn với 1.188 thành viên tham gia được vay vốn với số tiền 72,964 tỷ đồng.


Đặc biệt, Hội Nông dân đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, được hơn 118 lớp với 7.577 lượt học viên tham dự.


Hội cũng phối hợp triển khai xây dựng 26 mô hình khuyến nông tự nguyện, gồm các mô hình: Trồng rau cải, dưa hấu, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, mô hình lúa TBR 225, ủ chua thức ăn chăn nuôi, trồng mít, nuôi gà thả vườn, giống gà lai Đông Tảo, đốn ghép cải tạo vườn xoài, cấy lúa theo SRI...


Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã lập Dự án chăn nuôi bò sinh sản cho hội viên nông dân bản Tin Tốc, xã Tú Nang vay nguồn vốn huy động quay vòng, với số tiền 30.000.000 đồng/hội viên, giải quyết việc làm tại chỗ cho 6 hội viên.


Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong cả nước tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân; Tổ TK&VV; Tổ vay vốn nhằm nâng cao chất lượng tín dụng; triển khai thực hiện tốt kế hoạch tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Bình An
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng