Quỹ HTND giúp nâng cao đời sống nông dân
11:51 - 26/12/2017
(Quỹ HTND)- Những năm qua, Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hộ vay vốn với lãi suất ưu đãi, đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống.
Nuôi bò thương phẩm từ dự án vay vốn Quỹ mang lại hiệu quả kinh tế cao


Tại huyện Mộc Châu (Sơn La), Quỹ HTND các cấp đã trở thành kênh vốn hiệu quả giúp các hội viên phát triển kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác 1 dự án cho 20 hộ vay 600 triệu đồng, đầu tư nuôi 40 con bò sinh sản, đến nay đã sinh sản gần 30 con, hiện đàn bò phát triển tốt. Từ nguồn Quỹ của Hội Nông dân tỉnh ủy thác  4 dự án chăn nuôi trâu bò sinh sản cho 45 hộ vay 1,2 tỷ đồng, đầu tư nuôi 66 con trâu, bò đến nay đã sinh sản trên 40 con; 1 dự án chăn nuôi lợn thương phẩm cho 10 hộ vay 300 triệu đồng, đã xuất bán gần 16 tấn lợn hơi. Đối với nguồn vốn của Hội ND huyện, đã triển khai 10 dự án cho 94 hộ vay trên 2,2 tỷ đồng đầu tư nuôi trâu, bò, dê. Điển hình như: Dự án chăn nuôi bò tại xã Nà Mường; dự án nuôi bò sinh sản tại xã Tà Lại, TT Nông trường, chăn nuôi lợn thương phẩm tại thị trấn Mộc Châu... Nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, như: Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Đức Đắc, ông Nguyễn Đăng Khải, ông Vì Văn Lít, ở xã Mường Sang cho thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên; mô hình trồng rau an toàn của tổ HTX Bãi Sậy, HTX An Thái (xã Mường Sang, huyện Mộc Châu) cho thu nhập trên 300 triệu đồng; mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của nhà ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Cà Văn Hợp, ông Lường Văn Chung, ở xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu cho thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên.
 
 
Anh Nguyễn Văn Thuần ở thôn Cầu Gạo, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) chia sẻ: “Hơn 10 năm gắn bó với nghề làm bánh đa nem nhưng do vốn không có nên trước đây gia đình tôi chỉ làm ở quy mô nhỏ. Được Hội ND cho vay vốn Quỹ HTND, tôi đã bắt tay vào sản xuất quy mô lớn, nâng cao chất lượng cũng như bao bì sản phẩm để đưa bánh đi giao buôn cho nhiều đại lý trong khu vực”. Đến nay, mỗi tháng gia đình anh cung cấp cho thị trường 40 vạn bánh đa nem, trừ chi phí anh thu lãi từ 7 - 8 triệu đồng. Ngoài ra, để tận dụng nguyên liệu cơm gạo thừa từ làm bánh, anh còn tăng gia thêm 2 lứa lợn, mỗi lứa 10 con, bổ sung vào nguồn thu nhập của gia đình.
 
 
Với số vốn 50 triệu được vay từ nguồn Quỹ HTND tỉnh trong thời gian 36 tháng thuộc dự án “phát triển đồ mộc”, ông Ngô Văn Quang ở khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, TP. Bắc Ninh đã đầu tư mua máy móc và gỗ nguyên liệu để phát triển sản xuất. Ông chia sẻ: “Tôi đăng ký tham gia dự án cùng với 05 hộ trong khu. Nhờ đó khối lượng sản phẩm làm ra nhiều hơn, chất lượng mẫu mã cũng đẹp hơn, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng”. Được biết, xưởng sản xuất của ông Quang đang tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/lao động/tháng. Mỗi năm gia đình ông thu lãi 400 triệu đồng.
 
 
Ông Trần Văn Sơn ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) được vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND và Hội ND huyện Phong Điền tạo điều kiện tín chấp vay thêm ngân hàng để xây dựng chuồng trại, ban đầu chỉ nuôi một số lợn nái, lợn thịt và chăn nuôi vài chục con gà. Quy mô sản xuất được mở rộng hằng năm, từ gia trại vài chục con, đến nay trang trại của gia đình ông có 300 - 400 con lợn thịt/năm.
 
 
Ông Sơn chia sẻ: “Có điều kiện về vốn, được Hội ND các cấp tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, tôi mở rộng quy mô chăn nuôi gà lên 10.000 con/năm. 5 năm gần đây, doanh thu bình quân mỗi năm từ chăn nuôi lợn, gà đạt 2,5 tỷ đồng, lãi ròng trên 200 triệu đồng”.
 
 
Từ một hộ khó khăn tại địa phương, ông Võ Thường ở thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND để đầu tư vào mô hình nuôi cá bớp. Ông Thường cho biết: Nhờ nguồn vốn này, gia đình có thêm kinh phí đầu tư mở rộng quy mô nuôi. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, ông thu lợi nhuận được gần 50 triệu đồng.
 
 
Ngoài gia đình ông Thường, còn có 11 hộ dân xã Thanh Hải được vay từ nguồn vốn Quỹ HTND để thực hiện dự án nuôi cá bớp, bình quân mỗi hộ được vay 30 triệu đồng. Qua 1 năm triển khai, mô hình nuôi cá bớp đã mang lại hiệu quả rõ rệt, với giá cá bớp 115 ngàn đồng/kg cho thu nhập bình quân một vụ gần 50 triệu đồng/hộ. Mô hình giải quyết việc làm cho 20-30 lao động địa phương.
 
 
Từ những kết quả thực tiễn cho thấy, Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn hộ nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời hướng tới thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thành Lân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng