Quỹ HTND Long An: Tập trung phát triển nguồn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân
15:19 - 30/11/2017
(Quỹ HTND) - Những năm qua, để tập trung xây dựng, phát triển Quỹ HTND, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện tốt Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, nguồn vốn Quỹ HTND ở các cấp ngày càng tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên, nông dân có sự phát triển và đạt được nhiều kết quả.
|
Ngày càng có nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn thoát được nghèo nhờ đồng vốn vay từ Quỹ HTND |
Theo đó, các cấp Hội luôn quan tâm đến công tác xây dựng Quỹ HTND bằng việc xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, đưa vào chỉ tiêu thi đua và giao chỉ tiêu vận động cụ thể cho từng cơ sở Hội. Đến nay, có 11/15 huyện, thị, thành Hội đã thành lập xong Ban vận động Quỹ HTND. Đồng thời với đó, các cấp Hội tiến hành chỉ đạo và tổ chức tốt việc chuyển giao cấp quản lý nguồn vốn, phân công cán bộ phụ trách, theo dõi hoạt động Quỹ HTND trên địa bàn.
Đã có 12/15 đơn vị xây dựng Quỹ HTND với tổng số tiền 1.323 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ do Hội ND cấp huyện tự vận động được lên 8.639 triệu đồng. Trong đó, số tiền từ các nguồn ủng hộ đạt 7.639 triệu đồng và nguồn mượn từ ngân sách 1.000 triệu đồng (Hội ND huyện Thủ Thừa).
Đáng chú ý, một số huyện nhờ công tác vận động nguồn vốn đạt hiệu quả nên huy động được mức cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra, điển hình như: Cần Giuộc 79%, Cần Đước 50%, Thủ Thừa 48%. Ngoài ra, một số huyện cũng đã tham mưu có hiệu quả trong việc thực hiện Quyết định 673 và đã được cấp bổ sung nguồn vốn từ ngân sách gồm: Huyện Đức Huệ 100 triệu đồng; Vĩnh Hưng 65 triệu đồng; Tân Thạnh 45 triệu đồng; Mộc Hóa 50 triệu đồng.
Thực tế hiện nay cho thấy, các huyện, thị, thành Hội đều đang trực tiếp quản lý nguồn vốn Quỹ HTND tương đối lớn. Huyện có số vốn nhiều nhất đạt trên 1.000 triệu đồng và huyện ít nhất cũng có trên 200 triệu đồng.
Đến nay, tổng nguồn vốn đang quản lý của Quỹ HTND trên địa bàn toàn tỉnh đạt 26,428 triệu đồng, giúp 1.586 lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, các hộ vay đều đầu tư đúng hướng và phát huy được hiệu quả đồng vốn.
Cụ thể, đối với nguồn vốn do Quỹ HTND cấp trên hỗ trợ, với tổng số tiền 20.793 triệu đồng đã cho 871 hộ vay. Trong đó, nguồn vốn Trung ương đã giải ngân được 11.127 triệu đồng cho 419 hộ vay; nguồn vốn tỉnh giải ngân xong 9.666 triệu đồng cho 452 hộ vay.
Đối với nguồn vốn do Hội cấp huyện vận động, đã hỗ trợ cho 715 lượt hộ vay với số tiền 5.635 triệu đồng. Có thể thấy, hầu hết nguồn vốn vận động được trong kỳ đều đã được các huyện, thị, thành Hội lên kế hoạch giải ngân sớm để kịp thời hỗ trợ nông dân có nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển sản xuất.
Nhiều dự án đã và đang cho thấy hiệu quả rõ rệt. Điển hình như: Dự án nuôi bò sinh sản ở xã Hòa Khánh Đông- huyện Đức Hòa. Sau khi được hỗ trợ về vốn, dự án đã giúp các hộ trên địa bàn gia tăng thu nhập, bình quân lên 20 triệu đồng/hộ/năm, đồng thời phát triển thêm số lượng đàn gia súc nuôi thả ở địa phương.
Hay như một số dự án khác gồm: Nuôi gà lấy trứng ở xã Long Hòa (huyện Cần Đước); trồng dứa ở xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa); nuôi vịt đẻ ở xã Long Sơn (huyện Cần Đước); trồng củ khoai từ ở xã Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ)… cũng đều cho hiệu quả rõ rệt.
Thông qua các dự án được vay vốn từ nguồn Quỹ HTND, hội viên, nông dân có thêm điều kiện tiếp cận với những tiến bộ KHKT mới, áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng, tăng thêm thu nhập cho nông hộ. Mặt khác, các dự án còn góp phần giải quyết thêm nhiều việc làm ở địa phương; các hộ được thụ hưởng biết giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ về vốn, các cấp Hội còn chú trọng tới việc phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi cho hộ vay cả trước và sau khi nhận vốn, nhằm giúp nông dân sử dụng đồng vốn đạt hiệu quả cao.
Đồng thời, tỉnh Hội còn tiến hành tập huấn nghiệp vụ Quỹ HTND cho cán bộ Hội ở cấp cơ sở để giúp trang bị thêm kiến thức. Đã có 9/15 huyện, thị, thành Hội tổ chức tập huấn xong, chuyển tải đầy đủ các biểu mẫu, văn bản do tỉnh Hội hướng dẫn.
Thông qua các lớp tập huấn, có thể thấy công tác quản lý Quỹ HTND của cấp huyện, thị, thành Hội đã có nhiều chuyển biến. Nhất là từ khi tiếp nhận nguồn vốn được chuyển giao từ xã lên, việc quản lý vốn đã tập trung hơn; hoạt động bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với ngành nghề. Đặc biệt, mức vay được nâng dần lên phần nào đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn của hội viên, nông dân. Nhờ đó, đồng vốn vay trên địa bàn đã gia tăng hiệu quả sử dụng, ngày càng tạo được uy tín, chất lượng đối với nguồn vốn Quỹ.
Sau khi giải ngân, các cấp Hội thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát để bảo toàn được nguồn vốn vay. Hầu hết các huyện, thị, thành Hội đều xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chuyên đề và thực hiện việc kiểm tra đối với cấp cơ sở, công tác kiểm tra cũng thường được thực hiện lồng ghép với công tác Hội. Qua kiểm tra cho thấy, quy trình cho vay đều đã thực hiện theo hướng dẫn, đảm bảo có đầy đủ hồ sơ, thủ tục.
Việc giải ngân cho vay cũng được các cấp Hội quan tâm thực hiện sát sao, từ khâu tổ chức đến việc thực hiện hồ sơ giải ngân đảm bảo chứng từ được lưu giữ ở Hội cùng cấp. Đối với nguồn vốn do cấp trên hỗ trợ, hầu hết các đơn vị được đầu tư vốn đều thực hiện theo hướng dẫn của tỉnh Hội, có lưu giữ hồ sơ và thực hiện các thủ tục vay vốn, giải ngân theo quy định.
Việc quản lý và sử dụng nguồn phí được thu theo hướng dẫn, đảm bảo các khoản thu chi đều có chứng từ hợp lệ. Đối với nguồn vốn được cấp trên hỗ trợ, đảm bảo mức thu phí đạt 100% và trích nộp về Hội cấp trên theo đúng quy định.
Nhằm đa dạng các nguồn vốn vay để có thêm nhiều nguồn lực trợ giúp hội viên, nông dân, các cấp Hội trong tỉnh còn tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nhận ủy thác nguồn vốn vay. Toàn tỉnh có 188/192 xã, phường, thị trấn đang có dư nợ với Ngân hàng CSXH, số tiền 877.032 triệu đồng, thực hiện tại 1.100 Tổ TK & VV với 43.722 thành viên tham gia. Dư nợ đã tăng thêm 37.858 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2016, đạt tỉ lệ tăng 4,51%.
Có được con số tăng trưởng như trên là nhờ tất cả các huyện, thị, thành Hội đều có sự phân công cụ thể các cán bộ theo dõi chương trình ủy thác. Theo đó, đồng chí Chủ tịch Hội cấp huyện, thị, thành sẽ tham gia Hội đồng quản trị ngân hàng CSXH huyện; đồng chí Phó Chủ tịch hoặc 01 cán bộ phụ trách sẽ theo dõi chương trình ủy thác. Do đó, các văn bản chỉ đạo của Hội cấp trên cũng như các thông báo của ngân hàng đều được triển khai kịp thời đến từng cơ sở Hội.
Có thể khẳng định, Quỹ HTND đã thực sự góp phần hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân trên địa bàn giảm nghèo, đồng thời xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế. Từ đó, giúp nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Các hộ được vay vốn trở thành những nhân tố đi đầu tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hà Thu