|
100% hộ vay vốn ở huyện Đô Lương đều chấp hành nghiêm túc trả nợ đến hạn. |
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt trên 47 tỷ đồng triển khai 197 dự án.
Xuất thân trong một gia đình nông thôn nghèo, sau dồn điền đổi thửa, anh Trần Minh Tý ở xóm Hồng Phong, xã Lưu Sơn (huyện Đô Lương) nhận thầu 0,6 ha đất hoang hóa để làm mô hình vườn, ao, chuồng. Năm đầu tiên anh nuôi 3 con bò sinh sản, được Quỹ HTND cho vay 40 triệu đồng, anh mua thêm bò giống. Hiện đang phát triển lên 9 - 12 con bò sinh sản. Ngoài ra, gia đình anh còn trồng 3 sào cỏ sữa, 2 sào ngô, 6 sào lúa, lạc tạo nguồn thức ăn tại chỗ cho đàn bò. Trung bình mỗi năm đàn bò sinh sản thêm 6 bê con, thu lãi trên 70 triệu đồng/năm.
Anh Tý chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn Quỹ HTND, gia đình tôi có thêm kinh phí đầu tư nâng tổng đàn chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Ông Nguyễn Hồng Xuân - Chủ tịch Hội ND huyện Đô Lương cho biết: Sau 5 năm triển khai, đến nay nguồn Quỹ HTND huyện đã cho hơn 100 hộ hội viên vay tại địa bàn 6 xã gồm Thuận Sơn, Hiến Sơn, Văn Sơn, Tân Sơn, Lam Sơn và Nhân Sơn với tổng nguồn vốn hơn 3 tỷ đồng. Bà con vay vốn chủ yếu đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, sản xuất mộc, làm bún... với mức vay bình quân 30 - 40 triệu đồng/hộ, thời gian vay trong 3 năm, rất thuận lợi cho nông hộ quay vòng vốn hiệu quả. 100% hộ vay vốn đều chấp hành nghiêm túc trả nợ đến hạn, không phát sinh nợ xấu; từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân.
Ở huyện Anh Sơn, với nguồn vốn từ Quỹ HTND Trung ương ủy thác, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai xây dựng dự án “Trồng cam hàng hóa” tại xã Đỉnh Sơn với quy mô gần 10 ha gồm 20 hộ tham gia, tổng số vốn đầu tư gần 1,3 tỷ đồng, trong đó vốn vay Quỹ HTND tỉnh 600 triệu đồng, thời gian vay 3 năm. Đến nay, dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người trồng cam. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Mô hình hiện được nhân rộng ở các huyện: Yên Thành, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông.
Tại xã Nghĩa Đồng (huyện Tân Kỳ), phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển chăn nuôi trâu bò sinh sản, Hội ND tỉnh đã tổ chức khảo sát, thẩm định và trình Trung ương Hội đầu tư vốn để xây dựng mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản tại xã Nghĩa Đồng với quy mô đầu tư 575 triệu đồng, trong đó vay từ Quỹ HTND 400 triệu đồng, triển khai cho 20 hộ vay để mua 20 con trâu mẹ. Sau 5 năm triển khai dự án, đàn trâu phát triển từ 20 con lên gần 90 con, giá bán mỗi con trâu con từ 15 - 20 triệu đồng.
Dự án chăn nuôi trâu được nhân rộng tại các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn… Hiện có 133 dự án chăn nuôi, chiếm 81% tổng dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, trung bình mỗi hộ (sau 3 năm vay vốn) thu được lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/hộ từ chăn nuôi trâu bò sinh sản.
Nhiều mô hình dự án sử dụng vốn Quỹ đã góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Điển hình như mô hình chế biến hải sản ở phường Nghi Hải (thành phố Cửa Lò), xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu); làng nghề mộc dân dụng xã Thái Sơn (huyện Đô Lương); mô hình trồng nấm ở xã Khánh Thành, Sơn Thành (huyện Yên Thành), mô hình nuôi gà lấy trứng tại xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu)…
Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống.