(Quỹ HTND) – Nguồn vốn tập trung hỗ trợ nông dân tăng số lượng đàn bò sữa (tại Phường 2), cải tạo và chăm sóc vườn cà phê cao sản (tại phường Lộc Sơn, B’Lao, Lộc Phát, Lộc Tiến và xã Đại Lào, Đam Bri, Lộc Thanh) và chăn nuôi heo thịt (tại Phường 1).
|
Mô hình trồng cà phê đã giúp nhiều hộ vay thoát nghèo |
Trong năm 2017, tổng nguồn vốn Qũy HTND các cấp giải ngân 1,8 tỷ đồng cho 72 hộ vay trên địa bàn thành phố. Trong đó, nguồn vốn của Trung ương Hội ủy thác là 600 triệu đồng, nguồn tỉnh Hội là 700 triệu đồng, còn lại là của thành phố (gồm trích mượn từ ngân sách địa phương và vận động đóng góp của các cấp Hội).
Định kỳ, hàng tháng, hàng quý, các cấp Hội đều kiểm tra, xem xét việc sử dụng nguồn vốn có đúng mục đích, có đạt hiệu quả hay không. Sau một năm hoặc giữa kỳ vay vốn, các nhóm hộ sẽ sơ kết để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn. Đến nay, có thể khẳng định việc triển khai thực hiện sử dụng và quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân.
Từ khi triển khai nguồn Quỹ HTND các cấp, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 18 lượt luân chuyển nguồn vốn, giúp đỡ cho nhiều hộ vươn lên làm giàu, xây dựng nhiều mô hình Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Điển hình như 12 hộ nông dân tại xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc) được vay 200 triệu đồng để chăm sóc cà phê cao sản trong 2 năm (2014 – 2016). Đến nay, dự án đã kết thúc và được đánh giá là đem lại hiệu quả khá cao. Từ nguồn vốn vay này, các hộ nông dân đã đầu tư, cải tạo 8 ha cà phê già cỗi, cho năng suất thấp sang các giống cà phê cao sản cho chất lượng cao.
Hiện, các vườn cà phê đã từng bước nâng cao năng suất từ 2,5 tấn/ha lên 3 tấn/ha. Hàng năm, giúp cho khoảng 20 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định. Qua mô hình này, Hội ND xã Lộc Nga đã tổ chức 2 buổi tham quan và 3 cuộc hội thảo đầu bờ cho hơn 100 cán bộ, hội viên nông dân tham dự. Đã có 10 hộ dân tại địa phương học tập và làm theo mô hình của dự án.
Hay như các gia đình trong Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa Phường 2 cũng sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả. Có hộ đầu tư chuồng trại, có hộ mua thêm con giống, có hộ đầu tư trồng cỏ. Từ 85 con bò ban đầu, đến nay, Tổ hợp tác đã phát triển lên được 223 con. Hiện đã đến thời gian hoàn trả nguồn vốn vay sau 3 năm, tất cả các hộ trong Tổ hợp tác đã có “của ăn của để” để sẵn sàng trả số tiền vay này.
Có thể nói, nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần mạnh mẽ vào sự chuyển dịch kinh tế nông nghiệp tại địa phương. Nông dân mạnh dạn vay vốn làm ăn vươn lên thoát nghèo. Quỹ HTND thực sự trở thành công cụ đắc lực cho hoạt động công tác Hội thúc đẩy các phong trào thi đua trong hội viên nông dân, tham gia thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn.