Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu lớn ở huyện biên giới tỉnh Lào Cai
08:59 - 27/04/2021
Ngày 25/4, đồng chí Thào Xuân Sùng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến thăm "thủ phủ" trồng dứa và nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu hiện đại ở huyện Mường Khương (Lào Cai).

Ông Hoàng Văn Tuyên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Khương cho biết, hiện Mường Khương đang có khoảng 1.200ha dứa, chuối 1.800ha, chè 3.500ha...
 

Trong đó, vùng dứa của Mường Khương được hình thành từ những năm 1990. Sau gần 30 năm, đến nay diện tích dứa trên địa bàn huyện đạt gần 1.200ha, tập trung chủ yếu ở bản Lầu (trên 1.000ha), bản Xen (1,5ha), Lùng Vai (33,5ha), trong đó, diện tích cho thu hoạch là 708,5ha.
 

Ông Tuyên cho hay: Để giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm cho người dân, năm 2020, huyện Mường Khương chủ động phối hợp với các ngành chức năng để xây dựng nhãn hiệu tập thể: Dứa Mường Khương.
 

Tin vui hơn là mới đây Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Dứa Mường Khương”. Nhãn hiệu sản phẩm “Dứa Mường Khương” được bảo hộ đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường, tạo đầu ra ổn định, nâng cao khả năng thương mại hóa, tăng thu nhập cho người dân.
 

Bên cạnh đó, Mương Khương cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để mời gọi doanh nghiệp lớn vào cuộc xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm. Hiện, huyện đã thu hút được Công ty CP Thực phẩm Á Châu đến đầu tư nhà máy chế biến dứa, chuối, đào...
 

Theo ông Tuyên, nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương đặt tại xã Lùng Vai, với dây chuyền thiết bị tiên tiến, có công suất sản xuất một năm là 4.600 tấn dứa hộp, 1.600 tấn nước dứa cô đặc, 800 tấn chuối sấy dẻo, 1.000 tấn ngô ngọt, 250 tấn rau và quả các loại. Tổng vốn đầu tư là hơn 60 tỷ đồng, do Công ty Á Châu là chủ đầu tư và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.
 

Nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho gần 200 lao động thường xuyên và hàng nghìn nông dân ở địa phương tham gia trồng dứa, chuối, chè, ngô, cây ăn quả để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.
 

Chia sẻ với các thành viên trong đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bà Mai Thị Trâm Anh - Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Á Châu khẳng định: Sau thời gian dài vượt khó, tháng 4/2021 nhà máy đã chính thức khánh thành và đi vào hoạt động với công suất chế biến khoảng gần 10.000 tấn sản phẩm/năm.

"Điều đáng mừng là đến nay sản xuất chế biến của công ty đã vào được thị trường Mỹ, mở ra nhiều cơ hội cho đơn vị tiếp cận các thị trường khó tính khác ở châu Âu", Giám đốc Công ty CP thực phẩm Á Châu nói.
 

Trao đổi với lãnh đạo huyện Mường Khương và Công ty CP Thực phẩm Á Châu, trưởng đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết, nhà máy chế biến rau quả Mường Khương đi vào hoạt động thực sự là tin rất vui đối với người dân tại các xã trên địa bàn huyện.
 

"Sự xuất hiện của nhà máy chế biến mới này đã góp phần giải quyết đầu ra bền vững, ổn định cho các nông sản thế mạnh của huyện Mường Khương và các vùng lân cận. Qua đó giúp nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương", Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định.
 

Đến nay, sản xuất chế biến của Công ty CP thực phẩm Á Châu đã vào được thị trường Mỹ

Để đưa vùng cây ăn quả phát triển ổn định và bền vững đem lại thu nhập cao cho người dân, đồng chí Thào Xuân Sùng đề nghị huyện Mường Khương cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, bà con vùng nguyên liệu.
 

Để làm được điều này, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Các hộ trồng dứa cần ký hợp đồng tiêu thụ dứa với nhà máy chế biến của Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, hợp đồng cam kết phải bán sản phẩm dứa cho công ty theo giá thỏa thuận từ đầu vụ và đảm bảo lợi ích hai bên. 
 

Mặt khác, chính quyền và doanh nghiệp cũng cần giám sát và đẩy mạnh tuyên truyền để người trồng cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho nhà máy chế biến, tránh tình trạng giá thị trường cao hơn thì người dân bán ra ngoài, giá thấp thì mới bán cho công ty làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty.
 

Cùng với việc bao tiêu sản phẩm cho người dân và chế biến dứa, chuối, đào xuất khẩu, người đứng đầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lưu ý Công ty Á Châu cần chú ý chăm lo đời sống cho công nhân viên của mình và thường xuyên đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, chế biến hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu, vừa đảm bảo môi trường sản xuất an toàn để phục vụ du lịch.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường