Sơn La: "Biến" bò gầy giơ xương thành bò béo mập, một ông nông dân kiếm hơn nửa tỷ mỗi năm dễ như ăn kẹo
08:31 - 14/04/2021
Ông nông dân Hoàng Ngọc Tư, người bản Lìn (xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đã lựa chọn mô hình nuôi bò vỗ béo để phát triển kinh tế. Nhờ vỗ béo bò đúng kỹ thuật, những con bò gầy trơ xương đã biến thành bò béo mập, giúp ông kiếm được 600 triệu đồng mỗi năm.

 

Ảnh minh họa

Nuôi bò vỗ béo, nhanh thu tiền

Trò chuyện với chúng tôi, cựu chiến binh (CCB) Hoàng Ngọc Tư ở xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La) kể: Năm 1979, lúc đó tôi mới là chàng thanh niên 20 tuổi. Tôi xung phong lên đường nhập ngũ ở đơn vị Trung đoàn 728, mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Năm 1984, tôi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xuất ngũ trở về địa phương và tham gia phát triển kinh tế gia đình.

Với bản tính cần cù, chịu khó của người lính Cụ Hồ, ông Tư tiếp tục nối nghiệp gia đình phát triển chăn nuôi bò ở suối Sập, giáp với xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên.

Đầu những năm 2001, ông Tư đi học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi bò ở những trang trại có uy tín. Đồng thời, ông đầu tư xây dựng mở rộng thêm diện tích chuồng trại và mua thêm bò về nuôi vỗ béo. Hơn 3ha diện tích trồng lúa, ngô, sắn trước đây được gia đình ông Tư chuyển đổi sang trồng cỏ voi VA06 để làm nguồn thức ăn cho đàn bò.

Theo ông Tư, khâu chọn bò giống quyết định rất lớn đến sự thành công trong nuôi bò. Mặc dù, ông Tư chủ yếu mua bò gầy giơ xương về chăm sóc, vỗ béo, tuy nhiên khi mua giống ông luôn chọn những con khỏe mạnh, không bị khô miệng. 

Ông bảo, khi chọn mua bò, cho ăn thử cỏ tươi, nếu con nào khỏe sẽ ăn luôn. Nếu con nào yếu sẽ ăn ít hoặc uể oải. 

Ngoài ra, nên chọn những con bò có dáng đi nhanh nhẹn. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi bò cần tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine, như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, nhiệt thán...

Ông Tư cho biết, thức ăn hàng ngày cho bò gồm: Cỏ voi, thân cây ngô tươi. Vào mùa đông khi thời tiết lạnh giá, cần nấu thêm cám ngô, cám gạo để bổ sung thêm tinh bột cho bò; che chắn chuồng trại đảm bảo ấm áp cho đàn bò.

Hiện gia đình ông Tư có 73 con bò. Trong đó, ông Tư nuôi 37 con bò nhốt chuồng để vỗ béo, số còn lại ông cho nhiều hộ gia đình khó khăn khác nuôi rẽ để vừa tạo giống, vừa giúp những hộ này có thêm thu nhập.

Ông Tư chia sẻ: Để giúp những hộ gia đình khó khăn có điều kiện nuôi bò phát triển kinh tế, tôi cho 4 hộ trong bản mượn 30 con bò giống để nuôi rẽ. Khi bò sinh sản, cứ hai con bê thì hộ nhận nuôi được một con để làm giống, sau đó lại chuyển bò giống cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn khác nuôi. 

"Bằng cách làm này, gia đình tôi đã giúp đỡ hơn 10 hộ nghèo ở địa phương có con giống để chăn nuôi. Vui hơn là một số hộ đã thoát nghèo, từng bước có cuộc sống ổn định hơn" - ông Tư vui vẻ kể. 

Ông Tư cho biết thêm: Thông thường nuôi bò vỗ béo từ 3 tháng trở lên là có thể xuất bán. Năm 2020, gia đình tôi xuất bán khoảng 30 con bò ra thị trường. Với giá trên 20 triệu đồng/con, gia đình thu được khoảng 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Không chỉ giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bằng cách cho nuôi rẽ, mô hình nuôi bò vỗ béo của ông Tư còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, ông Tư còn tuyên truyền, vận động người dân trong bản đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc gắn với bảo vệ môi trường trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Mùi Văn Lý - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Gia Phù, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Tư luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không những làm giàu cho gia đình, ông Tư còn hỗ trợ, giúp đỡ những hộ gia đình khác trong bản, xã về bò giống, vốn, kỹ thuật chăn nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ đó, đời sống của nhiều hộ dân tại địa phương ngày một nâng lên. Ông Tư xứng đáng là gương điển hình để các hội viên khác trong bản, trong xã học tập và noi theo.

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường