Sắp diễn ra Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói
15:14 - 06/11/2024
Theo dự kiến, vào trung tuần tháng 11 này, Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lắng nghe nông dân nói sẽ được tổ chức tại Hà Nội nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân, hợp tác xã trước thềm diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024.

Diễn đàn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp tổ chức. Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) trực tiếp thực hiện.
 
 
Tham dự và đồng chủ trì Diễn đàn sẽ có đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. 
 
 
Đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, cùng đồng chí Đỗ Đức Duy- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đồng chủ trì Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói vào trung tuần tháng 11 tới đây
 
 
Theo Ban Tổ chức Diễn đàn, sự kiện "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Lắng nghe nông dân nói" được tổ chức nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao"; Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh triển khai việc thi hành Luật Đất đai 2024 đến cán bộ, hội viên, nông dân cả nước.
 
 
Diễn đàn được tổ chức cũng nhằm triển khai Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
 
 
Đây cũng là cơ hội để cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, nông dân xuất sắc, các hợp tác xã tiêu biểu, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ, đề xuất các ý kiến, nguyện vọng đối với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường về cơ chế, chính sách trong nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 phục vụ chuyển đổi xanh bền vững; Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 (NetZero) vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết; Các vấn đề về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn xanh sạch, an toàn.
 
 
Cũng theo đại diện Ban Tổ chức Diễn đàn, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (nhiệm kỳ 2021- 2026) đã xác định mục tiêu về "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Cụ thể hóa mục tiêu này, tại Nghị quyết số 19 đã xác định người nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Vì thế, người nông dân có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy thi hành Luật Đất đai, trong chuyển đổi sản xuất xanh và bền vững....
 
 
Đến nay, trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của hội viên, nông dân gửi đến Hội Nông dân các cấp; trên chuyên mục Lắng nghe nông dân của Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt và từ các cấp Hội Nông dân đã có hàng trăm ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của bà con nông dân gửi tới đồng chí Chủ tịch Hội NDVN và Bộ trưởng Bộ TNMT.
 
 
Theo tổng hợp, bà con nông dân, hợp tác xã, các chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm đến các vấn đề về đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024 với các nội dung về: Cơ chế, chính sách về thi hành Luật Đất đai, cơ chế, chính sách về khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp; Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát huy, khơi thông nguồn lực từ đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. 
 
 
Các vấn đề về cơ chế chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải ròng, hấp thụ carbon như về: Cơ chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ quét, sạt lở đất, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo đời sống, sản xuất cho người nông dân; Phát huy vai trò của nông dân trong thực hiện mục tiêu thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 (NetZero), nông dân tham gia sản xuất hấp thụ carbon thấp.
 
 
Các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn như: Cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, môi trường làng nghề; cung cấp nước sạch và xử lý nước thải ở nông thôn. Thực tiễn trong quá trình thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới; Cơ chế, chính sách trong thực thi về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản ở nông thôn.
 
 
Ngay từ bây giờ, bà con nông dân, hợp tác xã, bạn đọc có thể tiếp tục gửi câu hỏi, ý kiến, nguyện vọng của mình đến hai đồng chí lãnh đạo tại comment dưới đây hoặc gửi về Báo Nông thôn Ngày nay (Lô E2, khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, theo địa chỉ hòm thư của người phụ trách tiếp nhận câu hỏi: Nhà báo Phạm Anh Thơ- Phó Trưởng Ban Hội- Tam nông, Báo điện tử Dân Việt. Email: anhthontnn@gmail.com. ĐT: 0912438302.
 
 
Trước đó, trong khuôn khổ chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2024, ngày 14/10/2024, Trung ương Hội NDVN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX: Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lắng nghe nông dân nói.
 
Tại Diễn đàn này, các vấn đề về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu; thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị,... đã được các nông dân, hợp tác xã đặt câu hỏi trực tiếp với hai vị lãnh đạo và đã nhận được những câu trả lời thỏa đáng, tạo động lực, khí thế để nông dân, hợp tác xã tiếp tục vươn lên, nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng