Hướng dẫn số 1080 - HD/HNDTW ngày 18/11/2013 về thực hiện một số điểm trong Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân
HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*
Số 1080 - HD/HNDTW
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2013
|
HƯỚNG DẪN
Thực hiện một số điểm trong Điều lệ tổ chức và hoạt động
Quỹ Hỗ trợ nông dân
____
Căn cứ văn bản số 320-CV/TW, ngày 13/5/1996 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp chỉ đạo, giúp đỡ tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân; văn bản số 4035/KTTH, ngày 26/7/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Việt Nam.
Căn cứ Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”
Căn cứ Quyết định số 673/QĐ - TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020.
Căn cứ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân ban hành kèm theo Quyết định số 908 - QĐ/HNDTW, ngày 15/11/2011 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số điểm trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân như sau:
I/ Đối với công tác vận động xây dựng nguồn vốn
Tại Điều 5 Điều lệ quy định: “Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp có trách nhiệm đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và tổ chức các hình thức vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân hàng năm”.
1. Kiện toàn Ban vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) ở các cấp
- Đối với các địa phương đã thành lập Ban vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân, hiện nay đang hoạt động tốt thì tiếp tục phát huy kết quả đạt được. Đồng thời Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân cùng cấp làm tốt công tác tham mưu đề xuất để Ban vận động Quỹ HTND hoạt động có hiệu quả.
- Đối với các đơn vị đã thành lập Ban vận động Quỹ HTND nhưng hoạt động chưa hiệu quả thì Ban Thường vụ Hội Nông dân chủ động báo cáo với cấp ủy cùng cấp để củng cố, kiện toàn lại Ban vận động, đồng thời tham mưu cho Ban vận động xây dựng quy chế hoạt động và phân công các thành viên; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện vận động đạt kết quả cao.
- Đối với những đơn vị chưa thành lập Ban vận động Quỹ HTND thì Ban Thường vụ Hội Nông dân xây dựng Đề án về “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011-2020” báo cáo cấp ủy đề nghị thành lập Ban vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân ở địa phương.
- Thẩm quyền quyết định thành lập: cấp ủy cùng cấp ra quyết định thành lập Ban vận động Quỹ HTND. Trưởng ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân là đại diện lãnh đạo cấp ủy hoặc lãnh đạo UBND cùng cấp; Phó Ban Thường trực là đồng chí Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội Nông dân cùng cấp; thành viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện, xã tham mưu với cấp ủy cùng cấp đề xuất nhân sự, số lượng thành viên Ban vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân cho phù hợp và hiệu quả.
2. Tổ chức vận động và quản lý nguồn vốn vận động.
- Hàng năm, Ban vận động Quỹ HTND xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện vận động xây dựng Quỹ HTND trên địa bàn với các hình thức vận động phù hợp theo điều kiện của địa phương. Đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân bổ sung vốn cho Quỹ HTND theo Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên nông dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung hoạt động của Quỹ HTND.
- Vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân phải sử dụng Bảng kê thu tiền vận động và Giấy ghi nhận ủng hộ. (không dùng cùi phiếu như trước đây)
- Giấy ghi nhận ủng hộ được phát hành khi các tập thể, cá nhân ủng hộ Quỹ Hỗ trợ từ 100.000 đồng trở lên.
a. Về mẫu Giấy ghi nhận: Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành mẫu Giấy ghi nhận và áp dụng thống nhất trong cả nước như sau:
- Tên gọi: Giấy ghi nhận ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân.
- Nền mầu xanh nước biển, sử dụng giấy để in, loại giấy couché
- Biểu trưng của Hội Nông dân Việt Nam nằm giữa phía trên dòng chữ Giấy ghi nhận.
- Dòng chữ “Giấy ghi nhận” ở giữa, in mầu đỏ
- Các chữ khác in mầu đen
- Cỡ chữ: chữ in hoa, cỡ chữ 13; chữ thường, cỡ chữ 14; chữ Giấy ghi nhận cỡ chữ 18.
- Kích thước và nội dung Giấy ghi nhận:
+ Kích thước Giấy ghi nhận: chiều rộng 15cm; chiều dài 21cm
+ Nội dung Giấy ghi nhận: theo mẫu đính kèm.
b. Về in ấn và phát hành: Không coi giấy ghi nhận ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân là một loại chứng từ gốc, do vậy việc in ấn phát hành và sử dụng sẽ do Hội Nông dân cấp huyện và Hội Nông dân cấp tỉnh thực hiện theo mẫu thống nhất trên và đáp ứng nhu cầu số lượng của các cấp Hội trong địa bàn tỉnh, huyện.
3. Thu tiền vận động ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân.
- Số tiền thu được của từng lần vận động đều phải có bảng kê xác nhận của Ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân (hoặc chính quyền), có phiếu thu rõ ràng, có đầy đủ chữ ký người nhận, người nộp, thủ quỹ, kế toán và chủ tài khoản. Sau mỗi lần vận động phải báo cáo kết quả vận động với Trưởng Ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân
- Số tiền vận động được ở cấp tỉnh nộp vào Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh quản lý; số tiền vận động được ở cấp huyện nộp vào Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện quản lý và thông báo Ban Thường vụ Hội Nông dân cùng cấp biết.
Quỹ Hỗ trợ nông cấp huyện quản lý nguồn vốn do Hội Nông dân cấp xã vận động được theo Hướng dẫn số 841-HD/HNDTW ngày 11/9/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Hội về “Hướng dẫn vận động và quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân cấp xã vận động được”.
- Nguồn vốn các cấp Hội vận động được chưa cho vay đều phải gửi vào tài khoản của Quỹ hỗ trợ nông dân ở ngân hàng đăng ký tài khoản và được thể hiện đầy đủ trên sổ sách kế toán theo quy định.
II/ Hệ thống tổ chức Quỹ Hỗ trợ nông dân
1. Tại điểm 1 Điều 23 quy định: “Quỹ Hỗ trợ nông dân được tổ chức ở 03 cấp trong hệ thống tổ chức của Hội Nông dân Việt Nam”.
- Thẩm quyền thành lập Quỹ HTND ở các cấp: Ban Thường vụ Hội Nông dân cùng cấp ra quyết định.
Trình tự thực hiện như sau: Căn cứ kết luận 61 - KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư TW Đảng và Quyết định số 673 - QĐ/TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Hội Nông dân xây dựng Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân” báo cáo cấp ủy cùng cấp xin chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân. Sau đó gửi hồ sơ Đề án đến UBND cùng cấp xem xét và được chấp thuận bằng văn bản thì Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp đó ra quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân; quyết định thành lập Ban điều hành Quỹ; Ban Kiểm soát Quỹ (hoặc quyết định phân công cán bộ làm công tác kiểm soát Quỹ Hỗ trợ nông dân).
- Căn cứ Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân do Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành, các cấp Hội có thể xây dựng Điều lệ và Quy chế hoạt động Quỹ ở cấp mình cho phù hợp nhưng không được trái với Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ do Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành và các quy định khác của pháp luật.
2. Tại điểm 2 “Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp có con dấu riêng”.
a. Về khắc dấu Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, cấp huyện: căn cứ công văn số 821/C64 - P3, ngày 15/6/2012 của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội của Bộ Công an về việc “hướng dẫn con dấu Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện”.
b. Thủ tục làm con dấu: thực hiện theo quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 4 Chương II, Thông tư số 07/2010/TT - BCA ngày 05/02/2010 của Bộ Công an. Thủ tục đi làm dấu gồm có:
- Quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ nông dân.
- Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân
- Giấy giới thiệu của cơ quan và chứng minh nhân dân của người đi làm dấu.
c. Về mẫu dấu của Quỹ HTND: vận dụng khắc theo mẫu số 31, 33 Thông tư 21/2012/TT -BCA ngày 13/4/2012 của Bộ Công an, cụ thể như sau:
- Con dấu của Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh: Con dấu hình tròn, đường kính 32 mm; vành ngoài con dấu: HỘI NÔNG DÂN TỈNH ... (tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) ở giữa dấu: QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN.
- Con dấu Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện: Con dấu hình tròn, đường kính 30 mm; vành ngoài con dấu: HỘI NÔNG DÂN HUYỆN ... (tên cấp huyện) giữa dấu: QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN.
III. Về Ban Kiểm soát.
Điều 26. Ban Kiểm soát.
Tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát thực hiện theo Quyết định số 567-QĐ/HNDTW ngày 25/5/2012 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân việt Nam về “Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát Quỹ Hỗ trợ nông dân”.
IV. Về cơ cấu tổ chức của cơ quan điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân
Điều 27 quy định: cơ cấu tổ chức của cơ quan điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Tại điểm 1:
- Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân: là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Thường vụ về quản lý, điều hành hoạt động và quản lý nghiệp vụ cụ thể của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Vì vậy, tổ chức bộ máy của Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân ở mỗi cấp đều phải có Thủ trưởng, kế toán, thủ quỹ và bộ phận hoặc cán bộ chuyên môn giúp việc.
- Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân ở cấp nào do Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp đó ra quyết định thành lập và bổ nhiệm các chức danh, trên cơ sở tổ chức bộ máy và biên chế được giao.
V. Sáp nhập, chia tách Quỹ.
Điều 37. Sáp nhập, chia tách Quỹ
1. Khi Nhà nước có các quyết định về sáp nhập, chia tách các đơn vị hành chính có liên quan đến việc sáp nhập, chia tách tổ chức Hội Nông dân, thì tiến hành sáp nhập hoặc chia tách Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trước khi sáp nhập hoặc chia tách thì Quỹ phải thành lập Hội đồng kiểm kê Quỹ HTND và tiến hành kiểm kê chính xác số tiền, tài sản của Quỹ, báo cáo kịp thời cho cấp có thẩm quyền. Tuyệt đối không được tự ý phân chia tiền, tài sản của Quỹ Hỗ trợ nông dân.
- Tiền và tài sản của Quỹ mới được sáp nhập phải bằng tổng số tiền và tài sản của các Quỹ trước khi sáp nhập.
- Tổng số tiền và tài sản của các Quỹ mới được chia tách phải bằng với tổng số tiền và tài sản của Quỹ trước khi được chia tách.
- Việc bàn giao tiền và tài sản giữa đơn vị cũ và đơn vị mới khi có quyết định chia tách, sáp nhập phải được tiến hành có sự chứng kiến và xác nhận của cơ quan ký quyết định chia tách, sáp nhập và cơ quan tài chính, Hội Nông dân cùng cấp.
2. Khi chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện thành các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới, Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân xã mới tiếp nhận trụ sở cũ thì Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân xã đó tiếp tục quản lý tiền và tài sản Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân xã bị chia tách, sáp nhập.
- Khi điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã từ huyện này sang huyện khác quản lý: nếu xã được điều chỉnh từ huyện này sang huyện khác quản lý nhưng vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính xã cũ thì việc quản lý tiền, tài sản Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân xã thuộc Quỹ HTND cấp huyện mà xã đó chuyển đến.
- Khi sáp nhập một số xã để thành xã mới: tiền và tài sản Quỹ Hỗ trợ nông dân hiện có của các xã cũ đượcđưa vềquản lý tại Quỹ HTND thuộc Hội Nông dân cấp huyện quản lý xã mới sáp nhập.
3. Khi đơn vị hành chính cấp huyện, xã không còn tổ chức Hội Nông dân thì toàn bộ tiền và tài sản hình thành từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân cấp huyện, cấp xã giải thể phải bàn giao cho Hội nông dân tỉnh, thành phố quản lý.
Trên đây là hướng dẫn thực hiện một số điểm trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội báo cáo về Trung ương Hội qua Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương để xem xét, bổ sung điều chỉnh cho phù hợp.
|
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH
Đã ký
Lại Xuân Môn
|