Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thu về gần 10 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm
17:45 - 01/03/2024
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, hai tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu đạt 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần.

Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 970 triệu USD tăng 72,8%


 
Các mặt hàng chủ lực tăng mạnh
 
Trong tháng Hai, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 16,5% so với tháng 1/2024; trong đó, nông sản chính 2,34 tỷ USD tăng 21,6% so tháng 2/2023; lâm sản chính 1,34 tỷ USD tăng 40,3%, thủy sản 620 triệu USD tăng 1,9%; chăn nuôi 34 triệu USD tăng 6,2%; đầu vào sản xuất 142 triệu USD giảm 7,4%.
 
 
Tính chung hai tháng, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng cao, đạt 9,84 tỷ USD.
 
 
Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; lâm sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; thủy sản đạt 1,37 triệu USD, tăng 28,9%; chăn nuôi đạt 78 triệu USD, tăng 15,1%; đầu vào sản xuất 309 triệu USD, tăng 13,6%.
 
 
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao như: Sản phẩm gỗ đạt 1,68 tỷ USD tăng 59%, cà phê đạt 1,38 tỷ USD tăng 85%, rau quả đạt 970 triệu USD tăng 72,8%, gạo đạt 708 triệu USD tăng 49,8%, hạt điều đạt 595 triệu USD tăng 68,2%, tôm đạt 403 triệu USD tăng 20,5%. Riêng cá tra xuất khẩu chỉ đạt 224 triệu USD giảm 0,7%.
 
 
Kết quả trên cũng bởi, giá xuất khẩu bình quân nhiều mặt hàng nông sản chính tăng như: Gạo đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê đạt 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; cao su 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; hạt tiêu đạt 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; chè đạt 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%.
 
 
Về thị trường, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường đều tăng. Trong số đó, xuất khẩu sang khu vực châu Á đạt 4,55 tỷ USD tăng 43%; châu Mỹ 2,31 tỷ USD tăng 74,2%; châu Âu 1,28 tỷ USD tăng 52,6%; châu Đại Dương 135 triệu USD tăng 48,8% và châu Phi 129 triệu USD tăng 60,4%.
 
 
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là ba thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng 21,5%, tăng 77,3%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 21%, tăng 47,9% và Nhật Bản chiếm 7,2%, tăng 29,2%.
 
 
Khơi thông thị trường
 
Cùng với xuất khẩu, thị trường hàng hóa nông sản trong nước tương đối ổn định, nguồn cung cho dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn được bảo đảm; thị trường hàng hóa, cung-cầu trong và sau Tết Nguyên đán tương đối ổn định, sức mua tăng và không có tình trạng tăng giá đột biến.
 
 
Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu được tiêu thụ mạnh như: Lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, trái cây... nhất là các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm OCOP chiếm ưu thế.
 
 
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, Bộ tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản; triển khai các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU; đồng thời mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...
 
 
Bộ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
 
 
Đồng thời, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
 
 
Bộ cũng tổ chức các diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản; tọa đàm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng, kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường, các chuỗi phân phối bán lẻ trong nước, các sàn thương mại điện tử… đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP.
 
 
Làm sao để tất cả cùng thắng?
 
Đáng chú ý từ đầu năm 2024 đến nay, các hãng tàu nước ngoài đã liên tục công bố tăng từ 10–20% (từ 290.000 đồng - 550.000 đồng/container) đối với khoản phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) cũng là tăng áp lực về giá thành với các chủ hàng XK nông sản.
 
 
Ở mảng XK thủy sản. Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), các DN xuất khẩu tôm mong đợi từ Chính phủ, Bộ ngành những biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất tôm, đơn cử như giá thức ăn nuôi tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống.
 
 
Bà Thu cho biết giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho nhà nhập khẩu. Tôm Việt Nam tiếp tục phải cạnh tranh tôm với Ecuador, Ấn Độ về giá và nguồn cung.
 
 
Điều đáng nói, như chia sẻ của một số DN xuất khẩu tôm, đó là đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Vẫn còn những vấn đề như: Lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với đối thủ ngoại… Và khi nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành tôm năm 2024, đa số các DN đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, XK.
 
 
Hoặc như với XK cá tra. Giá cá tra giống tăng trở lại do nguồn giống đang bị khan hiếm khi dịch bệnh gan thận mủ lan rộng ở nhiều ao nuôi, cũng là một thách thức về giá thành cho những DN xuất khẩu cá tra nếu chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu hoặc thiếu đi chu trình khép kín nhằm kiểm soát được chi phí.
 
 
Nhìn từ việc tăng giá thành của ngành điều, hồ tiêu, cà phê cho đến thủy sản sẽ thấy áp lực với các DN sẽ càng tăng nếu như họ chưa giải quyết một trong những vấn đề sống còn là tự chủ nguồn nguyên liệu.
 
 
Trong chuyện này, với những DN xuất khẩu nông sản có khả năng tự chủ về mặt nguyên liệu thì sức ép về mặt tăng giá thành cũng như lợi nhuận sẽ không quá lớn. Như trường hợp CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) gần đây đã mở rộng vùng nuôi tôm thêm 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha. Điều đó giúp cho họ nâng khả năng tự chủ nguyên liệu lên 40%.
 
 
Tóm lại, trong vấn đề áp lực tăng giá thành, ngoài nỗ lực tự chủ của các DN xuất khẩu nông sản, vẫn mong có thêm những giải pháp hữu hiệu từ phía cơ quan quản lý để làm sao kìm giữ được giá thành, giúp toàn bộ chuỗi cung ứng nông sản XK vận hành một cách suôn sẻ, hài hòa được lợi ích của tất cả các bên, để từ nông dân, HTX cho đến các nhà chế biến, XK tất cả phải cùng thắng./.
Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng