Tư duy kinh tế trải nghiệm, hướng đến “chinh phục” trái tim người tiêu dùng
08:00 - 21/02/2024
Trên tinh thần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tại buổi gặp mặt và Tọa đàm với chủ đề “Từ tư duy kinh tế trải nghiệm hướng tới nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi ngành hàng nông sản Việt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, xu thế sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ hiện nay tập trung vào yếu tố con người, nhất là cảm xúc của người tiêu dùng, hướng tới tinh thần hơn là vật chất.

Du khách trải nghiệm ruộng bậc thang mùa lúa chín xã Hồng Thái, huyện Na Hang. (Ảnh: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam)
“Chinh phục” trái tim người tiêu dùng
 
Đưa ra ví dụ tại Thái Lan, hiện người tiêu dùng nước này đưa ra khái niệm “ăn uống hạnh phúc”, “thực phẩm hạnh phúc”… Các sản phẩm được nghiên cứu từ bao bì, hình ảnh, đồ họa đến đối tượng khách hàng. Cùng sản phẩm là thuốc hoặc thực phẩm, đồ uống… dành cho người già nhưng các doanh nghiệp lại nhắm đến người trẻ muốn mua để tặng ông bà, cha mẹ với dòng chữ được in bên ngoài bao bì “kính tặng ông bà”, “kính tặng cha mẹ”. “Buôn bán đừng chăm bẳm lấy được tiền của khách hàng mà phải lấy trái tim của khách hàng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
 
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần lan tỏa và sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế. Chúng ta đang nói câu chuyện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhưng phạm vi của việc này là rất lớn gồm cả truyền thông, cơ chế vận hành của nhà nước, sự thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân. Tư duy thay đổi, hành động thay đổi, khi đó, các cơ chế chính sách sẽ vận động theo. Nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp mà nông nghiệp đã tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ đó mới cộng hưởng ra giá trị. Còn nếu chúng ta cứ nghĩ đơn giản chỉ là những con số sản lượng, kim ngạch thì có thể nó đã tới hạn về không gian phát triển. Chúng ta cần có tầm nhìn dài hơi. Những gì đang làm thì làm cho tốt hơn. Liên kết các ngành hàng bền vững, từ tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, tạo ra thị trường, ứng dụng những khoa học công nghệ cao hơn nữa. Nhiều người đặt những câu hỏi về kim ngạch xuất khẩu năm sau dự kiến đạt được bao nhiêu? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu như thế nào cho tăng trưởng năm tới?
 
Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại có những cái có thể đong đo đếm được bằng số liệu nhưng có những cái không đong đo đếm được bằng số liệu. Có thể nó chưa thể hiện được vào tăng trưởng năm 2024 nhưng mang lại kết quả cho năm 2025 và các năm tiếp theo. Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng một thang chỉ số để đo đếm chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Ở đó, Bộ sẽ không chỉ nhìn vào con số tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp hay kim ngạch xuất khẩu mà còn đo lường được thu nhập của người nông dân.
 
Đưa ra ví dụ trong cuốn sách tư duy cộng đồng về tư duy kinh tế cộng đồng, Bộ trưởng lý giải: “Tư duy kinh tế cộng đồng gọi là doanh nghiệp cộng đồng, ngày xưa kinh tế chúng ta tập trung vào sản phẩm nâng cấp sản phẩm lên, nhưng hiện nay, người ta tập trung vào con người, cảm xúc của người tiêu dùng, hướng tới tinh thần, cảm xúc con người hơn là vật chất”… “Buôn bán đừng chăm bẵm lấy tiền của khách hàng mà lấy trái tim của khách hàng, cụ thể kinh tế cộng đồng lấy việc thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người là khởi đầu sáng tạo giá trị, lấy cộng đồng là phương tiện truyền tải tinh thần để thực hiện giá trị và lấy việc cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần con người là đích đến cuối cùng…”.
 
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đưa ra ví dụ về 4 nấc thang của kinh tế đó là: Nguyên liệu thô – hàng hóa – dịch vụ - trải nghiệm. Nền kinh tế trải nghiệm được ví như nấc thang cuối cùng là sự trải nghiệm của khách hàng. Nền kinh tế trải nghiệm chạm vào cảm xúc con người, hơn nhu cầu tinh thần. Vậy thì bản thân sản phẩm do tinh thần hưởng thụ.
 
“Đối với ngành nông nghiệp, cách tiếp cận này không chỉ tập trung tăng cường sản xuất mà còn chú trọng đến việc cải thiện chất lượng dinh dưỡng, cũng như giá trị xã hội của sản phẩm. Theo đó, trải nghiệm có thể là không gian mua sắm, thiết kế nhãn hiệu, câu chuyện về nguồn gốc nguyên liệu…”, Bộ trưởng chia sẻ.
 
Đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh
 
Người tiêu dùng thông minh ngày nay thường ưa chuộng các ý tưởng mới. Đa phần người mua hàng đều ý thức được về chuỗi sản xuất, cũng như hậu quả của lựa chọn tiêu dùng. Nhiều người sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho thực phẩm có nguồn gốc hợp lý, phát thải thấp, qua đó chung tay bảo vệ trái đất.
 
Để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường, doanh nông Việt Nam cần xây dựng chuỗi giá trị nông sản có trách nhiệm và giá trị xã hội, ứng dụng các nền tảng số để truyền tải thông điệp nhân văn.
 
Đặc biệt, việc lồng ghép các yếu tố văn hóa, xã hội để tạo ra giá trị cao hơn cho nông sản đã trở thành một xu hướng thiết yếu. Điển hình, HTX Chè Thịnh An (Sông Cầu, Thái Nguyên) có định hướng phát triển bài bản thương hiệu sản phẩm.
 
Nơi đây thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu; cây chè và sản phẩm trà Sông Cầu tích lũy tinh túy của đất trời, hấp thụ sương lành, nắng mai và khí thiêng của vùng đất trung du miền núi, qua bàn tay tâm huyết kinh nghiệm, chắt chiu nắng, gió, sương mai của những nghệ nhân làm chè.
 
Với định hướng phát triển bài bản thương hiệu sản phẩm, HTX Chè Thịnh An đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Đại học Ngoại thương, Trường Cao đẳng Du lịch… để làm du lịch trải nghiệm nghề chè. Từ đó, mong muốn tạo ra nguồn thu nhập kép, có sản phẩm chè an toàn để bán và có cả khách du lịch. Người dân thay đổi sang sản xuất các sản phẩm an toàn có giá trị cao hơn.
 
Bộ trưởng khẳng định, nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được. Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa - rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia. Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá ở Bạc Liêu, Cà Mau… nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái. Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng, những mô hình này giúp nông dân giảm chi phí. Bởi khi giá sản phẩm không tăng, nhưng chi phí giảm thì lợi nhuận của nông dân vẫn tăng.
 
Ngành nông nghiệp cũng cần lan tỏa những mô hình như vậy và đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên. Theo tôi, mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn.
 
Kết nối để nâng tầm nông sản Việt
 
Ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam cho biết: Để thực hiện, chấp nhận thay đổi các nền tảng thì TikTok đã thực hiện nhiều content dài chỉ với dung lượng 1 phút mà TikTok đã chấp nhận thay đổi các nền tảng đưa nội dung dài truyền cảm xúc cho người dùng. Sau đấy hashtag chính cho TikTok sau một năm đã tăng chiếm 500 triệu lượt xem trong một ngày. Trong khi đó, anh Phan Minh Thức, đại diện Ba Thức Food chia sẻ kiến thức về việc bán hàng trên nền tảng online, cốt lõi trong xây dựng doanh nghiệp của Ba Thức Food dựa trên việc thiết kế sản phẩm tạo ra được câu chuyện truyền thông, đưa thông điệp của mình trên nền tảng online, từ đó, thu hút người tiêu dùng...
 
Viện dẫn câu chuyện về ẩm thực cá tra từ món bún cá tra Miền Tây ơi và cháo dạ dày cá tra được Nam Việt và MEFAST bắt tay phối hợp nghiên cứu chế biến hướng đến nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng tỉ đô thông qua đổi mới sáng tạo và nghệ thuật ẩm thực cũng như xuyên suốt chương trình, Bộ trưởng mong muốn truyền tải thông điệp “kết nối để cùng nhau tạo cộng đồng nâng tầm nông sản Việt”. Bởi thế, trong khuôn khổ chương trình, Nam Việt và MEFAST đã ký kết hợp tác 4 nội dung: Phối hợp trong nghiên cứu và phát triển (R&D) hệ thống món ăn đặc trưng văn hóa các quốc gia nhập khẩu cá tra và nâng tầm nghệ thuật ẩm thực Việt từ cá tra; Phối hợp trong xây dựng, phát triển kênh Thương mại điện tử phân phối các sản phẩm cá tra nguyên liệu và các sản phẩm cá tra sau chế biến tại thị trường nội địa; Tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, xúc tiến thương mại ngành hàng cá tra trong nước và quốc tế, nâng tầm vị thế ngành hàng nông nghiệp chủ lực Việt Nam; Phối hợp truyền thông, quảng bá các sản phẩm từ cá tra và thủy sản Nam Việt trên các kênh truyền thông đại chúng, góp phần xây dựng hình ảnh xã hội, tầm nhìn và sứ mệnh Nam Việt trong phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
 
Chứng kiến hoạt động này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đề nghị MEFAST phối hợp Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp cần liên tục tổ chức các lớp nâng cao năng lực cho doanh nông, các chủ thể OCOP và cả quản lý nhà nước về nông nghiệp tại các địa phương.
 
Có thể nói, ngành nông nghiệp trong những năm qua vẫn khẳng định vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế đất nước. Năm 2023 là năm thực hiện đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Ngành đã chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết "tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"./.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng