Chủ tịch nước dự múa Xòe, đánh cồng và tra hạt giống tại Ngày hội Sắc Xuân
09:08 - 26/02/2024
Sáng 24/2, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự khai mạc Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

 
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương và các địa phương; đông đảo đại diện cộng đồng các dân tộc.
 
Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc là hoạt động được tổ chức hằng năm, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc, đồng thời góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc tại "Ngôi nhà chung".
 
Ngày hội tái hiện, giới thiệu các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam, qua đó để mọi người dân, du khách hiểu thêm những giá trị, nét đẹp văn hoá, truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong hoạt động đón Tết vui xuân; tăng cường kế thừa và thực hành các loại hình văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân ca dân vũ đặc biệt của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
 
Hoạt động cũng nhằm giáo dục thế hệ người Việt Nam ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
 
Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc năm nay có sự tham gia của khoảng 300 đồng bào của 28 cộng đồng dân tộc, đến từ 16 tỉnh, thành phố và 16 nhóm cộng đồng dân tộc… Đại diện các dân tộc là người có uy tín trong cộng đồng, có thành tích đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc tại địa phương.
 
Phát biểu tại ngày hội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, 54 dân tộc anh em đã sáng tạo nên kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú với các giá trị tốt đẹp thể hiện sinh động quá trình sinh sống, lao động, dựng xây và bảo vệ đất nước, khắc họa cốt cách và vẻ đẹp con người Việt Nam. Đây là niềm tự hào, là tài sản quý giá của quốc gia, là cội nguồn của sức mạnh nội sinh, hun đúc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, và là lực hấp dẫn bạn bè thế giới, là sức mạnh mềm góp phần nâng tầm vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế.  
 
Chủ tịch nước đánh giá cao các cấp, ngành, địa phương, đồng bào các dân tộc đã nỗ lực bảo tồn, phục dựng, lan tỏa, tôn vinh các giá trị văn hóa; xây dựng những không gian văn hóa mới, tạo môi trường cho các dân tộc sáng tạo, tương tác, học hỏi, làm việc cùng nhau, khuyến khích sự hiểu biết và tôn trọng văn hóa của nhau. 
 
Theo Chủ tịch nước, các hoạt động nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật trình diễn với những tác phẩm giàu sức sáng tạo tại các lễ hội đã thể hiện sinh động, thuyết phục tình yêu cuộc sống, tình yêu quê hương, đất nước, bồi đắp thêm sự phong phú của đời sống tinh thần, góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết, lòng tự hào dân tộc, tiếp thêm nguồn năng lượng mới, cảm hứng mới cho những khởi đầu tốt đẹp. 
 
Chủ tịch nước đánh giá cao và biểu dương Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các địa phương, bà con các dân tộc đã có nhiều sáng kiến, nỗ lực duy trì và phát triển hoạt động của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, chung tay xây dựng "Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em" - nơi hội tụ, gắn kết các dân tộc, nơi bảo tồn, lan tỏa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước Việt Nam thân yêu.  
 
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố quan trọng, động lực mạnh mẽ, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển đất nước - trên cơ sở thực hiện tốt chính sách dân tộc, nhất quán theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh; trong đó chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa của từng dân tộc, mỗi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
 
Chủ tịch nước nhấn mạnh, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là một trụ cột trong phát triển bền vững, ngày càng khẳng định vai trò to lớn và ngày càng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Vai trò của người dân trong sáng tạo, thực hành, trao truyền và thụ hưởng văn hóa ngày càng được coi trọng. Sự tham gia của cộng đồng trong lĩnh vực văn hóa ngày càng đông đảo.
 
"Để văn hóa là thực sự là nguồn lực nội sinh, là động lực mạnh mẽ cho đất nước phát triển bền vững, đi đến phồn vinh, hạnh phúc, chúng ta phải tiếp tục gìn giữ và bồi đắp các giá trị văn hóa tốt đẹp, đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, củng cố, tạo dựng nền tảng tinh thần lành mạnh và tiến bộ, góp phần xây dựng con người Việt Nam hiện đại và giàu bản sắc", Chủ tịch nước nói.
 
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Ngày hội Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc
 
 
Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc, quan tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương mình gắn với phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt quan tâm phát triển, chú trọng toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo. Phát huy vai trò của nhân dân, của các cộng đồng, tộc người, các già làng, trưởng bản, người cao tuổi, nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian là những chủ thể văn hóa, những người trực tiếp tham gia quá trình sáng tạo, trình diễn, gìn giữ, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 
 
 
Cùng với đó là tạo điều kiện cho việc tổ chức các hoạt động khai thác và phát huy các giá trị văn hóa ngay trong lòng cộng đồng - nơi văn hóa ra đời, được nuôi dưỡng và phát triển. Sức sống của các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc cũng đang mở ra những triển vọng về phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch.
 
 
Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Chúng ta cần nhận thức rõ rằng, sự giàu có và phong phú của tài nguyên văn hóa làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia, dân tộc và cũng là con đường tinh tế để chạm đến trái tim của du khách và bạn bè thế giới".
 
Nêu rõ, đa dạng văn hóa là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo, Chủ tịch nước mong rằng, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân sẽ tiếp tục có nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo để chung tay xây dựng không gian giao lưu văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng miền.  
 
 
Ngày hội năm nay có nhiều sự kiện, hoạt động như: Chương trình Bài ca mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân đất nước, Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, Chương trình "Du Xuân" giới thiệu trò chơi dân gian, tri thức dân gian, ẩm thực truyền thống ngày Tết… Trong đó, 3 lễ hội được tái hiện tại Ngày hội, gồm: lễ Trỉa lúa của người B’ru Vân Kiều, Lễ hội Nàng Hai của người Tày và Lễ hội múa đầu năm – Rija Nagar của dân tộc Chăm. Ngoài ra tại Ngày hội còn có trình diễn trò Xuân Phả của người dân Thanh Hóa. 
 
 
Chủ tịch nước tham dự Lễ hội Trỉa lúa của đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, thực hiện nghi thức tra hạt giống xuống đất cùng già làng. Đây được xem là hoạt động văn hoá quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng Bru – Vân Kiều, cầu mong các vị thần giữ gìn, bảo hộ cho sự sinh sôi nảy nở của hạt giống để có vụ mùa chắc hạt nặng bông. 
 
 
Chủ tịch nước cũng tham dự vòng Xoè mùa xuân của đồng bào dân tộc Thái và các dân tộc phía Bắc. Người Thái quan niệm "Không Xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ". Múa Xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa. 
 
 
Dịp này, Chủ tịch nước đã trồng cây lưu niệm đời đời nhớ ơn Bác Hồ; dâng hương tại Chùa Khơ - Me trong Khuôn viên Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng