Lần đầu tiên 20 tấn mía tươi được doanh nghiệp và các cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình xuất khẩu thành công sang thị trường Hoa Kỳ.
|
Sản phẩm mía được vận chuyển lên xe, niêm phong và đưa đi xuất khẩu |
Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ xuất lô hàng mía tươi đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Lô hàng này có số lượng 20 tấn. Nguyên liệu mía xuất khẩu được thu mua tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Trải qua gần 6 tháng đàm phán trực tiếp với phía doanh nghiệp phía Hoa Kỳ, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân đã nỗ lực tìm những giải pháp để khắc phục khó khăn, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của đối tác và đã ký được hợp đồng xuất đơn hàng đầu tiên với số lượng gần 20 tấn.
Mía trắng do Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân trực tiếp thu mua, sơ chế, đóng gói và được Công ty TNHH Phát triển thương mại và Công nghệ sản xuất mới, Công ty Vina Agri Import tại Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hồ sơ giấy tờ, logistics.
Đáng chú ý, đi cùng lô mía này còn có 10 máy ép nước mía. Chi tiết này cho thấy, dù sản phẩm mới bắt đầu đi từ nơi sản xuất nhưng đã định hình rõ về cách thức, phân khúc khách hàng tại nơi tiêu thụ.Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ghi nhận sự nỗ lực và chia vui cùng người trồng mía, doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh, tỉnh Hòa Bình là vùng đất có nhiều đặc sản; trong đó, có các giống mía ăn tươi, gồm mía tím và mía trắng ép nước. Đây đều là những giống mía lâu đời, có chất lượng tốt, mềm, ngọt, phù hợp ăn tươi và ép nước uống. Cùng với đó là sự phù hợp của đất đai, khí hậu đã giúp cho mía Hòa Bình nổi tiếng khắp các tỉnh thành từ nhiều năm nay.
"Với lô hàng mía tươi đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục phát huy những thành công bước đầu, tạo tiền đề để nhiều sản phẩm nông sản khác của tỉnh tiếp tục mở rộng thị trường. Đặc biệt, đưa cây mía Hòa Bình đến với thị trường thế giới; không ngừng mở rộng sản xuất, góp phần vào sư nghiệp phát triển ngành công nghiệp mía đường của tỉnh" - ông Đinh Công Sứ nhận định.
Thời gian tới, trên cơ sở những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Chủ tịch tỉnh Hoà Bình đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành của tỉnh, các địa phương tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trồng mía trong việc tổ chức sản xuất, sơ chế sản phẩm đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm cũng như xuất khẩu để hướng đến các thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, cây mía là loại cây có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, bên cạnh đó cây mía còn là loại cây công nghiệp rất phù hợp với điều kiện khí và hậu thổ nhưỡng của tỉnh Hòa Bình, có thể phát triển mở rộng kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các đơn bị kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao" - ông Nguyễn Huy Nhuận cho biết.Ông Nguyễn Lê Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân, mong muốn UBND huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất thu mua mía ăn tươi phục vụ xuất khẩu, dự kiến vùng nguyên liệu từ 10-12 ha; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kho bãi thu mua mía, sơ chế, đóng gói mía; hỗ trợ công ty nhằm tăng chất lượng mía xuất khẩu...
Qua đó, công ty cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm đảm bảo kỹ thuật theo hợp đồng đã ký kết với các tổ chức, hợp tác xã, tổ hợp tác; đầu tư vật tư sản xuất và thu hồi vốn sau khi thu mua sản phẩm; tạo điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu mía.
Công ty cũng tiếp tục tìm kiếm các giải pháp ổn định sản xuất, đã triển khai việc ký hợp đồng với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để cung cấp giống và phân bón; đồng thời, bao tiêu đầu ra để bà con nông dân yên tâm không phải lo vấn đề cây mía được mùa thì mất giá.
"Dự kiến trong năm 2023, công ty sẽ xuất khẩu khoảng từ 300 - 500 tấn mía sang thị trường nước ngoài. Hy vọng với những thành công bước đầu này sẽ tạo tiền đề để công ty tiếp tục mở rộng thị trường, đưa cây mía tỉnh Hòa Bình đến với thị trường thế giới không ngừng mở rộng sản xuất, góp phần vào sư nghiệp phát triển ngành công nghiệp mía đường trung của tỉnh" - ông Nguyễn Lê Điệp cho hay.
Được biết, từ cuối năm 2021 và trong năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân đã xuất khẩu được hơn 100 tấn mía ăn tươi sang các thị trường: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhu cầu đặt hàng của các đối tác tiếp tục được duy trì, tăng sản lượng trong năm 2023. Việc khách hàng quay trở lại và lượng đặt hàng tăng nhanh qua các năm là minh chứng rõ nét về chất lượng sản phẩm, kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và kỹ thuật sơ chế, đóng gói, bảo quản đã đứng được tại những thị trường khó tính, nhất là trong bối cảnh mỗi thị trường yêu cầu một quy cách sơ chế, đóng gói, bao bì, nhãn mác riêng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình, từ năm 2019, cây mía Hòa Bình không chỉ có mặt ở nhiều vùng miền trong cả nước mà đã dần tìm đường xuất khẩu. Bắt đầu chỉ từ 120 kg mía tím làm hàng mẫu sang thị trường Nhật Bản, sản lượng xuất khẩu đã tăng nhanh qua các năm, năm 2020 đạt 5,7 tấn; năm 2021 đạt 74 tấn; năm 2022 đạt 300 tấn.