Nông nghiệp Thái Bình phát triển toàn diện
07:39 - 24/12/2020
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, những năm qua, Thái Bình tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và đạt được những thành quả đáng mừng.
Thái Bình đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: An Lãng.


Theo Sở NN-PTNT Thái Bình, ngành nông nghiệp tỉnh phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế và là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định xã hội trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh xảy ra như dịch Covid-19.

Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua (2016 - 2020) đạt 2,5%/năm. Trong đó, trồng trọt tăng 1,5%/năm, chăn nuôi tăng 1,6%/năm, thủy sản tăng 7,1%/năm. 

Cụ thể, trồng trọt hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung với cùng loại sản phẩm, có quy mô hàng trăm ha/vùng (năm 2020, toàn tỉnh có 479 cánh đồng lớn, với diện tích 13.998 ha; tăng 302 cánh đồng, 3.452 ha so với năm 2015).

Cơ cấu cây trồng chuyển biến tích cực theo hướng nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; sản lượng thóc trên 1 triệu tấn/năm (trong đó lúa chất lượng cao chiếm từ 30 - 35%); giá trị sản xuất trên 1ha canh tác trồng trọt năm 2020 đạt 160 triệu đồng, tăng 1,3 lần so với năm 2015.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh chuyển đổi 3.526 ha từ diện tích lúa sang cây hàng năm khác có giá trị cao hơn so với trồng lúa từ 2 - 3 lần.

Hiện toàn tỉnh Thái Bình có 828 trang trại chăn nuôi. Ảnh: An Lãng.

Hiện toàn tỉnh Thái Bình có 828 trang trại chăn nuôi. Ảnh: An Lãng.

Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay toàn tỉnh đã có 828 trang trại chăn nuôi và trên 7.200 gia trại; có 4 doanh nghiệp đang thực hiện liên kết hợp tác với gần 30 chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Ngành chăn nuôi Thái Bình đã và đang tập trung tái cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ lệ đàn lợn có năng suất, chất lượng; đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật được thực hiện nghiêm túc.

Là tỉnh ven biển nên Thái Bình phát triển toàn diện cả khai thác và nuôi trồng thủy sản với tổng sản lượng 257.000 tấn, tăng 40% so với năm 2015. Nuôi trồng thủy sản phát triển đa dạng các loại hình (bãi triều, ao đầm, lồng bè); phương thức nuôi chuyển từ quảng canh cải tiến sang bán thâm canh và thâm canh…

Về khai thác thủy sản, Thái Bình hướng dẫn ngư dân tập trung cải tiến ngư cụ, hiện đại hoá phương tiện đánh bắt và cơ cấu lại đội tàu khai thác theo hướng tăng năng lực khai thác xa bờ, giảm tàu khai thác ven bờ. Toàn tỉnh hiện có 778 tàu cá với tổng công suất 122.299 CV; trong đó có 227 tàu cá với chiều dài lớn nhất >=15m, được trang bị máy thông tin liên lạc ICOM; hình thành 31 tổ đội khai thác xa bờ cho đội tàu vùng lộng và vùng khơi, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Thái Bình có 4.256 ha rừng; tăng 896 ha so với năm 2015, tạo thành đai rừng khá vững chắc bảo vệ hệ thống đê biển và cộng đồng dân cư ven biển.

Lĩnh vực thủy sản phát triển khá toàn diện ở cả nuôi trồng và khai thác. Ảnh: An Lãng.

Lĩnh vực thủy sản phát triển khá toàn diện ở cả nuôi trồng và khai thác. Ảnh: An Lãng.

Thái Bình đặt mục tiêu, phát triển nông nghiệp theo hướng hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.

Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, sinh thái, sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường, gắn với du lịch; nâng cao giá trị gia tăng, tăng chất lượng, năng suất sản phẩm, có sức cạnh tranh tốt tại thị trường trong nước và nước ngoài…

Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh 2010) ước đạt 30.639 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 2%/năm trở lên; trong đó trồng trọt đạt 0,6%/năm, chăn nuôi 2%/năm, thủy sản 5%/năm trở lên. Có 20% số xã trở lên đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

MAI CHIẾN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng