Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 61-KL/TW, Quyết định số 673/QĐ-TTg
09:01 - 13/12/2020
Chiều nay (12/12), tại trụ sở Chính phủ diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị.


Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  nhấn mạnh: Người nông dân Việt Nam trong thời đại mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng mạnh về chính trị, văn hóa, xã hội, thực sự là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Toàn cảnh hội nghị


Đối với Hội Nông dân Việt Nam, Kết luận số 61 và Quyết định số 673 đã tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động Hội và phong trào nông dân, khẳng định được vai trò vị thế của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, hiện nay một bộ phận nông dân có cuộc sống khó khăn đã thay đổi được sinh kế, cải thiện cuộc sống. Số hộ nông dân có cuộc sống khá giả đang tiếp tục tăng nhanh. Nhiều địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần thay đổi cuộc sống người nông dân, phát triển nông thôn, vị thế của nông nghiệp Việt Nam.


Kết quả đó khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa, tổ chức thực thi chính sách của Chính phủ và đóng góp của Hội Nông dân Việt Nam trong công tác vận động, tuyên truyền, làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với nông dân, góp phần tăng cường niềm tin của nông dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị.

Các đại biểu tham dự hội nghị


Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg đã đạt được những kết quả quan trọng.


Trong báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho biết: Với trách nhiệm là Cơ quan Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo Đề án 61 Trung ương; Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành các văn bản đề nghị các tỉnh, thành ủy và các bộ, ngành trung ương phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận 61- KL/TW.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu tại hội nghị

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Các cấp Hội tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện và hằng năm bình quân có hơn 6,5 triệu hộ đăng ký, trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trên 2.200.000 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, trên 775.000 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, trên 505.000 hộ thu nhập từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng, trên 27.000 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Quảng Nam

Trong 10 năm qua, Chính phủ đã cấp 660 tỷ đồng bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương; 63 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp ở địa phương 1.980,817 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống Hội đến nay đạt 3.624,255 tỷ đồng. Từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp Hội đã giúp nông dân liên kết, hợp tác xây dựng, thành lập mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; phát triển hàng nghìn mô hình tổ, nhóm liên kết.


Thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng và ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Quy hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh; Quyết định thành lập Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân Trung ương Hội và 4 cơ sở Dạy nghề khu vực trực thuộc Trường.


55 tỉnh, thành phố đã bố trí mặt bằng xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; 35 tỉnh, thành phố được đầu tư xây mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; đã có 21 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; 42 tỉnh, thành phố đã bố trí biên chế sự nghiệp cho Trung tâm Hỗ trợ nông dân. Các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân.


Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay: Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh triển khai xây dựng các mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, điển hình là các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Bình Phước, Trà Vinh, Yên Bái, Hòa Bình, Cao Bằng, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Thọ, Lai Châu. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Hội nông dân, Liên minh hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hợp tác xã nghiên cứu, triển khai nhân rộng mô hình. Mỗi tỉnh được lựa chọn xây dựng 02 mô hình thí điểm tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và không tập trung, được ngân sách Trung ương hỗ trợ 500 triệu đồng/mô hình.


Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, trong 10 năm, cả nước đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 10 triệu lao động nông thôn, với 37% học nghề nông nghiệp, 63% học nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 85%. Thời gian tới, Hội Nông dân cần phát huy tốt hơn nữa vai trò trong quá trình tham gia giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


“Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã tổ chức đào tạo  nghề và cấp chứng chỉ cho 25 nghìn lao động nông thôn; luôn luôn vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Thời gian đào tạo từ 1- 3 tháng, tùy theo từng nghề và tập trung các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Hầu hết các lớp nghề do Hội Nông dân đào tạo được phát huy hiệu quả cao cả về mặt kinh tế và xã hội; hội viên nông dân tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào thực tiễn, đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng hàng hóa, lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chia sẻ.


Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Cần tiếp tục xây dựng lớp nông dân mới có khoa học công nghệ, nắm chắc kinh tế số, đổi mới tư duy, cách làm và nói không với tình trạng con trâu đi trước cái cày đi sau.


Hội Nông dân cần phát huy truyền thống tốt đẹp, những thành tựu quan trọng đã đạt được, tiếp tục có bước phát triển mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Văn Thanh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng