Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống
16:31 - 21/12/2020
Sáng nay (21/12), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự phối hợp giữa Hội Nông dân các cấp với ngành Tài nguyên và Môi trường trong việc đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống”. Đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN; đồng chí Trần Hồng Hà- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN & MT.
|
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Tham dự Hội nghị, về phía Trung ương Hội NDVN có Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn; các Phó Chủ tịch: Đinh Khắc Đính, Nguyễn Xuân Định cùng đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội. Về phía Bộ TN & MT có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN & MT.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng cho biết: Mới đây, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 vừa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 17 tháng 11 năm 2020. Luật này có 16 chương với 171 điều quy định về hoạt động BVMT; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động BVMT. Luật nêu lên các nguyên tắc BVMT, trong đó có nguyên tắc: BVMT là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Thào Xuân Sùng phát biểu tại Hội thảo |
Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: BVMT là điều kiện tiên quyết, là nền tảng và yếu tố trung tâm cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xác định rõ vai trò, nhiệm vụ đó, giai đoạn 2015- 2020, Trung ương Hội NDVN đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành phố xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong sinh hoạt, xử lý chất thải trong làng nghề, hầm khí biogas để BVMT nông thôn. Cùng với đó là tận dụng, phát huy các kiến thức bản địa trong công tác bảo vệ môi trường… Thông qua các mô hình điểm được triển khai thực hiện tại nhiều địa phương đã giúp hoạt động tuyên truyền thực sự hiệu quả; đồng thời, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động cụ thể trong công tác BVMT của Hội ND các tỉnh, thành phố.
“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác tham gia BVMT của các cấp Hội vẫn còn đang tồn tại khá nhiều hạn chế. Cụ thể như: Ý thức bảo vệ môi trường chưa thành thói quen, nếp sống của hội viên, nông dân; thái độ, hành vi, lối sống, thói quen tiêu dùng thiếu thân thiện với môi trường còn khá phổ biến ở nhiều nơi; vẫn còn có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước; sự lúng túng, bị động, thiếu kinh nghiệm và trách nhiệm của một bộ phận hội viên, nông dân ở một số địa phương đối với cộng đồng trong việc phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai…”- người đứng đầu Trung ương Hội NDVN cho biết.
Từ đó, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng đã gợi mở và đề nghị các đại biểu cùng phân tích, thảo luận tập trung vào 5 nhóm vấn đề, gồm: Thứ nhất, bàn về các nội dung, giải pháp thiết thực để tăng cường sự phối hợp giữa Hội NDVN và Bộ TN & MT từ cấp Trung ương cho tới địa phương; giữa các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội; giữa các địa phương trong việc đưa Luật BVMT vào cuộc sống. Thứ 2, vấn đề BVMT là quá trình liên tục, lâu dài; từ đó, cần bàn rõ về hình thức tổ chức phối hợp giữa 2 cơ quan như thế nào (theo hệ thống, theo phân cấp…). Thứ 3, chúng ta đã đóng góp ý kiến để xây dựng dự thảo bộ văn kiện Đại hội XIII của Đảng theo tư tưởng xuyên suốt đó là: Chuyển từ kinh tế nâu sang phát triển kinh tế xanh (kinh tế tuần hoàn); để thực hiện tốt mục tiêu này, cần phải xác định rõ bắt đầu từ đâu và khâu đột phá là gì? Thứ 4, những đóng góp trong việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách để thực hiện tốt Luật BVMT. Thứ 5, cơ chế nào nhằm huy động tốt các nguồn lực, phương tiện và điều kiện để thi hành Luật.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi khá thẳng thắn về những kết quả đạt được cùng những tồn tại, hạn chế xoay quanh vấn đề BVMT ở nông thôn. Qua đó, đưa ra các giải pháp, nhất là công tác phối hợp với Hội ND các cấp để nâng cao chất lượng BVMT.
Báo cáo kết quả Hội NDVN triển khai việc thực thi Luật BVMT 2014 trong cán bộ, hội viên, nông dân, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội NDVN) Nguyễn Thị Kim Hoa, cho biết: Những năm qua, Trung ương Hội NDVN đã tập trung đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, tiêu dùng bền vững, hình thành ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn. Giai đoạn 2015- 2020, Trung ương Hội NDVN đã tổ chức 432 lớp bồi dưỡng, đào tạo kiến thức và kỹ năng truyền thông cho hơn 43.000 lượt cán bộ. hội viên, nông dân; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên có kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục trong công tác BVMT và quản lí sử dụng đất đai. Đồng thời, hỗ trợ các tỉnh, thành Hội chủ động tổ chức 200 lớp cho hơn 20.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân được tập huấn kỹ thuật và kiến thức BVMT tại các xã xây dựng mô hình điểm về BVMT…
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với BVMT để phát triển bền vững, Trung ương Hội NDVN đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành phố xây dựng thành công hàng trăm mô hình điểm về thu gom, phân loại và xử lý rác thải trong sinh hoạt, xử lý chất thải trong làng nghề, hầm khí biogas để BVMT nông thôn. Tiêu biểu như: Mô hình “thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn” ở các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Hoà Bình, An Giang, Long An; mô hình “xử lý nước thải làng nghề” tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình; mô hình “đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường” góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cung cấp nhiên liệu trong sinh hoạt như các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, thành phố Hà Nội...
Các cấp Hội còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật BVMT trên địa bàn nông thôn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người nông thôn; tập hợp nông dân, tuyên truyền, vận động, phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai và BVMT, nâng cao chất lượng cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng dân cư. Nhờ đó, người dân nông thôn đã quan tâm đến vấn đề môi trường nhiều hơn, có ý thức và trách nhiệm trong việc BVMT; thông qua hoạt động BVMT và ứng phó với BĐKH, hội viên, nông dân tin tưởng, gắn bó với tổ chức Hội, góp phần củng cố và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng chí cũng nêu và đưa ra đề xuất 9 giải pháp để triển khai Luật BVMT năm 2020 đến cán bộ, hội viên, nông dân. Trong đó, các cấp Hội cần tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác truyền thông, vận động hội viên, nông dân tham gia BVMT; xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn; nâng cao chất lượng phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường…
Hiện nay, xu thế dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ đô thị về khu vực nông thôn, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng cao. Do đó, các dòng chất thải cũng đang dịch chuyển từ đô thị về nông thôn để tái chế, xử lý nhiều lên. Cùng với đó, nhu cầu hàng hóa gia tăng nên khu vực nông thôn đang phải gánh chịu nhiều hậu quả của tình trạng lạm dụng hóa chất dùng trong nông nghiệp.
Theo thống kê, hoạt động nông nghiệp sử dụng khoảng từ 7,3- 8,6 triệu tấn hóa chất/năm; thuốc bảo vệ thực vật khoảng 110.000- 150.000 tấn/năm; trong đó, có 10% là lượng vỏ bao bì thải bỏ. Bên cạnh đó, khu vực nông thôn còn chịu tác động do ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi quy mô trang trại, quy mô nhỏ và phân tán; nuôi trồng thủy sản; hoạt động sinh hoạt với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 28.394 tấn/ngày… |
Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên, Trần Thị Tuyết Hương chia sẻ: Trước những thực trạng và một số vấn đề môi trường nổi cộm của tỉnh, từ năm 2015, Hội ND tỉnh đã ban hành Đề án số 06 về “Nâng cao vai trò của các cấp Hội ND trong tham gia BVMT nông thôn xanh, sạch đẹp; góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hội ND tỉnh đã trực tiếp xây dựng được trên 60 mô hình thu gom, xử lý sơ bộ vỏ bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng tại 60 cơ sở trong tỉnh; đồng thời, các cấp Hội cũng đã xây dựng được 98/841 chi Hội theo thôn có “chi Hội 3 không”; 182 mô hình Hội ND tham gia BVMT nông thôn, 436 Tổ vệ sinh môi trường do các cấp Hội tự quản... Bên cạnh đó, Hội ND phối hợp Sở NN&PTNT, Sở KH&CN xây dựng được 296 mô hình thu gom xử lý sơ bộ vỏ bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho rằng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội ND các cấp và cán bộ, hội viên, nông dân trong việc tham gia quản lý, BVMT thì cần thiết phải tăng cường sự phối hợp giữa Bộ TN & MT và Hội NDVN. Việc tăng cường này phải bằng những hành động cụ thể; trong đó, rất cần có đội ngũ chuyên gia của Bộ xuống tận cơ sở tiến hành việc đào tạo lớp giảng viên nguồn về công tác BVMT cho hội viên, nông dân. Có vậy mới góp phần nâng cao được vai trò giám sát của hội viên, nông dân trong công tác BVMT.
|
Bộ trưởng Bộ TN & MT Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Hội ND các cấp đã đạt được trong công tác BVMT |
Phát biểu bế mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN & MT Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Hội ND các cấp đã đạt được trong công tác BVMT; đồng thời, đánh giá cao các ý kiến trao đổi thẳng thắn, sát thực của các đại biểu. Theo đó, trong Luật BVMT 2020 (sửa đổi) mới được thông qua có nhiều nội dung cho thấy Hội NDVN đóng vai trò rất quan trọng trong việc huy động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia BVMT ngay trong các hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp, vệ sinh và giữ gìn cảnh quan, BVMT nông thôn và làng nghề; phát triển mô hình BVMT gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, đề nghị thời gian tới cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống các cơ quan quản lý ngành TN & MT và Hội ND các cấp trong việc tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp số 48-2017/CTPH-HND-BTNMT trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018- 2023.
Cùng với đó, Hội NDVN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về môi trường trên địa bàn; tiếp tục định hướng cho các hội viên, nông dân, tổ chức Hội ND cấp xã phát triển các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm thấp, sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường; nâng cao vai trò giám sát việc thực hiện Luật BVMT năm 2020, tiếp nhận phản hồi, nguyện vọng của hội viên, nông dân; tìm kiếm nguồn lực nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thu gom, lưu giữ hiệu quả vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng… Đặc biệt, Hội ND các cấp cần tiếp tục có sự tổng hợp, tập hợp ý kiến và đề xuất với Chính phủ để ban hành, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện công tác BVMT cho phù hợp với thực tế.
Trong Luật BVMT 2020, các chính sách về quản lý chất lượng môi trường, nhất là chính sách về BVMT nông thôn- nền tảng phát triển đã được quy định rất cụ thể. Theo đó, Luật BVMT 2020 đã có nhiều điểm đổi mới căn bản, bao gồm: Lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT.
Đặc biệt, Luật BVMT 2020 dành riêng một điều (Điều 58) quy định về BVMT nông thôn. Đây là điểm mới hoàn toàn so với Luật BVMT 2014; trong đó, quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT. Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ có liên quan và UBND các cấp trong BVMT nông thôn; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm Hội ND trong việc vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…
|
Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:
|
Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội NDVN) Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: Những năm qua, Hội NDVN triển khai việc thực thi Luật BVMT 2014 trong cán bộ, hội viên, nông dân đạt nhiều kết quả thiết thực |
|
Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên, Trần Thị Tuyết Hương chia sẻ: Các cấp Hội xây dựng được 98 chi Hội theo thôn có “chi Hội 3 không” |
|
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội ND các cấp và cán bộ, hội viên, nông dân trong việc tham gia quản lý, BVMT thì cần thiết phải tăng cường sự phối hợp giữa Bộ TN & MT và Hội NDVN |
Nguồn: Cổng ĐT HND