Theo báo cáo của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Thanh Hoá, trong thời gian qua, Ban đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, kịp thời phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở được chú trọng, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, sai sót trong việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.
Tỉnh Thanh Hoá đã tập trung ưu tiên nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH triển khai kịp thời các chương trình tín dụng chính sách xã hội để phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch theo Nghị quyết 11, thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 36, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đạt 14.423 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt hơn 14.388 tỷ đồng với gần 251.000 hộ nghèo các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Năm 2023 và trong 7 tháng đầu năm 2024, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 37 nghìn lao động, trong đó hơn 931 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 350 lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp hơn 4.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 98.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; 811 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo nguồn lực quan trọng cho địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến các thủ tục hành chính khiến người nghèo khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tập trung thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong giao dịch; tăng nguồn vốn tín dụng chính sách cho các địa phương; có chính sách khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ thông qua các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi; nâng mức vay và thời hạn cho vay tối đa với một số chương trình tín dụng...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đã báo cáo với đoàn giám sát một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và khẳng định góp phần vào kết quả đó có vai trò, đóng góp quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, như: Nguồn vốn ủy thác từ một số huyện, thị xã sang tín dụng chính sách xã hội để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, kinh tế và điều kiện của địa phương. Chất lượng tín dụng tại một số địa phương chưa đồng đều, tỷ lệ nợ quá hạn còn cao hơn so với bình quân chung của tỉnh. Việc thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở theo kế hoạch của các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH chưa được nhiều.
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Hội đồng quản trị NHCSXH xem xét, quyết định việc xử lý nhanh chóng, kịp thời hơn nữa đối với các khoản vay đủ điều kiện xử lý nợ bị rủi ro. Quan tâm, đề xuất, kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương xem xét, ban hành chương trình cho vay đối với những hộ có mức sống trung bình để sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân có nguồn vốn phát triển kinh tế tại địa phương. Xem xét, ban hành chính sách đối với hộ nghèo làm nhà ở theo chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được vay vốn ưu đãi để giúp bà con hộ nghèo làm nhà ở có ngôi nhà khang trang hơn, không phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao. Tiếp tục quan tâm, bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, đáp ứng nhu cầu vay vốn lớn của người dân để mua, thuê nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm thực hiện hoạt động tín dụng nguồn vốn CSXH
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên HĐQT NHCSXH ghi nhận và biểu dương những cố gắng nỗ lực của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian vừa qua. Để tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả, đồng chí đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục tập trung tuyên truyền để người dân hiểu để tạo sự đồng thuận.
Đồng thời, đề nghị NHCSXH phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội, các đoàn thể hướng dẫn người vay vốn sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích; thường xuyên quan tâm đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ ở các Tổ Tiết kiệm vay vốn; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong việc kiểm tra, giám sát để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng. Các sở, ngành cần tập trung với tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tập trung các nguồn vốn ngân sách của địa phương cho nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương…
Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện toàn diện, thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về tín tín dụng chính sách nói chung và hoạt động của ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa nói riêng, ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên Hội đồng quản trị NHCSXH đã đề nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đề nghị cấp ủy các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa nói riêng; hằng năm, tiếp tục cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn cho vay. Đặc biệt xem xét, bố trí nguồn vốn để cho vay đối với một số Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết.
Thứ hai, đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường chỉ đạo, triển khai việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách đảm bảo tính công khai, minh bạch đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng; tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội; tiếp thu, tổng hợp các ý kiến phản hồi của nhân dân và kiến nghị lên các cơ quan chức năng.
Thứ ba, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan ban ngành có liên quan phối hợp địa phương thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng thụ hưởng các chính sách tín dụng khác làm cơ sở để NHCSXH thực hiện cho vay.
Thứ tư, đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân; chỉ đạo tổ chức Hội cấp cơ sở thực hiện kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ ủy thác; phối hợp với NHCSXH kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Thứ năm, đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 của Hội đồng quản trị NHCSXH; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chương trình kiểm tra giám sát của Ban đại diện HĐQT các cấp.
Thứ sáu, về phía Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, huyện tiếp tục chủ động tham mưu, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhân dân trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực đối với đội ngũ cán bộ NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội và Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn để phối hợp thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội tại địa phương.