Hàng trăm hộ dân hiến đất mở đường
10:07 - 19/07/2023
ĐÀ NẴNG - Người dân vùng nông thôn huyện Hòa Vang tình nguyện hiến gần 15.000 m2 đất ở và đất nông nghiệp để mở rộng nhiều tuyến đường.
Con đường qua hồ trái tim ở thôn Mỹ Sơn, xã Hoà Ninh được đổ bêtông từ sự chung tay của người dân


Những ngày này, người dân thôn Mỹ Sơn, xã Hòa Ninh dưới chân khu du lịch nổi tiếng Bà Nà Hills không còn cảnh "nắng bụi, mưa bùn" khi đi qua gần 600 m đường liên thôn mới được mở rộng, đổ bêtông sạch bong. Gần 40 hộ dân dọc tuyến đường nhà nào cũng "thiệt" một phần diện tích đất ở hoặc đất nông nghiệp nhưng ai cũng vui vì "ôtô có thể đi được".

Hòa Ninh là xã miền núi của huyện Hòa Vang, người dân trước đây từng hiến đất mở rộng đường liên xã, giờ lại sẵn lòng mở rộng đường liên thôn. "Dân hiến đất mở đường, đường sá thông thoáng, giá trị đất từ đó cũng tăng lên", ông Nguyễn Phú Kiểm, trưởng thôn, nói.

Ông Kiểm kể, tuyến đường liên thôn hàng chục năm qua là đường đất pha đá sỏi, chỉ rộng 2,5-3 m. Hai bên đường không quá đông đúc dân cư, nhưng đây là con đường chở nông sản vườn đồi của người dân ra trung tâm xã.

"Mùa mưa, người dân lội bùn đất chở rau, cây trái đi bán rất vất vả, nhiều đoạn xe không đi nổi. Còn mùa nắng chỉ cần một xe máy chạy qua là bụi mù mịt", ông Kiểm nói, cho biết 8 năm trước địa phương từng vận động người dân hiến đất mở nhiều đường liên xã, liên thôn, riêng tuyến liên thôn Mỹ Sơn vẫn còn đường đất.

Đầu năm 2023, chính quyền xã kêu gọi người dân mở rộng đường nội đồng làm bêtông rộng 4 m, qua khu dân cư làm đường rộng 5 m, dày 20 cm. Người dân Mỹ Sơn đồng tình hiến đất, đường qua nhà nào, nhà đó tự nguyện bỏ tiền thuê nhân công giải phóng mặt bằng.

"Đường vướng tường rào, cổng ngõ nhà ai thì nhà đó tự tháo dỡ. Nhiều nhà chặt cả những cây mít to, mỗi năm đang thu nhập hàng triệu đồng. Dân trong thôn còn giúp thợ đổ bêtông, nhờ đó chỉ gần 20 ngày đã làm xong đường", ông Kiểm nói.

Ông cho biết tuyến đường bêtông dài gần 600 m làm xong chỉ mất chi phí khoảng 180-200 triệu đồng, chủ yếu là tiền bêtông và tiền công thợ. Còn ông Thọ, người hiến 200 m2 đất vườn mở đường, nói: "Nhà nước và người dân đều hưởng lợi nên ai cũng đồng thuận".

UBND xã Hòa Ninh thống kê từ tháng 3 đến nay, người dân các thôn Mỹ Sơn, Sơn Phước và Đông Sơn đã hiến 600 m2 đất ở; 5.400 m2 đất nông nghiệp; tháo dỡ 1.250 m tường rào để làm 8 tuyến đường. Kinh phí người dân tự làm mặt bằng ước tính hơn 179 triệu đồng.

Cách Hòa Ninh khoảng 20 km về phía tây nam thành phố, người dân xã Hòa Khương cũng hiến gần 1.800 m2 đất ở và gần 7.000 m2 đất nông nghiệp để chuẩn bị mở rộng tuyến đường nối nút giao quốc lộ 14B đi Gò Quảng - Cồn Mùn dài gần 1,6 km và từ Gò Quảng đến Hòa Phước - Hòa Khương dài hơn một km.

Ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho biết những tuyến đường sẽ được đầu tư theo chuẩn đường đô thị, lòng đường 7,5 m, lề mỗi bên 3 m, để đạt tiêu chí thành lập phường Hòa Khương khi huyện Hòa Vang lên thị xã năm 2025. Nhà nước hỗ trợ đền bù 100% công trình của người dân và 50% giá trị đất được thu hồi.

Theo khái toán phương án đền bù, mỗi m2 đất ở là 1,010 triệu đồng; đất khuôn viên 603.000 đồng; đất nông nghiệp 392.000 đồng. "Tuyến đường mở rộng dài, đất của người dân rất nhiều, chi phí đền bù rất cao, trong khi ngân sách có hạn. Do đó, việc người dân hiến đất là rất đáng quý", ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho biết theo Nghị quyết xây dựng thị xã đến năm 2025, cần đầu tư xây dựng rất nhiều hạ tầng giao thông để đạt chuẩn đô thị. Chính quyền đã kêu gọi người dân nhiều xã hiến đất làm đường để giảm gánh nặng đầu tư công.

"Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đường mở rộng, giao thông thuận lợi giúp mở mang đô thị, đời sống người dân theo đó cũng được nâng lên", ông Dũng nói.

 
Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường