Hội Nông dân Việt Nam thăm hỏi, tặng quà nông dân bị thiệt hại bão lũ ở Bắc Giang
14:32 - 13/09/2024
Ngày 12/9/2024, Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương (BCH T.Ư) Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn đã đến thăm và tặng quà cho nông dân bị thiệt hại do bão, lũ ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. 

Cùng đi với đoàn còn có đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp đã tích cực vận động, tài trợ cho bà con nông dân bị thiệt hại do bão lũ như Tạp chí Nông thôn mới, Công ty Cổ phần công nghệ xây dựng Tân Việt…
 
Trước khi đoàn đi thăm và tặng quà các hộ nông dân bị thiệt hại do lũ, Đoàn đã có buổi làm việc với Huyện ủy huyện Sơn Động.
 
Ông Ngụy Văn Tuyên – Bí thư Huyện ủy Sơn Động cho biết: Bắc Giang là trong những tỉnh ở khu vực phía Bắc cũng bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ xảy ra trên diện rộng. Trong đó, địa bàn huyện Lục Ngạn và Sơn Động là những nơi thiệt hại nặng nhất khi bị chia cắt bởi ngập lụt và sạt lở đất. Toàn bộ các xã, thị trấn của huyện Sơn Động với hơn 300 hộ dân bị cô lập và chia cắt vì mực nước có nơi ngập sâu hơn 2m, thông tin liên lạc và điện sinh hoạt tại nhiều xã, thị trấn trong tình trạng không ổn định hoặc mất hoàn toàn.
 
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, tính đến 17h ngày 11/9, trên địa bàn tỉnh có hơn 470ha thủy sản bị ngập tràn bờ. Trong đó, hơn 162ha thiệt hại từ 30-70%, khoảng 308ha thiệt hại hơn 70%. Các địa phương có diện tích nuôi thủy sản ngập nước lớn là các huyện: Lục Nam 267ha; Tân Yên 75ha; Hiệp Hòa 30ha; thị xã Việt Yên 77ha…
 
 
 
Đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trao số tiền 75 triệu đồng và 50 suất quà ủng hộ hội viên, nông dân huyện Sơn Động bị ảnh hưởng cơn bão số 3

 
Đối với huyện Sơn Động, đây là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3. Sau cơn bão, có 700 hộ dân, 29 trường học, 4 trụ sở bị tốc mái; 848 hộ dân bị ngập nước. Các xã đã tiến hành di dời được 421 hộ dân, hiện nay hầu hết các hộ dân đã trở về nhà, tuy nhiên còn 45 hộ dân chưa về được do nhà có nguy cơ bị sạt lở, không an toàn.
 
Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp: Có 1.406ha lúa và hoa màu, 349ha cây ăn quả bị gẫy đổ, ngập úng; 21.963ha cây keo và bạch đàn đổ, gẫy; hơn 28.700 con gia cầm bị chết, bị nước cuốn trôi; 8 con gia súc bị chết do lũ.
 
Trước tình hình lũ lụt như vậy, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Giang, Huyện ủy và UBND huyện Sơn Động tiếp tục chỉ đạo xã, thị trấn và các đơn vị trực thuộc thực hiện các phương án di dời nhân dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn hồ đập; khẩn trương khắc phục xong các sự cố đã xảy ra; động viên thăm hỏi, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho một số hộ gia đình có người bị thương, nhà hư hỏng, tốc mái, ngập úng; thu dọn cây cối bị đổ, gãy.
 
"Trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Sơn Động sẽ tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3; phân công thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến địa bàn phụ trách, cùng Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã, thị trấn kiểm tra toàn diện, nhất là các điểm có nguy cơ sạt lở đất đá, phải triển khai ngay phương án di dời toàn bộ người dân đến nơi an toàn và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, đồng thời thường xuyên bám sát địa bàn để chỉ đạo ứng phó mưa lũ tiếp theo, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân do mưa lũ; huy động mọi nguồn lực để nhanh chóng khắc phục sửa chữa các điểm trường, nhà dân bị tốc mái" - ông Tuyên cho hay.
 
Đồng chí Bí thư cũng cho biết thêm, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức phát động tổng vệ sinh môi trường trong toàn huyện khôi phục sản xuất sau thiệt hại; thống kê nhu cầu hỗ trợ như nước sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, dung dịch khử khuẩn và các nhu yếu phẩm khác; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân; có giải pháp cụ thể giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão… 
 
Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: Cơn bão số 3 đi vào đất liền đi kèm với đó là lũ lụt sau bão, cùng với việc xả cửa đáy ở một số công trình thuỷ điện đã khiến cho các tỉnh ở miền núi phía Bắc chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề, rất lớn về người, tài sản, cây cối hoa màu. Bắc Giang cũng là một trong những tỉnh chịu những ảnh hưởng đó và huyện Sơn Động là một trong những địa điểm đã khó khăn mà lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
 
Đồng chí Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam hi vọng, với truyền thống của dân tộc Việt Nam “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, trong những ngày này, các cấp, các ngành trên cả nước quan tâm thăm hỏi, động viên, chia sẻ, trợ giúp cho bà con ở những nơi gặp bão, lũ, lụt. Trung ương Hội NDVN với tinh thần hướng về cơ sở, cùng Hội ND tỉnh Bắc Giang đến thăm hỏi, động viên cán bộ, hội viên, nông dân huyện Sơn Động nói riêng, tỉnh Bắc Giang nói chung, chia sẻ với bà con chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão, đặc biệt là những người chịu thiệt hại lớn về nhà cửa, ruộng vườn, chăn nuôi… Đồng chí biểu dương sự chủ động, quan tâm của các cấp chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp phòng chống lụt bão nhanh và thiết thực.
 
“Còn người là còn tất cả, chúng ta không có thiệt hại về người và đã có nhiều hoạt động kịp thời giúp đỡ bà con. Cho đến nay, còn nhiều người vẫn chưa được về nhà của mình. Cơn bão số 3 gây những thiệt hại to lớn, trước mắt chúng ta phải giải quyết từng việc một, việc đầu tiên là động viên bà con an tâm tập trung vào dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, những gì ổn định được trước thì làm trước. Thứ hai, các cấp chính quyền cần nắm bắt kịp thời các thiệt hại của bà con để trên cơ sở đó tiếp tục có những chỉ đạo quyên góp, vận động, ủng hộ để hỗ trợ cho người dân...”– đồng chí Bùi Thị Thơm nhấn mạnh.
 
Đồng chí Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đề nghị trong quá trình hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, các cấp Hội Nông dân cần nắm bắt sát tình hình thực tế, để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp có những chính sách có lợi cho nông dân, hỗ trợ kịp thời cho người dân. Đồng chí cũng thông tin Văn phòng Chính phủ đã có thông báo gửi các bộ ngành, cần kịp thời nắm bắt tình hình của nhân dân để trên cơ sở đó hỗ trợ, kiến nghị các giải pháp phục vụ cho Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân vào cuối năm nay. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất kịp thời, vì vậy, hi vọng địa phương tiếp tục chỉ đạo để đạt được hiệu quả tốt nhất.
 
“Nông dân đang phải chịu những thiệt thòi nhất, đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp các ngành phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, sẻ chia để bà con thấy ấm lòng trong lúc khó khăn, an tâm, từng bước ổn định và tiếp tục xây dựng cuộc sống. T.Ư Hội NDVN có những phần quà, tuy không lớn nhưng đó là tấm lòng của lãnh đạo, cán bộ Hội các cấp, các nhà tài trợ đóng góp để hỗ trợ chia sẻ với người dân bị thiệt hại", đồng chí Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam xúc động nói. 
 
Sau buổi làm việc, Đoàn đã đến thăm và tặng quà cho một số hộ dân bị thiệt hại nặng nề ở xã Yên Định và xã Cẩm Đàn huyện Sơn Động.
 
Đoàn được đồng chí Bí thư huyện ủy đích thân dẫn đi thăm gia đình chị Lâm Thị Hà – thôn Trại Chùa, xã Yên Định, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề do lũ.
 
Chị Hà cho biết, gia đình chị có 6 người, 1 mẹ già trên 80 tuổi và con nhỏ đang học tiểu học, nước lũ về quá nhanh, gia đình không kịp kê gác đồ đạc trong nhà. Gia đình chị sống ở khu vực thưa thớt, không có nhiều hộ gia đình để có thể nhờ được.
 
"Chính vì vậy, nhà tôi khi lũ tràn về bị ngập hết, từ giường đến tủ lạnh, các vật dụng lớn là chìm hết trong nước. Gia đình bị thiệt hại hơn 100 con gà, 2 máy bơm nước, máy cấy, máy cày bị hư hỏng, hoa màu trên ruộng cũng mất hết", chị Hà nói.
 
Chị Hà đã bật khóc và bày tỏ sự xúc động và cảm ơn Đoàn đã có sự quan tâm, chia sẻ, động viên gia đình chị. 
 
Bước vào ngôi nhà giờ chỉ còn là đống đổ nát sau bão số 3, các thành viên trong đoàn công tác không khỏi xót xa, thương cảm cho hoàn cảnh của vợ chồng anh Hoàng Văn Hợp và chị Tô Thị Bình là đồng bào dân tộc Cao Lan ở thôn Trại Giang, xã cẩm Đàn của huyện Sơn Động. Sau bao nhiêu năm lao động, dành dụm mới được tiền xây nhà nhưng tổ ấm của anh chị đã bị bão số 3 lấy đi mất. “Nhà cửa đổ hết, ruộng nương mất hết, gà vịt chết hết. Sau cơn bão, hôm nào mưa gió thì cả nhà đi ngủ nhờ hàng xóm, còn tạnh ráo thì che tạm bạt để ngủ vì không có tiền để sửa nhà, nghèo thì chẳng biết làm thế nào", chị Bình xúc động nói trong nước mắt. 
 
Trước cảnh “màn trời chiếu đất” của gia đình chị Bình, thay mặt T.Ư Hội NDVN, đồng chí Bùi Thị Thơm chia sẻ với gia đình những tổn thất, thiệt hại và mong gia đình sớm ổn định cuộc sống. "Còn người là còn làm ra của cải, là còn tất cả”, đồng chí Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam nói.
 
Bàn tay run run, không kìm được cảm xúc, chị Bình xúc động nói: “Tôi được các anh chị đến động viên, hỗ trợ, trong lòng cảm thấy rất vui, cảm ơn Đoàn của Hội Nông dân và tôi cũng rất mong nhận được sự quan tâm các cấp chính quyền để gia đình an cư, yên tâm sản xuất”.
 
Nắm tay động viên chị Bình, đồng chí Bùi Thị Thơm cho biết, siêu bão Yagi là cơn bão lớn trong lịch sử, thiệt hại do bão gây ra cho các tỉnh phía Bắc là rất lớn. Đảng, nhà nước, Chính phủ và T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương và cả cộng đồng sẽ luôn quan tâm, hỗ trợ để bà con vượt qua khó khăn.
 
Đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, là một tổ chức chính trị, xã hội, bảo vệ quyền lợi, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cũng đã vào cuộc mạnh mẽ để đồng hành cùng hội viên, nông dân, cùng các địa phương nỗ lực vượt khó sau bão số 3.
 
 
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Tạp chí Nông thôn mới kêu gọi các tổ chức, cá nhân, bạn đọc, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vượt qua thiên tai và những khó khăn trong và sau bão, lũ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
 
Tạp chí Nông thôn mới, Tầng 7, Tòa nhà Báo Nông thôn ngày nay - Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
 
Điện thoại: 024.38470876 - 0984 599 179; 0976 606 690
 
Tên tài khoản nhận tiền: Tạp chí Nông thôn mới.
 
Số tài khoản: 1506 201037979
 
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Tây Hồ - Hà Nội. 
 
(Ghi rõ tên, địa chỉ của đơn vị, cá nhân ủng hộ. Nội dung ghi: Ủng hộ đồng bào thiệt hại vì bão, lũ)
Nguồn: m.tapchinongthonmoi.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng