Gia Lai: Nhặt thứ cả thiên hạ vứt đi đem về bện ra thứ dây chắc chắn, nắng mưa đều có tiền
09:02 - 29/03/2022
Ở tỉnh Gia Lai có một nghề truyền thống rất đặc biệt, người dân mỗi ngày ngồi tước từng sợi dây từ bao lúa (phần lớn đã bị rách" rồi đan chúng lại với nhau. Đây là nghề bện dây thừng của người đồng bào Jrai tại xã Ia Piar (huyện Phú Thiện).
Ông Ksor Chăng tỉ mỉ tước từng sợi dây từ bao lúa ra. Đây là công đoạn quan trọng nhất để quyết định đến chất lượng của sợi dây thừng


Chúng tôi tìm về với thôn Plei Chrung (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) để tìm hiểu về nghề bện dây thừng của người đồng bào Jrai.

Nét văn hóa của người Jrai, tồn tại hơn 100 năm

Trong căn nhà sàn truyền thống của người Jrai, ông Ksor Chăng đang tỉ mỉ, khéo léo tước từng sợi dây từ bao lúa ra.

Chúng tôi thật bất ngờ khi ông Chăng tuy đã gần 80 tuổi nhưng đôi mắt của ông vẫn tinh, đôi tay vẫn đầy tỉ mỉ, khéo léo để tước từng sợi hay đan những sợi dây lại với nhau. Ông không nói được tiếng Kinh, nên nhờ chị Nay H'Po, con gái của mình phiên dịch hộ.

Chị Nay H'Po cho biết, mình không nhớ chính xác nghề bện dây thừng đã có từ bao giờ, chỉ nghe ông bà kể lại nghề này đã tồn tại được hơn 100 năm.

Ngày xưa, ở thôn này, người dân nghèo lắm, không có tiền mua sợi dây thừng để cột con bò, con trâu khỏi thất lạc nên họ mới nghĩ ra cách này. Về lâu, nghề này đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Jrai.

Theo chị Nay H'Po, nghề bện dây thừng ở thôn Plei Chrung được làm quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào những vụ lúa được gieo, xạ.

Vào mùa này, diện tích chăn thả thu hẹp nên người Jrai phải cột con bò, con trâu của mình ở nhà cho ăn rơm. Ngoài ra, sợi dây này còn được dùng phục vụ đời sống của người Jrai như treo đồ, kéo gỗ để xây nhà sàn,…

Chúng tôi thắc mắc, tại sao nngười dân ở đây lại dùng chiếc bao tải đựng lúa để làm sợi dây thừng thì chị Nay H'Po cho hay: "Trước đây, người dân thường lấy vỏ của cây bụp dấm để làm sợi dây. Tuy nhiên dây được làm từ vỏ cây này không bền, khi kéo đan dây hay bị đứt nên họ đã tận dụng lại bao lúa.

Sợi dây thừng từ bao lúa thường chắc chắn hơn và khi kéo đan dây sẽ có độ liên kết với nhau".

Nghề đan bện thừng chỉ phù hợp với đàn ông?

Thoáng nhìn sơ qua, nhiều người sẽ nghĩ nghề bện dây thừng này khá đơn giản. Tuy nhiên, để tạo ra một sơi dây thành phẩm thì rất phức tạp và kì công. Đặc biệt, toàn bộ công đoạn ở đây đều thủ công.

Chia sẻ kĩ về kỹ thuật bện dây thừng, ông Ksor Blieng (cùng trú tại thôn Plei Chrung, xã Ia Piar) cho biết, đầu tiên, người làm tước sợi dây bao lúa thành từng chùm.

Đây là công đoạn rất quan trọng, đòi hỏi người làm phải khéo léo, kiên nhẫn ngồi nhiều giờ đồng hồ để tước từng sợi ra thành nhiều chùm sợi nhỏ, rồi sau đó cột lại, bện lại. Để cho ra một sợi dây thừng thành phẩm dài 5-10m, có đường kính 2cm thì cần tới 6-10 bao lúa .

Tiếp đến, người làm sẽ đặt một khúc gỗ dài 20 cm để làm thân cố định, rồi lấy những chùm dây đã tước sẵn đan lại với nhau theo chiều kim đồng hồ, từ đó tạo thành một sợi dây cơ bản có đường kính 0,5-1 cm. Sau đó, người làm sẽ quấn lên khúc cây đó, quấn đều thành một cục dây to.

"Khi xong những bước đó, người làm ngồi xuống, lấy sợi dây cuốn sẵn mắc vào cột nhà để cố định. Tiếp theo, người làm sẽ dùng một que dài 10cm để cầm cố định rồi luồn dây lên kéo thật mạnh về sau. Cứ kéo như thế, dây đạt được độ liên kết với nhau. Làm một dây thừng thì có 3 sợi nhỏ đan nhau tạo thành một dây lớn", ông Ksor Blieng phân tích.

Theo ông Ksor Blieng, để cho ra một sợi dây thừng thành phẩm, người thợ chuyên nghiệp sẽ mất khoảng 2-3 giờ đồng hồ, nếu người mới tập làm có thể mất hàng chục giờ là chuyện bình thường.

"Công việc đan dây thừng từ bao này thì đòi hỏi người làm cần có độ dẻo dai của cánh tay, sức khỏe tốt và phải có sự kiên trì để tước và kéo từng sợi dây nên chỉ đàn ông mới phù hợp với công việc này", ông Ksor Blieng bật mí thêm.

Được biết, mỗi ngày, người dân thôn Plei Chrung làm được từ 4-5 sợi dây thừng, giá bán từ 10.000-15.000 đồng/sợi tùy theo kích thước.



 
Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường