Trồng củ tiến Vua lắm lông, tròn to chắc nịch theo cách lạ, 6 tháng đã được thu, ông nông dân có khoản lớn
Sáng tạo trong cách trồng và chăm sóc, người dân xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã trồng thành công khoai mài, mang lại thu nhập cao.
Đặc sản khoai mài cho giá trị kinh tế cao
Khoai mài là đặc sản nổi tiếng của làng Mỹ Lợi. Những năm gần đây, do tình trạng khai thác ồ ạt, loại củ tiến vua dần biến mất trong môi trường tự nhiên.
Ông Trương Tranh, lão nông sinh năm 1946 cho biết: “Khoai mài tự nhiên thường mọc tại những lùm, động cát cao trong làng. Vì giá trị cao, làm thực phẩm, làm thuốc nên hầu như chúng đã vắng bóng. Muốn đào một củ khoai mài tự nhiên tầm nửa kg trở lên là điều vô cùng khó”.
Trăn trở biến khoai mài thành củ cho giá trị kinh tế, đồng thời bảo tồn khoai mài tự nhiên, những lão nông làng Mỹ Lợi đã thử nghiệm trồng loại củ này. Sáng tạo nên cách canh tác khoai mài phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, ông Trần Thanh Tuấn, một trong những người trồng thử nghiệm đầu tiên cho biết: “Trước đây cũng đã có người trồng khoai mài nhưng không thành công. Chủ yếu do chất đất hoặc chế độ chăm sóc không phù hợp. Hiện nay với phương pháp canh tác hợp lý hơn, khoai mài cho củ có chất lượng và hình thức đẹp”.
Năm 2019, ông Tuấn chỉ trồng thử nghiệm 30 củ giống. Sau 6 tháng, khoai mài phát triển tốt, nặng từ 0,5 – 1,5kg và được thương lái đến thu mua tận nhà với giá 70.000 đồng/kg. “Dịp hè năm 2020, tôi tăng diện tích lên 400m2. Tính ra khoai mài cho giá trị gấp 6 lần so với khoai tía (một trong những loài cây chủ lực trên đồng đất Mỹ Lợi)”, ông Tuấn nói.
Khoai mài được canh tác trên vồng đất cao để vừa tránh ngập úng, vừa dễ thu hoạch. Mỗi vồng rộng từ 0,6m, cao từ 0,5m trở lên. Không chỉ tạo vồng, cắm choái (cây trụ để dây khoai mài leo lên), việc bón phân phải khoa học, hợp lý. Hiện tại khoai mài được trồng chủ yếu bằng củ giống (thường mọc ở nách lá). Với đặc thù đồng đất cát, các hộ dân trồng khoai mài tận dụng phân hữu cơ, đặc biệt là bánh dầu (phần bã đậu sau khi ép dầu lạc) để thúc khoai phát triển.
Mùa trồng khoai mài bắt đầu từ giữa hè, sau 6 tháng là có thể cho thu hoạch. Thu hoạch khoai mài yêu cầu sự cẩn thận, tỉ mỉ hơn các sản phẩm nông nghiệp khác bởi đặc trưng của củ. Ông Tranh nói: “Vì thế đào khoai mài rất lâu, cần khéo léo bởi có củ dài gần cả mét, dễ gãy và khi đã gãy sẽ không được giá. Sau khi thu hoạch, chúng tôi phải bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng để đảm bảo chất lượng”.
Từ vài hộ trồng thử nghiệm ban đầu, năm 2020, số hộ trồng khoai mài tăng nhanh và đến năm 2021 hứa hẹn sẽ phát triển mạnh. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Mỹ cho biết: “Với phương thức canh tác hợp lý, nguồn thu của khoai mài cao hơn nhiều lần so với những cây trồng truyền thống khác. Không chỉ là hướng phát triển kinh tế, việc trồng thành công khoai mài còn giúp hạn chế tình trạng khai thác ồ ạt khoai mài tự nhiên, đồng thời mang loại củ tiến vua này đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương”.
Ông Trần Thanh Tuấn còn thử nghiệm trồng khoai mài lâu năm. “Khoe” với chúng tôi những vồng đất cao bất thường, ông chia sẻ: “Hiện tại tôi đã lấp đất, phía dưới khoai mài vẫn còn, bên trên trồng cải sắp cho thu hoạch. Dự định của tôi là muốn khoai mài phát triển lâu năm để tăng chất lượng và khối lượng củ. Đây cũng là thử nghiệm, nhưng tôi tin là sẽ thành công”!
Trong y học cổ truyền, khoai mài được biết đến với tên hoài sơn, là loại củ có tác dụng hỗ trợ điều trị suy nhược, bổ máu, trừ ho. Trong ẩm thực, đây là loại củ mang lại nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng. Sáng tạo cách trồng và chăm sóc, những nông dân làng Mỹ Lợi đã và đang phát huy lợi thế sẵn có tại địa phương, bảo tồn giống khoai mài quý đồng thời mở ra một hướng làm kinh tế mới.