Trong ngày đầu tháng 3/2021, những container cà rốt từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) xuất khẩu sang Hàn Quốc đã khởi hành sau khi TP. Hải Phòng dỡ bỏ các chốt kiểm soát, không chỉ tạo tâm lý phấn khởi cho DN, bà con nông dân mà còn truyền đi năng lượng tích cực trong khôi phục sản xuất, kinh doanh tại các địa phương có dịch ngay khi dịch bệnh bị đẩy lùi.
Những lô cà rốt xuất khẩu tạo tâm lý phấn khởi, động lực để DN, người dân Hải Dương nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi đẩy lùi dịch bệnh
Trước đó, từ ngày 16/2/2021, khi Hải Phòng ra quy định chống dịch “ngặt nghèo”, từng container cà rốt xuống cảng để xuất ra nước ngoài như đã ký đã phải quay đầu. Hàng phải lưu kho, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Hải Dương phải đền bù thiệt hại với đối tác nước ngoài. Trong khi đó, đơn hàng cà rốt chiếm 80% số lượng nông sản xuất khẩu của Hải Dương cho nên ngoài thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp ở đây còn bán sang nhiều thị trường khác.
Cùng với thị trường Hàn Quốc mở cửa nhập khẩu cà rốt trở lại sau một thời gian ngừng giao thương, TP. Hải Phòng cũng bỏ chốt kiểm soát, vì vậy cà rốt ở huyện Cẩm Giàng tiêu thụ tốt, giá liên tục tăng, hiện cán mốc 10.000 đồng/kg. Những lô hàng cà rốt cuối vụ lại được giá như tiếp thêm động lực cho nông dân Hải Dương tích cực bắt tay vào khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Không chỉ vậy mà các DN trên địa bàn tỉnh thêm phấn khởi, tự tin nhận, trả các đơn hàng đã ký kết nhằm nhanh chóng “lấy lại thời gian” đã mất sau hơn 1 tháng đình trệ để phòng chống dịch bệnh.
Câu chuyện cà rốt ở Cẩm Giàng (Hải Dương) một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc kết hợp chống dịch với duy trì và phục hồi sản xuất phải gần như đồng thời, dịch bệnh lùi đến đâu, khôi phục sản xuất ngay đến đó, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2021.
Tinh thần đó đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhắc nhở tại các cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh, các bộ ngành, địa phương cũng như trong các cuộc làm việc đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi nhân dân ta đã đón Tết an toàn, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên cả nước.
Trước phản ánh về một số cách hiểu khác nhau về vùng dịch, ổ dịch dẫn đến một số địa phương áp dụng biện pháp chống dịch cực đoan dẫn tới “ngăn sông, cấm chợ”, gây cản trở lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, người dân, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ Công Thương, Y tế, GTVT… phải ban hành ngay hướng dẫn, quy trình thống nhất về sản xuất, lưu thông hàng hóa, phương tiện giữa vùng có dịch và không có dịch; có biện pháp hỗ trợ phân phối, tiêu thụ hàng hóa, bảo đảm an toàn dịch bệnh, đặc biệt với các hàng hóa nông sản, có thời gian bảo quản ngắn.
Sự chỉ đạo sát sao, đốc thúc quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ được truyền tải lập tức đến các bộ ngành, địa phương nhằm rút ngắn thời gian khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực đối với DN, người dân.
Ngày 26/2, Tổng cục Đường bộ có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh tạo điều kiện cho xe lưu thông hàng hoá qua các chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid trên quốc lộ 18, đồng thời giảm tải, tránh ùn tắc giao thông trên quốc lộ 5 và quốc lộ 10. Trước đó, Sở GTVT TP. Hải Phòng đã kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu tỉnh Quảng Ninh cho xe lưu thông trên quốc lộ 18 thuộc địa phận tỉnh này, tránh tình trạng vẫn lập chốt cứng, khiến phương tiện phải quay đầu chuyển sang quốc lộ 5, quốc lộ 10 gây ách tắc, làm khó cho Hải Phòng.
Và ngay sau cuộc họp với các bộ Y tế, NN&PTNT, ngày 2/3, Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn về việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.
Sự chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn từ các địa phương, bộ ngành liên quan lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ở các tỉnh kinh tế trọng điểm như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… chỉ là một trong nhiều hình ảnh, cách làm sáng tạo, linh hoạt nhưng kiên trì mục tiêu kép, “không để vì chống dịch mà ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Vì vậy, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài 8 ngày nhưng như đánh giá của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, diễn ra sáng 2/3, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những dấu hiệu đáng mừng trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm. Nông nghiệp được mùa, được giá. “Sáng nay, tôi có xem bản tin (truyền hình) vào 5h sáng về tình hình sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở ĐBSCL, năng suất cao hơn, giá cao hơn và thị trường được mở rộng hơn”. Đặc biệt, xuất nhập khẩu trong 2 tháng đạt gần 96 tỷ USD, tăng gần 25%, trong đó xuất khẩu tăng hơn 23%. Xuất siêu 1,3 tỷ USD. Tình hình doanh nghiệp cũng có một số dấu hiệu tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4%, số vốn đăng ký tăng hơn 52%.
Những nỗ lực khẩn trương phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay khi dịch bệnh được kiểm soát đã tạo tâm lý phấn khởi, tin tưởng cho DN, người dân, từ đó giữ được nhịp độ phát triển để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng được đề ra trong năm 2021, đòng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.