Những kỳ vọng về lĩnh vực 'tam nông'
13:46 - 21/01/2021
Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII có nội dung: 'Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá'.
Ảnh minh họa


Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn

Sau 35 năm đổi mới, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, nông nghiệp chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân.
 

Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỉ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5% hàng năm; tỉ lệ xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 75%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%.
 

Để làm được điều đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
 

Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 

Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị.
 

Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái.
 

Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chệnh lệch phát triển giữa các vùng.
 

Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cũng xác định, cần “đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển”; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển, nhất là nhân lực chất lượng cao.
 

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân 

Hiểu được tầm quan trọng của việc tích tụ ruộng đất trong phát triển sản xuất quy mô hàng hóa, dự thảo báo cáo chính trị nêu rõ, cần “phát triển lành mạnh thị trường quyền sử dụng đất, chú trọng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, kiểm soát tình trạng đầu cơ đất”.
 

Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
 

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ngăn chặn tình trạng để đất hoang hoá, sử dụng đất lãng phí, tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất. Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất công, đất có nguồn gốc nông, lâm trường.
 

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi, làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất...
 

Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương xác định, cần phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá.
 

Có chính sách hợp lý để chuyển lao động nông thôn sang các ngành phi nông nghiệp. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn.
 

Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông dân khá giả, nông thôn văn minh.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng