|
Ảnh minh họa |
Đồng chí Nguyễn Đức Hải – Phó Tổng Giám đốc NHCSXH chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các tổ chức Hội, đoàn thể tham gia nhận ủy thác với ngân hàng gồm: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị chuyên môn nghiệp vụ thuộc Hội sở chính NHCSXH.
Năm 2020, NHCSXH đã tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) nhận ủy thác và cấp ủy chính quyền các cấp, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách; đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tuyên truyền về tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ người dân, người vay vốn bị rủi ro do mưa lũ tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, hạn hán xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hoạt động của NHCSXH đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự ổn định kinh tế, chính trị xã hội của đất nước.
Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải cho biết, NHCSXH đã chủ động huy động nguồn vốn ngay từ đầu năm, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trả nợ các khoản vay đến hạn, đảm bảo khả năng thanh toán cho hoạt động của toàn hệ thống. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2020 đạt 233.426 tỷ đồng, tăng 21.532 tỷ đồng so với năm 2019; trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 20.315 tỷ đồng, tăng 4.882 tỷ đồng so với năm 2019.
Tổng doanh số cho vay đạt 75.825 tỷ đồng, tăng 3.002 tỷ đồng so với năm 2019 với trên 2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng doanh số thu nợ đạt 56.303 tỷ đồng, tăng 2.805 tỷ đồng so với năm 2019. Triển khai thực hiện cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ, các Quyết định số 15 và số 32 của Thủ tướng Chính phủ, đến 31/12/2020 đã giải ngân 31,6 tỷ đồng cho 207 doanh nghiệp để trả lương cho 8.529 lao động.
Tổng dư nợ đến 31/12/2020 đạt 226.197 tỷ đồng, tăng 19.391 tỷ đồng, tương ứng tăng 9,4% so với cuối năm 2019, trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 194.405 tỷ đồng, tăng 14.400 tỷ đồng (tương đương 8%) so với cuối năm 2019, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng. Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng: Hộ nghèo 30.943 tỷ đồng, hộ cận nghèo 33.569 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 38.906 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 39.902 tỷ đồng, giải quyết việc làm 30.435 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 26.558 tỷ đồng, học sinh sinh viên 10.469 tỷ đồng…
Kết cấu dư nợ các chương trình tín dụng theo mục đích sử dụng vốn: tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm đạt 166.818 tỷ đồng chiếm 73,7% tổng dư nợ; tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 59.379 tỷ đồng chiếm 26,3% tổng dư nợ.
Trong năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 361 nghìn lao động, trong đó giúp hơn 5,2 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 44,6 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giúp 207 doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho hơn 8,4 nghìn người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19; xây dựng gần 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 17,3 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100…
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với việc tập trung thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, NHCSXH đã chủ động làm tốt việc duy trì và tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.
Đối với các chi nhánh NHCSXH các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, NHCSXH đã tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, chất lượng hoạt động tại các đơn vị đã có chuyển biến tích cực (chi nhánh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu từ đơn vị có chất lượng xếp loại yếu đã vươn lên xếp loại khá, tốt; chi nhánh Kiên Giang tiếp tục duy trì xếp loại khá).
Trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai mưa lũ tại các tỉnh thuộc khu vực miền Trung Tây Nguyên, tình trạng xâm ngập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, NHCSXH thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố kịp thời tổ chức phòng chống, khắc phục hậu quả; đồng thời, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như xử lý nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay khôi phục sản xuất sau mưa lũ.
Đến ngày 31/12/2020, dư nợ ủy thác đạt 225.084 tỷ đồng, chiếm 99,5% tổng dư nợ tại NHCSXH,tăng 19.219 tỷ đồng so với năm 2019, tỉ lệ tăng trưởng 9,3%, với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ thông qua 172.538 Tổ TK&VV. Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Nông dân chiếm 30,46%, Hội Liên hiệp Phụ nữ 38,63%, Hội Cựu Chiến binh 16,87%, Đoàn Thanh niên chiếm 14,04%. Cùng với NHCSXH, tổ chức CT-XH các cấp đã chú trọng, quan tâm đến việc chỉ đạo đôn đốc xử lý thu hồi nợ quá hạn.
Đặc biệt, các tổ chức CT-XH nhận ủy thác đã quan tâm, phối hợp với NHCSXH làm tốt hoạt động tiền gửi tổ viên thông qua Tổ TK&VV, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến tháng 31/12/2020, có trên 99,98% số Tổ TK&VV có số dư tiền gửi tiết kiệm của hơn 6,5 triệu tổ viên, với số dư 12.720 tỷ đồng, tăng 2.017 tỷ đồng (tương đương 18,85%) so với năm 2019.
Công tác củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV được quan tâm. Theo kết quả chấm điểm, đánh giá hoạt động Tổ TK&VV đến 31/12/2020: số tổ xếp loại tốt 147.186 tổ, chiếm tỷ lệ 85,31%; số tổ xếp loại khá 19.182 tổ, chiếm 11,12%; số tổ xếp loại trung bình 5.264 tổ, chiếm 3,05%; số tổ xếp loại yếu 902 tổ, chiếm 0,53%. Kết quả chấm điểm tổ cho thấy sau các đợt củng cố, số tổ trung bình và yếu kém đã giảm đáng kể, số tổ tốt tăng lên rõ rệt.
Tổ chức CT-XH các cấp, nhất là cấp xã đã phối hợp với NHCSXH kịp thời phát hiện, xử lý thu hồi các khoản nợ bị tham ô, chiếm dụng. Các vụ việc tham ô, chiếm dụng được tập trung xử lý và từng bước hạn chế. Trong năm 2020 không phát sinh vụ việc mới và đã xử lý 05 vụ việc, thu hồi được 342 triệu đồng (gốc 134 triệu đồng, lãi 58 triệu đồng, tiền gửi 150 triệu đồng).
Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với NHCSXH các cấp tập huấn cho hơn 1.300 cán bộ hội cấp cơ sở tại 12 tỉnh, thành phố. Trung ương Hội phối hợp với NHCSXH tổ chức tập huấn cho cán bộ hội cấp cơ sở, chi hội trưởng, Ban quản lý Tổ TK&VV tại 04 tỉnh Nghệ An, Nam Định, Hà Tĩnh, Ninh Bình.
Trung ương Hội thực hiện kiểm tra công tác ủy thác tại 13 tỉnh, thành Hội; đăng tải hơn 1.200 tin, bài, ảnh trên Cổng thông tin điện tử Trung ương Hội, phản ánh về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Hội Nông dân liên quan đến hoạt động ủy thác tại các địa phương, các gương vượt khó nhờ vay vốn của NHCSXH.
Hầu hết các ý kiến tham gia thảo luận và đóng góp tại Hội nghị của các tổ chức Hội, đoàn thể đều tập trung phân tích nhiệm vụ, vai trò của mỗi bên tham gia. Đồng thời, đại diện các tổ chức Hội, đoàn thể cũng đề xuất những giải pháp nhằm giúp cho hoạt động ủy thác đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện dịch vụ ủy thác của các tổ chức Hội, đoàn thể trong việc cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thời gian qua.
Năm 2021, NHCSXH và các tổ chức CT-XH sẽ điều chỉnh một số nội dung công việc ủy thác, trọng tâm là hoạt động kiểm tra, giám sát với phương châm phối hợp chặt chẽ với Trưởng thôn; xem xét tỷ lệ phí ủy thác giữa các cấp của tổ chức CT-XH theo hướng tăng tỷ lệ đối với cấp xã và có sự phân biệt giữa vùng khó khăn và vùng không khó khăn; xây dựng các phần mềm ứng dụng công nghệ trong việc quản lý, chia sẻdữ liệu, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các bên.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động ủy thác của cấp dưới, đặc biệt trong nhiệm vụ quản lý các Tổ TK&VV để kịp thời phát hiện, có giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc phát sinh.
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức CT-XH trên địa bàn.