|
Toàn cảnh buổi làm việc |
Đoàn Công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN làm Trưởng Đoàn vừa có buổi làm việc với Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) về tình hình, kết quả công tác PCTN trong chín tháng đầu năm 2020. Cùng chủ trì buổi làm việc với Đoàn có đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN.
Trong Báo cáo kết quả kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN năm 2020 tại Đảng đoàn Hội NDVN nêu rõ: Trong năm 2020, Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thực hiện pháp luật về PCTN; trong đó, trách nhiệm của Hội là tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia giám sát và phản biện xã hội. Trọng tâm là giám sát việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về những nội dung có liên quan trực tiếp đến nông dân, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Trong hệ thống Hội, Đảng đoàn đã chỉ đạo, lãnh đạo Ban Thường vụ Trung ương Hội chỉ đạo Ban Thường vụ Hội ND các cấp quán triệt, triển khai và thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN. Từ đầu năm đến nay, theo báo cáo của các tỉnh, thành Hội, công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực đều được các cấp Hội thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
Năm 2020, Hội NDVN đã có nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, hiệu quả thiết thực nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN tiếp tục được Đảng đoàn Hội NDVN quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy hiệu quả. Theo đó, Trung ương Hội đã phối hợp với các tỉnh, thành Hội tổ chức trên 40 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho trên 4.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân gắn với tăng cường phổ biến, quán triệt các văn bản về công tác PCTN, công tác giám sát, phản biện xã hội; Luật PCTN 2018 và các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2020.
Trong triển khai các chương trình, dự án của Trung ương Hội tại các địa phương, Thường trực, Ban Thường vụ Trung ương Hội đều họp bàn để thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến trước khi phê duyệt. Năm 2020, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã chỉ đạo xây dựng 18 mô hình để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách ở 6 Cụm thi đua công tác Hội và phong trào nông dân gồm: Sơn La, Yên Bái, Lai Châu (Cụm 1); Hưng Yên, Ninh Bình, Nghệ An (Cụm 2); Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hải Dương (Cụm 3); Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Ngãi (Cụm 4); Hậu Giang, An Giang, Cà Mau (Cụm 5); Ninh Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu (Cụm 6). |
Bên cạnh đó, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng cũng đã được triển khai thực hiện khá quyết liệt; trọng tâm là các biện pháp phòng ngừa như: Xây dựng và thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn trong cơ quan tổ chức, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức viên chức; công khai minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Đồng thời, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhất là trong công tác PCTN được thực hiện nghiêm, vừa tăng cường được vị trí, vai trò của người đứng đầu, vừa giúp nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng. Trong năm 2020, Trung ương Hội và các cấp Hội không có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, cấp phó của người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
|
Đồng chí Thào Xuân Sùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN phát biểu tại buổi làm việc |
Đáng chú ý, Đảng đoàn, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Hội NDVN đã thường xuyên quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ Hội vi phạm kỷ luật, trong đó có hành vi vi phạm về tham nhũng. Năm 2020, Ban Thường vụ Trung ương Hội thành lập 06 đoàn kiểm tra công tác Hội và phong trào nông dân tại 18 tỉnh thuộc 06 cụm thi đua do các đồng chí Thường trực Trung ương Hội làm Trưởng đoàn; 01 đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón tại các tỉnh Sơn La và Hòa Bình. Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội thành lập 03 đoàn kiểm tra tại 6 tỉnh, thành phố; 2 đoàn giám sát chuyên đề tại 2 tỉnh, thành phố.
Các cấp Hội ở địa phương cũng đã tổ chức 1.597 đoàn giám sát (do Hội ND cấp tỉnh, huyện chủ trì); tham gia 1.646 đoàn giám sát do Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Tài nguyên và Môi trường… chủ trì; nghiên cứu, xem xét các văn bản, báo cáo về thực trạng tình hình quản lý đất nông, lâm nghiệp của các cơ quan chức năng ở địa phương; tiếp thu phản ánh, kiến nghị của hội viên, nông dân. Qua giám sát, Hội ND tỉnh đã kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong quản lý việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; từ đó, đưa ra những giải pháp phù hợp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, góp phần bảo vệ lợi ích của hội viên, nông dân khi sử dụng vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp tổ chức 982 đoàn liên ngành giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp, trong đó tập trung giám sát các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Thời gian qua, nhìn chung công tác PCTN trong cả nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, rõ nét thông qua việc tập trung chỉ đạo công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, công tác cán bộ; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và các giải pháp phòng ngừa được chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục liên tục được đổi mới và tăng cường; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân và báo chí trong PCTN ngày càng phát huy tốt hơn. Công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực được nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng quan tâm, chỉ đạo và đã trở thành phong trào, xu thế; được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao cũng như được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”…
Ghi nhận những kết quả đạt được trong việc triển khai công tác PCTN của Hội NDVN, đồng chí Trần Thanh Mẫn đánh giá, Thường trực, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tích cực chỉ đạo các Ban, đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm trong hoạt động quản lý, điều hành gắn với việc thực hiện Quy chế dân chủ; chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
Hội NDVN đã có nhiều hoạt động, việc làm cụ thể, hiệu quả thiết thực nhằm phòng ngừa tham nhũng, lãng phí thông qua việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật; các quy định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị định 47 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Hội cũng quan tâm phối hợp, tăng cường việc thực hiện Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân. Đặc biệt, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm; thực hiện nghiêm quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công; quy chế sử dụng Quỹ phúc lợi cơ quan; các quy định về bình xét, xếp loại mức lao động và chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bảo đảm tính dân chủ, công bằng, minh bạch và đúng quy định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh những kết quả quan trọng, toàn diện của các cấp, các ngành đã đạt được, đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng vấn đề tham nhũng, lãng phí ở nước ta vẫn còn diễn ra với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành… Do đó, đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như gây bức xúc trong dư luận.
Vì vậy, “Thời gian tới, đề nghị Đảng đoàn Hội NDVN cần thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, thanh tra và tự kiểm tra, giám sát; nhất là tại các đơn vị, địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Cần quan tâm thực hành tiết kiệm, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng nếu có, nhưng phải chú ý phát huy tốt các nhân tố tích cực trong đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, lợi dụng đấu tranh chống tham nhũng để bôi nhọ, phá hoại Đảng, Nhà nước, nhất là vào thời điểm chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. PCTN phải được tiến hành ở tất cả các cấp Hội, thực hiện đồng bộ các biện pháp theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.”- Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chỉ đạo.
Về những kiến nghị, đề xuất của Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Sau buổi làm việc, Đoàn công tác sẽ tổng hợp đầy đủ nội dung, ý kiến góp ý đã được các đại biểu trao đổi, đề xuất cụ thể; đối với những khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật sẽ được tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết.