Ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã và đang giúp xuất khẩu thủy sản đạt được nhiều kết quả khả quan.
|
XK thủy sản cả năm 2020 dự báo sẽ đạt khoảng 8,45 tỷ USD |
Vượt khó do đại dịch, xuất khẩu thủy sản dần tăng trưởng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước từ tháng 9/2020 bắt đầu hồi phục với mức tăng trên 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi sụt giảm liên tục từ đầu năm do tác động của dịch Covid 19. Xuất khẩu trong tháng 10 tiếp tục đà tăng trưởng trên 10% với khoảng 923 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm lên gần 7 tỷ USD, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 10, XK tôm tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ những tháng trước với mức tăng trên 21%, đạt gần 419 triệu USD, đưa tổng XK 10 tháng lên 3,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Tôm chân trắng đông lạnh được gia tăng XK sang các thị trường Mỹ, EU phục vụ cho kênh bán lẻ.
Với cá tra, Sau khi sụt giảm liên tục qua các tháng với mức giảm 28-31% so với cùng kỳ, từ tháng 9, XK cá tra đã khả quan hơn với doanh số cao hơn so với tháng trước đó và mức sụt giảm so với cùng kỳ cũng thấp dần xuống: tháng 9 giảm 17%, sang tháng 10 giảm 3% so với cùng kỳ đạt gần 175 triệu USD. Giá XK cá tra có xu hướng tốt hơn trong vài tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tác động tích cực đến kết quả XK cá tra trong những tháng tới. Lũy kế đến hết tháng 10, XK cá tra đạt trên 1,2 tỷ USD, vẫn giảm gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 10, XK hải sản đạt gần 330 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó chỉ có cá ngừ vẫn giảm 5,4% còn các mặt hàng khác vẫn tăng: mực, bạch tuộc tăng 15%, cua ghẹ tăng 24% và nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 10%. Tổng XK hải sản tính đến cuối tháng 10/2020 đạt 2,62 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tận dụng hiệu quả EVFTA
Cũng theo phân tích của VASEP, ngành XK đang dần thích nghi với bối cảnh dịch Covid-19 và biến thách thức thành cơ hội khi nhu cầu thủy sản nói chung giảm nhưng lại tăng nhu cầu với một số phân khúc sản phẩm như tôm chân trắng đông lạnh, cá khô, mực khô, thủy sản chế biến sẵn, cá hộp… Bên cạnh đó, cú huých từ hiệp định EVFTA (hiệu lực từ ngày 1/8/2020) đã tác động tích cực đến kết quả XK thủy sản trong 3 tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tác động tăng XK trong 3 tháng cuối năm.
Cụ thể, sau khi giảm trong những tháng trước đó, XK mặt hàng chủ lực tôm sang EU bắt đầu tăng trưởng tốt trong quý III năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8 năm nay. Theo đó, từ tháng 9/2020, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 57,6 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên thị trường EU, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Ngành du lịch cũng bắt đầu khởi động. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm. EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt và đây sẽ là thị trường được nhiều DN tập trung XK trong những tháng cuối năm. XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng.
Cùng với tôm, mặt hàng cá tra cũng đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc sau khi EVFTA có hiệu lực. Thị trường tiêu thụ cá tra dần được phục hồi kể từ tháng 9 đến nay, bởi 8 tháng của năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt hơn 849 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2019 thì đến giữa tháng 9/2020 đến nay, các thị trường nhập khẩu đã tăng mạnh lượng nhập để phục vụ dịp Giáng sinh và tết Dương lịch sắp đến. Thị trường tiêu thụ cá tra những tháng gần đây phục hồi đã mở ra triển vọng rất lớn cho ngành hàng này.
Được coi là một trong những mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực, qua hai tháng thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản đã tăng trưởng khả quan. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, số lượng đơn hàng đối với mặt hàng tôm đã tăng lên từ 10-15% so với cùng kỳ và hy vọng từ nay đến cuối năm, nhu cầu sẽ tăng cao so với năm trước.
Đáng chú ý, hiệu quả của hiệp định này được dự kiến kéo dài khi hiện, các nhà nhập khẩu đã quan tâm đến những mặt hàng có lộ trình giảm từ thuế từ 3 đến 5 năm để khởi động, xây dựng các chiến lược về vấn đề thâm nhập thị trường trong dài hạn sau khi hết lộ trình giảm thuế. Các doanh nghiệp (DN) cũng đã quan tâm tối đa đến các vấn đề chứng nhận quốc tế để đáp ứng tiêu chuẩn của EU nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội của Hiệp định này trong thời gian sắp tới.
Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản, còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Do đó, dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào EU vẫn rất lớn. Các DN Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34kg so với mức trung bình của thế giới. Với xu hướng tăng trưởng được duy trì khá ổn định, dự báo XK thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,45 tỷ USD. Dù gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, song con số này chỉ giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.