Cà Mau: Nông dân rủ nhau trồng thứ lúa hữu cơ và nuôi tôm càng xanh, gạo lắm người mua, tôm còn bán đắt hơn
09:00 - 18/11/2020
Đưa sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở quê mình thành sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tiến đến đột phá trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập là mục tiêu mà xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) hướng đến qua sản phẩm gạo sạch hữu cơ được đăng ký sản phẩm OCOP năm 2020. 

Xã Trí Lực hiện có 2 hợp tác xã (HTX) lúa - tôm hữu cơ, đó là HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực và HTX Dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản Đoàn Phát. HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực có 11 thành viên, với diện tích gần 750 ha sản xuất lúa - tôm an toàn. 

Xã viên sản xuất theo quy trình sạch để đảm bảo cho tôm phát triển tốt và lúa phát triển song song mà không sử dụng hoá chất, phân bón hoá học để tạo nguồn gạo sạch, chất lượng, đạt tiêu chuẩn.

Các thành viên HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực chuẩn bị gạo hữu cơ bán ra thị trường

Xã Trí Lực có hơn 24.000 ha sản xuất lúa ST24 cho năng suất từ 4,2 tấn/ha trở lên, với giá lúa thu tại ruộng từ 7.000-8.000 đồng, tuỳ theo sản xuất đạt các chỉ tiêu chất lượng hữu cơ, đem về thu nhập cho người dân từ các sản phẩm lúa và tôm càng xanh hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để xã Trí Lực đạt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 50 triệu đồng vào năm 2020.

Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực Lê Văn Mưa chia sẻ: “Bà con thấy được hiệu quả khi vào HTX, mỗi ký lúa bán ra thị trường với giá cao gần gấp đôi so với lúa những vùng chuyên canh lúa; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu hữu cơ nên con tôm cũng phát triển tốt và bền vững. Vì thế, bà con gắn bó với mô hình này lắm”.

Vụ mùa năm 2019-2020 vừa qua, sau khi bán lúa cho công ty, các thành viên HTX Dịch vụ lúa - tôm Trí Lực giữ lại 17 tấn, chà gạo, đóng gói, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Trí Lực và chào hàng ở nhiều nơi với giá bán từ 27.000-30.000 đồng/kg. 

Tính đến nay, HTX đã bán được hơn 5 tấn gạo, khách hàng rất ưa chuộng, góp phần nâng cao danh tiếng cho sản phẩm đặc sản của địa phương. Đây cũng là tiền đề để thương hiệu gạo sạch hữu cơ Trí Lực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực Hà Minh Sữa phấn khởi: “Trên địa bàn xã có 2 HTX lúa - tôm hữu cơ. Đây là 2 HTX tham gia vào OCOP. Hiện tại, địa phương có vùng sản xuất lớn và đa phần người dân phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn nên việc mở rộng diện tích không khó. 

Các HTX này cũng đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đại diện sản phẩm chủ lực cho xã tham gia chương trình OCOP”.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Đoàn Phát có 18 thành viên, với 70 ha sản xuất theo quy trình lúa sạch hữu cơ, đem lại thu nhập ổn định cho bà con với giá lúa bao tiêu đầu ra hơn 7.200 đồng/kg. Đây là tiền đề để các sản phẩm lúa sạch vươn tầm ra thị trường sản phẩm chủ lực OCOP. 

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Đoàn Phát Huỳnh Minh Triều cho biết: “Địa phương trước giờ sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản phẩm mình làm ra thì để ăn trong nhà và cho bà con họ hàng ăn, thấy chất lượng tốt do không dùng phân, thuốc hoá học. 

Nay có chương trình OCOP nên tôi muốn tham gia để quảng bá sản phẩm cho nhiều người biết. Đồng thời, tạo được đầu ra cho nông sản để từ đó người nông dân gắn bó với phương thức sản xuất này hơn”.

Việc nông dân xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đang hướng đến sản xuất gắn với chế biến và nhu cầu thị trường, chú trọng sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
 

Sản phẩm hàng hoá như gạo hữu cơ, tôm càng xanh phải đạt tiêu chuẩn đã tạo bước khởi đầu rất tốt cho các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương vươn xa hơn. Từ đó, góp phần hạn chế dần và tiến tới xoá bỏ quan niệm, thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không theo kế hoạch cụ thể, góp phần đưa sản phẩm gạo sạch Trí Lực vươn tầm khu vực.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng