Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam thăm nông dân trồng cà phê, hồ tiêu bán giá cao ở Đắk Lắk
Ngày 17/11, Đại sứ toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông Ivo Sieber đã có chuyến thăm huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) và nông dân trồng cà phê, hồ tiêu bán giá cao trong vùng.
Chuyến thăm của Đại sứ toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam đến tỉnh Đắk Lắk do Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) đã tổ chức. Đi cùng ngài đại sứ còn có đại diện của Phái đoàn Liên minh Châu tại Việt Nam và lãnh đạo một số ban ngành tại địa phương cũng như đại diện IDH.
Trong chuyến thăm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber và đoàn công tác đã gặp và trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Krông Năng về sự phối hợp của chính quyền địa phương với IDH và khu vực tư nhân trong việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị bền vững thông qua nền tảng SourceUp.
Huyện Krông Năng là địa bàn thực hiện thí điểm chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn và an sinh xã hội (SourceUp Compact) và hiện đang trên tiến trình đạt được chứng nhận ở cấp độ toàn cầu để trở thành một vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận.
|
Đại sứ toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông Ivo Sieber thăm nông dân xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk |
Thông qua cơ chế hợp tác công tư, từ đầu năm 2019, huyện Krông Năng đã phối hợp IDH khởi động tiến trình thí điểm để trở thành Vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận (VSA) trên diện tích 5.200ha ở 3 xã, gồm Ea Tân, Ea Toh, và Đlie Ya.
Theo IDH, ngoài Krông Năng vùng thí điểm còn có khoảng hơn 13.000 ha tại huyện Di Linh và Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng. Kế hoạch đến năm 2025, IDH sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác ở khu vực Tây Nguyên nhằm đưa tổng diện tích vùng lên khoảng 76.000 ha (tương đương khoảng 10% tổng diện tích đất sản xuất cà phê và hồ tiêu của khu vực Tây Nguyên).
Trong tiến trình này, huyện Krông Năng và IDH đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ JDE và SIMEXCO. Trong đó, JDE và SIMEXCO vốn là những đối tác đã cùng hợp tác hỗ trợ IDH phát triển sản xuất và thương mại bền vững ở Việt Nam từ những năm 2013.
Sau hai năm triển khai thực hiện (2019- 2020), tiến trình thí điểm xây dựng VSA đã tạo ra được những tác động rất cụ thể trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, đời sống của người nông dân ở địa phương. Ở góc độ sản xuất và bảo vệ môi trường, thí điểm đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng và giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê.
Việc áp dụng các biện pháp thực hành canh tác bền vững đã góp phần làm giảm 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 được phát thải ra môi trường. Thu nhập của người nông dân trong vùng thí điểm tăng thêm 30% thông qua trồng xen và đa dạng hóa cây trồng. 100% lượng cà phê được sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.
Ngoài sự hỗ trợ từ JDE, SIMEXCO, tiến trình thí điểm xây dựng VSA nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Hà Lan, Thụy Sĩ và Đan Mạch; Nguồn vốn đầu tư từ khu vực công và tư, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đặc biệt là từ Jacobs Douwe Egberts (JDE).
Ngoài ra, tiến trình được sự cam kết và triển khai thực hiện thí điểm có hiệu quả của các cấp chính quyền địa phương huyện Krông Năng, Simexco, các hợp tác xã và người nông dân.
Sau cuộc làm việc tại UBND huyện Krông Năng, ngài đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam cũng dành thời gian đi thăm ba mô hình thí điểm ở xã Ea Tân của huyện Krông Năng, gồm mô hình vùng tiểu cảnh quan bền vững (mini-landscape); mô hình chế biến cà-phê đặc sản và mô hình bảo tồn tài nguyên nước và hồ cộng đồng.
Tại đây, Đại sứ đã gặp gỡ và trao đổi với nông dân về tiến độ thực hiện các mô hình và các tác động đến đời sống của người nông dân cũng như đối với môi trường so với thời điểm trước khi tham gia mô hình.
Trao đổi với ngài Đại sứ, nông dân tham gia vào mô hình thí điểm cho biết họ rất vui mừng trước những đổi thay trong đời sống. Người dân mong các tổ chức, chính quyền tiếp tục hỗ trợ nông dân cải tạo môi trường, phát triển sản xuất nâng cao đời sống...
Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) có nhiệm vụ kết nối cơ quan quản lý công, đối tác tư và các tổ chức tài chính để cùng hướng đến mục tiêu kết hợp và hài hòa hóa các mối quan tâm của cả khu vực công và tư.
IDH cũng thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, người nông dân và chính quyền địa phương để tạo nên những thay đổi bền vững trong sản xuất và thương mại. Để đạt được mục tiêu đó, IDH đã phát triển được một mạng lưới với hơn 600 đối tác công và tư hàng đầu trên thế giới.
Và mạng lưới này hiện đã mở rộng hoạt động ra hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới với trọng tâm là các chương trình cảnh quan bền vững tạo nền tảng cho việc phát triển Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn (VSA).
Hiện tại, IDH đang triển khai 23 chương trình cảnh quan bền vững ở các nước. Trong đó, được triển khai từ năm 2013 đến nay, Việt Nam hiện đang là nước đi đầu trong tiến trình, đã chuyển giai đoạn nhân rộng trên quy mô lớn hướng đến mục tiêu xây dựng VSA ở khu vực Tây Nguyên.
|