Phó Chủ tịch Hội NDVN Đinh Khắc Đính làm việc với Hội ND huyện Ba Vì:
Xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp để phát huy lợi thế vùng
14:02 - 23/03/2021
Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Khắc Đính- Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN), Trưởng Đoàn công tác của Trung ương Hội tại buổi làm việc với Hội ND huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội diễn ra vào ngày 22/3.


Toàn cảnh buổi làm việc
 

Tham dự hội nghị có đồng chí Phùng Tân Nhị- Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Phạm Hải Hoa- Chủ tịch Hội ND thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo một số ban ngành của huyện, lãnh đạo Hội ND huyện và Chủ tịch Hội ND 07 xã miền núi trên địa bàn.

 
Theo đó, Đoàn công tác đã nghe báo cáo kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 5/8/2019 của Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân (Hội ND) nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp và xây dựng mô hình giảm nghèo của huyện Ba Vì, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; Đề án “Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng chi Hội ND nghề nghiệp, tổ Hội ND nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, định hướng tới năm 2030”. Đồng thời, lắng nghe, ghi nhận và giải đáp một số ý kiến đề xuất của các cấp Hội ở cơ sở.

 
Tại buổi làm việc, báo cáo của Hội ND huyện đã nhìn nhận, đánh giá khách quan về những kết quả đạt được trong việc triển khai hoạt động công tác Hội và các phong trào thi đua của hội viên, nông dân trên địa bàn. Cụ thể: Thời gian qua, hội viên, nông dân 7 xã miền núi của huyện luôn được các cấp chính quyền và Hội cấp trên quan tâm, tạo mọi điều kiện giúp tiếp cận với các nguồn vốn vay để kịp thời đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Đến hết tháng 02/2021, tổng nguồn vốn Quỹ HTND do Hội ND huyện quản lí đạt trên 48,1 tỷ đồng; riêng đối với 7 xã miền núi cũng đang quản lý nguồn vốn vay hơn 11 tỷ đồng cho 535 hội viên vay (chiếm 23,16%). Trong đó, có 263 hội viên là người dân tộc thiểu số đang được vay hơn 5,9 tỷ đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh.
 

Đáng chú ý, đối với hội viên, nông dân tham gia trong các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp được các cấp Hội quan tâm và tạo mọi điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn vay, khuyến khích bà con tham gia chuỗi liên kết cùng phát triển sản xuất nhằm giúp gia tăng cả về giá trị sản phẩm nông sản và lợi nhuận. Hiện, toàn huyện có 507 hội viên đang sinh hoạt tại 66 chi, tổ Hội ND được giải ngân vay hơn 11 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND. Riêng 7 xã miền núi có 188 hội viên thuộc 23 chi, tổ Hội ND được hỗ trợ vay trên 4,1 tỷ đồng (chiếm 37,7%); trong đó, 100 hội viên là người dân tộc thiểu số được vay hơn 1,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng thường xuyên duy trì hoạt động ủy thác với các ngân hàng trên địa bàn nhằm đa dạng hóa các kênh vay vốn để hỗ trợ hội viên, nông dân vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, tổng dư nợ với ngân hàng NN&PTNT huyện đạt 299.660 triệu đồng cho 4.234 hội viên vay thông qua 96 Tổ Vay vốn do Hội quản lí (riêng 7 xã miền núi đang cho 289 hội viên vay 30.312 triệu đồng; có 86 hội viên là người dân tộc thiểu số được vay 8.540 triệu đồng).

 
Đối với hoạt động ủy thác vay vốn giữa Hội với ngân hàng CSXH, tổng dư nợ của toàn huyện hiện nay là 232.126 triệu đồng cho 5.562 hộ hội viên, nông dân vay tại 153 Tổ TK&VV. Trong đó, 7 xã miền núi quản lí 55 Tổ TK&VV với dư nợ 81.276 triệu đồng cho 2.084 hộ hội viên vay (chiếm 35,01% dư nợ toàn huyện); có 168 hộ hội viên là người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện vay 8.400 triệu đồng.

 
Thông qua các nguồn vốn vay đã giúp hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo. Tại các địa phương trong huyện ngày càng xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như: Tổ Hội chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài với quy mô đạt trên 12.000 con bò; tổ Hội sản xuất chè búp khô ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài với tổng diện tích trồng trên 1.800 ha chè, giúp giữ vững và phát triển thương hiệu “Chè Ba Vì”; tổ Hội sản xuất chè sạch với diện tích 40 ha (xã Ba Trại); mô hình sản xuất miến dong ở các thôn Minh Hồng (xã Minh Quang), Ninh (xã Khánh Thượng), Hợp Nhất (xã Ba Vì); tổ Hội sản xuất thuốc Nam ở xã Ba Vì…

 
Hàng năm, các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đồng thời còn giải quyết việc làm cho từ 350 - 500 lao động. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 13,7% (tương đương 2.458 hộ nghèo vào cuối năm 2015), xuống còn 1,1% (còn 207 hộ nghèo tại thời điểm cuối năm 2020). Thu nhập bình quân đầu người các xã vùng núi vào cuối năm 2020 đã đạt mức 40 triệu đồng/người/năm, mỗi năm tăng thêm bình quân trên 2 triệu đồng/người…

 
Nhờ đó, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN (khóa VII) thời gian qua trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết năm 2020, huyện đã thành lập 02 chi Hội ND nghề nghiệp với 39 hội viên tham gia và 74 tổ Hội ND nghề nghiệp với 977 hội viên tham gia.
 

 

Toàn huyện hiện có 7 xã miền núi với dân số 77.489 người/18.546 hộ. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 20.898 người/7.833 hộ (chiếm 37,1% dân số vùng dân tộc). Tại địa bàn 7 xã miền núi đang có 9.089 hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt; trong đó, 3.756 hội viên, nông dân là người dân tộc (chiếm 41%).

Đặc biệt, trên cơ sở các tổ Hội ND nghề nghiệp đã thành lập, các cấp Hội tiếp tục hướng dẫn, xây dựng và phát triển lên thành 74 Tổ hợp tác (gắn với 74 chi, tổ Hội ND nghề nghiệp). Riêng 7 xã miền núi (vùng dân tộc thiểu số) cũng đã thành lập chi Hội ND nghề nghiệp sản xuất miến dong tại địa bàn thôn Minh Hồng- xã Minh Quang với 19 hội viên tham gia; thành lập 22 tổ Hội với 358 hội viên tham gia (có 132 hội viên là người dân tộc thiểu số).

 
Tại hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với những kết quả đạt được cùng những tồn tại cần khắc phục mà báo cáo chung đã chỉ rõ. Đồng thời, đa số các ý kiến đóng góp của đại diện Hội ND các xã miền núi cũng đều tập trung đề xuất và mong muốn thời gian tới các cấp Hội tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao về trình độ kỹ thuật công nghệ trong sản xuất; tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn vay; hướng dẫn xây dựng chuỗi kết nối cung- cầu để tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho bà con. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất Hội cấp trên có hướng chỉ đạo để giúp cơ sở đầu tư xây dựng, phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng nhằm phát huy tối đa những lợi thế và đặc sắc văn hóa của các vùng dân tộc trên địa bàn.

 
Theo Chủ tịch Hội ND thành phố Hà Nội, Phạm Hải Hoa cho biết: Những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND thành phố đã tập trung chỉ đạo các huyện Hội có đồng bào dân tộc cùng sinh sống tích cực phối hợp với chính quyền, các ban, ngành đoàn thể tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân. Đồng thời, Hội cũng chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; coi trọng việc kết hợp giữa vận động, thuyết phục với quan tâm đến những yêu cầu chính đáng của hội viên, nông dân trên địa bàn. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do các cấp Hội phát động; quan tâm xây dựng đội ngũ cốt cán, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số…

 
Đến nay, toàn thành phố đang có 71 chi Hội ND nghề nghiệp với 1.436 thành viên và 1.325 tổ Hội ND nghề nghiệp với 17.142 thành viên tham gia. Nhìn chung, hội viên, nông dân trên địa bàn đều đang tham gia hoạt động trên các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nghề mộc, thủ công mỹ nghệ... Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04, Hội ND thành phố đã thành lập mới 49 chi Hội ND nghề nghiệp với 1.325 thành viên, 835 tổ Hội ND nghề nghiệp với 10.481 thành viên; trong đó, đã thành lập 1 chi Hội ND nghề nghiệp với 25 thành viên và 20 tổ Hội ND nghề nghiệp với 308 thành viên tham gia là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các cấp Hội cũng đã thành lập 439 Tổ hợp tác…

 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính cảm ơn và đề nghị các cấp ủy, chính quyền của huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội ND huyện đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 04 đạt kết quả tốt. Đồng thời, ghi nhận và bày tỏ sự vui mừng trước kết quả cùng những con số ấn tượng của Hội ND huyện nói riêng và Hội ND thành phố nói chung đã đạt được trong những năm qua.

 
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp mới, Hội ND huyện cũng cần rà soát lại để nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp đã thành lập. Đặc biệt, cần tập trung vào một số sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương như: Gà đồi Ba Vì, miến dong Minh Hồng, thuốc Nam… qua đó nhằm góp phần phát triển mạnh các loại hình nông nghiệp chủ lực theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa, giúp mang lại giá trị và lợi nhuận cao.

 
Đối với những kiến nghị của Hội ND 7 xã miền núi, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính yêu cầu Hội ND huyện cần tổng hợp lại đầy đủ và đề xuất với Hội ND thành phố Hà Nội phối hợp với các sở, ngành tăng cường tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân trên địa bàn. Hội ND huyện cũng lưu ý để trong năm 2021 phấn đấu xây dựng 01 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đạt kết quả. Các cấp Hội sẽ cùng đồng hành với Hội ND huyện trên một số lĩnh vực cụ thể, thông qua các hoạt động và phong trào của Hội.

 
“Trước mắt, Hội ND các xã cần gắn việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp để xây dựng những nhiệm vụ triển khai của cấp mình; lựa chọn ra mô hình cụ thể nhằm thực hiện có kết quả, lập thành tích chào mừng cuộc Bầu cử đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội; Hội ND huyện tăng cường sự phối hợp với các Phòng liên quan của huyện để có giải pháp thiết thực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn 7 xã miền núi của huyện. Cần xác định Nghị quyết số 04 của Ban chấp hành Trung ương Hội NDVN (khóa VII) là chương trình xương sống, cốt lõi để tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua của Hội bằng những việc làm cụ thể, thiết thực (nhất là ở các xã có đồng bào dân tộc); trọng tâm là nhân rộng những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ các mô hình chi, tổ Hội ND nghề nghiệp…”- Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính nhấn mạnh.


Trong buổi chiều cùng ngày, 
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Đinh Khắc Đính cùng Đoàn công tác của Trung ương Hội đã đi tham quan, trao đổi tại một số mô hình chi, tổ Hội ND nghề nghiệp đạt hiệu quả trên địa bàn huyện Ba Vì.


Một số hình ảnh của Đoàn công tác:
 


Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Đinh Khắc Đính cùng các đại biểu đi tham quan, trao đổi tại mô hình trồng chè VietGAP địa bàn xã Ba Trại- huyện Ba Vì


Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính trao đổi với thành viên tổ Hội sản xuất thuốc Nam của người Dao ở địa bàn thôn Yên Sơn- xã Ba Vì- huyện Ba Vì


Địa bàn xã Ba Vì có 98% dân số là người dân tộc Dao, vốn nổi tiếng với nghề sản xuất thuốc Nam, trong đó có nhiều loài dược liệu quý và đặc hữu

Một khâu trong quá trình sản xuất ra loại thuốc cao chữa bệnh xương khớp và bồi bổ sức khỏe của người Dao- xã Ba Vì, với hơn 70 vị thuốc quý dân gian

Thanh Phương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng