ĐBSCL: Nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt
16:29 - 19/03/2021
Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng tài nguyên nước ở ĐBSCL tăng cao khiến việc khai thác nguồn nước ngầm ngày một lớn, cùng với những tác động từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng… khiến nguồn nước ngầm tại đây ngày càng cạn kiệt.

Tại hội thảo "Bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn nước dưới đất khu vực Nam sông Hậu” tổ chức mới đây tại Sóc Trăng, nhiều công ty cấp nước ở ĐBSCL bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng trữ lượng khai thác và chất lượng nguồn nước ngầm đang bị suy giảm nghiêm trọng.
 

Theo ông Nguyễn Thanh Bình (đại diện Công ty CP Cấp nước Cà Mau), công ty có 63 giếng nước, độ sâu từ 180 - 240m. Năm ngoái đã ghi nhận có sự sụt giảm về trữ lượng cũng như biến động lớn về chất lượng nước. Riêng tại TP Cà Mau, chiều sâu mực nước động khi bơm giếng khoan đang ở mức 32 - 35m, rất tiệm cận với mức cho phép của Bộ TN&MT (gần 36m).
 

Ông Bùi Trọng Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang cho biết, công ty hiện có trên 20 giếng khoan đang khai thác, ở độ sâu từ 160 - 350m, nhưng hiện nay chúng tôi đang đối diện với tình trạng suy giảm trữ lượng, cũng như chất lượng nguồn nước rất lớn. Cụ thể, tại 4 giếng khoan ở TP Vị Thanh, sau thời gian khai thác khoảng nửa năm thì xảy ra tình trạng nguồn nước nhiễm mặn và vượt qua tiêu chuẩn cho phép.
 

Ông Âu Văn Tâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang (Kiwaco) chia sẻ, đơn vị có khai thác nước ngầm tại khu vực Bán đảo Cà Mau, giếng hiện đang được khoan ở độ sâu khoảng 80 - 110m, trữ lượng khai thác trung bình 50m3/giờ. Tuy nhiên, hiện nay độ mặn và hàm lượng sắt trong nước ngầm tăng, khiến chất lượng nguồn nước trên địa bàn bị sa sút.
 

Đại diện Công ty CP Cấp nước Sóc Trăng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhiều giếng khoan phục vụ dân sinh, sản xuất... khi không còn sử dụng lại không được xử lý, trám lấp đúng quy định cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng…
 

Theo Tiến sĩ Anke Steinel (chuyên gia địa chất, thủy văn, thuộc Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức), nhu cầu về tài nguyên nước không ngừng tăng cao kéo theo việc khai thác càng lớn, cộng với những tác động to lớn từ nước biển dâng, biến đổi khí hậu đã khiến nguồn nước ngầm tại ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều thách thức. Tình trạng suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng nước, sụp lún mặt đất… đang là những vấn đề cấp bách, sống còn đối với công tác bảo vệ, quản lý, khai thác nước ngầm tại đây.

 Trữ lượng khai thác và chất lượng nguồn nước ngầm đang bị suy giảm nghiêm trọng, (Ảnh: Tuấn Quang)


Có thể điểm qua các vấn đề đối với nước ngầm tại ĐBSCL như: Tình trạng suy giảm mực nước ngầm, sụp lún mặt đất, chất lượng nguồn nước ngầm... Do đó, công tác bảo vệ, quản lý, khai thác nước ngầm đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, sống còn.
 

Có thể nói, an ninh nguồn nước luôn là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa sống còn với vùng đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ cao về xung đột nguồn nước giữa các quốc gia nằm hai bên lưu vực sông Mê Kông. Chính vì vậy từ nhiều năm nay, các cấp chính quyền cùng các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phi chính phủ… nghiên cứu và thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước cho phát triển bền vững toàn vùng, tránh xung đột.
 

Về lâu dài, cần có chiến lược bền vững, xây dựng các điểm chứa nước để đảm bảo đủ lượng nước cho sinh hoạt và phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Còn trước mắt, cần kêu gọi các quốc gia thượng nguồn chia sẻ công bằng nước sông Mê Kông; khắc phục những tồn tại trong vấn đề bảo vệ môi trường để bảo vệ và khắc phục tình trạng suy thoái chất lượng nước. ĐBSCL cần xác định, chiến dịch đảm bảo an ninh nguồn nước là chiến dịch toàn diện và lâu dài, cần sự vào cuộc của tổng thể các tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế và mọi lĩnh vực xã hội.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng