Từng trượt cơ hội thực tập tại Đại sứ quán và bị từ chối học bổng, nữ sinh Kinh tế quyết tâm nộp lại và đỗ liền 2 suất trao đổi toàn phần danh giá.Kiều Minh Huyền (SN 2000, Hà Nội) đang theo học năm thứ 4, ngành Marketing tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Khi là sinh viên năm thứ 3, Huyền đã trở thành thực tập sinh tại phòng Thông tin và Văn hóa của Đại sứ quán Mỹ. Còn mới đây, cô nàng đã nhận tin đỗ học bổng UGRAD của Chính phủ Mỹ và SEED (Canada) trong cùng 1 buổi sáng.
Trượt “toàn tập” từ năm thứ Nhất
Ngay từ khi bước vào cánh cửa đại học, với thành tích nổi trội từ thời THPT và từng chiến thắng một số cuộc thi quốc tế để đến Singapore và Colombia, Huyền quyết định 'apply' học bổng trao đổi UGRAD.
“Thông tin về UGRAD rất nhỏ giọt và em phải lục tung tất cả các bài viết của các anh chị đi trước và các trang mạng, nằm vùng tại các group săn học bổng và tham dự các buổi chia sẻ về kinh nghiệm” - Huyền nhớ lại.
May mắn, Huyền biến đến buổi chia sẻ về học bổng UGRAD được tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội. Tại đó, nữ sinh mạnh dạn đặt câu hỏi, thâm chí, mang cả bài luận đến để nhờ chữa.
“Em là sinh viên năm nhất nên hãy tạm gác đến 1-2 năm nữa vì chưa đủ vững”.
Nhận lời khuyên này từ một số diễn giả, Huyền càng quyết tâm chuẩn bị hồ sơ để chứng minh thực lực của mình. “Em nghĩ mình chắc chắn sẽ đỗ vì 2 bài luận của em được 1 cô giáo nước ngoài chữa hộ”- Huyền nói.
Tuy nhiên, cuối cùng, Huyền vẫn thất bại.
Tạm gác lại mục tiêu giành học bổng, Huyền quyết định thử nộp đơn thực tập tại Đại sứ quán Mỹ. Thời gian apply cho vị trí này kéo dài hơn nửa năm và Huyền đã vượt qua các bài thi yêu cầu. “Với kiến thức của mình, em tự tin rằng mình sẽ đỗ vì đã vượt qua quá nhiều bài kiểm tra. Em đến phỏng vấn với tâm thế thoải mái, vui chơi” - Huyền nhớ lại.
Thế nhưng, Huyền lại trượt phỏng vấn vòng cuối.
Sang năm thứ 2, nữ sinh quyết định chuyển hướng sang apply học bổng SEED của Chính phủ Canada. Lần này, mặc dù Huyền đã chuẩn bị kỹ và trúng tuyển, học bổng lại bị hủy vì dịch bệnh.
Phải 'gan lì' và chấp nhận rủi ro
Dù liên tiếp không chinh phục được các mục tiêu đã đề ra, Huyền vẫn không bỏ cuộc.
Lần thứ 2 ứng tuyển vào vị trí thực tập sinh ở Đại sứ quán Mỹ, Huyền hàng ngày luyện tập tiếng Anh đều đặn và dày công chuẩn bị câu trả lời cho các tình huống dự kiến.
“Do em từng tham gia trước đó nên em có thể dự đoán những câu hỏi sẽ ra. Nhiều hôm, em và bạn học đã cùng nhau tập phỏng vấn cho đến đêm và viết ra câu trả lời” - Huyền nhớ lại.
Lần này, Huyền đã đỗ và được phân công làm việc ở Phòng Thông tin và Văn hóa với nhiều hoạt động như: hỗ trợ phỏng vấn học bổng Fulbright, kỷ niệm sinh nhật YSEALI, hướng dẫn người đến thư viện…
UGRAD là mục tiêu tiếp theo của Huyền. “Em chuẩn bị hồ sơ ngay từ khi học bổng còn chưa mở vì dịch Covid-19”.“Nhìn thấy các anh chị trong Đại sứ quán nói trước đám đông, thuyết trình bằng tiếng Anh rất tự tin, em luôn cố gắng học hỏi để có thể trở nên giỏi như vậy” - Huyền nói. Nhờ chăm chỉ, Huyền nâng mức điểm IELTS của mình từ 6.5 lên 7.0 và tiếp tục hành trình chinh phục học bổng.
Để không bỏ lỡ thông tin, Huyền đọc rất kĩ các bài đăng ít nhất 3-5 lần trên các fanpage và hỏi kinh nghiệm các anh chị đi trước. Ngoài ra, trong quá trình viết luận, Huyền tự nhận xét rằng đã hiểu rõ chính bản thân mình hơn so với thời điểm nộp học bổng 2 năm trước.
Huyền cũng nói thêm thời gian làm việc tại Đại sứ quán đã trang bị cho mình nhiều kinh nghiệm về học bổng. Vì vậy, Huyền đã đậu đến vòng phỏng vấn.
Lần này, Huyền đã chuẩn bị 4 buổi phỏng vấn thử và viết kịch bản cho từng câu hỏi. “Tập giấy em chất đầy và bài viết phải vài nghìn chữ. Ngày phỏng vấn, em không run sợ vì biết rằng bản thân đã làm được đến đây thì hoàn toàn xứng đáng" - Huyền chia sẻ.
Nhờ vậy, Huyền đã thành công chinh phục học bổng UGRAD. Ngoài ra, nữ sinh cũng nhận thông tin trúng tuyển học bổng SEED lần thứ 2. Cuối cùng, nữ sinh đã chọn UGRAD và học tập tại Đại học St. Cloud State (bang Minnesota, Hoa Kỳ).
Huyền cho biết bản thân là người luôn phải làm mọi thứ 2 lần mới có kết quả. Chia sẻ về kinh nghiệm săn học bổng, Huyền nói phải thực sự hiểu bản thân và tự tin với những gì mình đã làm được.
"Việc viết bài luận chính là nghệ thuật sử dụng câu chữ và chỉ khi mình xác định bản thân là ai, mình mới cảm nhận được từng chữ trong bài luận đều xứng đáng với mình. Ngoài ra, hãy chuẩn bị hồ sơ thật sớm và tận dụng mọi mối quan hệ mà mình có để giúp đỡ mình. Thêm vào đó, cần phải thật “gan lì” và chấp nhận rủi ro khi tìm học bổng là một sự đánh đổi rất lớn về thời gian, công sức và tiền bạc. Nếu như không đặt được mục tiêu dài hạn thì hãy đặt ra cho mình những mục tiêu ngắn hạn và dần dần thực hiện chúng" - Huyền nói.