Quỹ HTND Thành phố Hồ Chí Minh góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương
(Quỹ HTND) - Những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nhờ việc phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND).
Nhiều hộ nông dân nhờ tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư trồng rau thủy canh mang lại hiệu quả kinh tế cao
Ban Thường vụ Hội ND thành phố quan tâm chỉ đạo các cấp Hội tập trung thực hiện tốt các nội dung của Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, công tác quản lý tài chính được đảm bảo, sử dụng nguồn vốn Quỹ theo đúng quy định. Nhờ đó, việc xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ HTND nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, giúp nguồn vốn Quỹ HTND toàn thành phố có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, vượt chỉ tiêu đặt ra.
Nhằm đánh giá công tác quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố trong Quý I, đề ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện công tác quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố Quý II đạt hiệu quả. Đồng thời trao đổi, thảo luận dự thảo Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân Thành phố theo Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ.
Trao đổi, thảo luận đề ra giải pháp thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu do Hội Nông dân Thành phố giao đối với công tác quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân và đề xuất các giải pháp hạn chế nợ quá hạn mới phát sinh và thực hiện kéo giảm nợ quá hạn dưới 2% trên tổng dư nợ.
Trong Quý I năm 2024, Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố đã giải ngân 210 dự án với tổng số tiền 34,21 tỷ đồng/718 hộ vay thuộc Thành phố Thủ Đức và các huyện, quận; trong đó đã đề xuất Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố phê duyệt mức vay trên 50 triệu đồng/hộ vay cho 21 hộ vay với tổng số tiền 2,35 tỷ đồng.
Từ tháng 01 năm 2024, thực hiện quy định về ngành nghề cho vay theo Nghị định số 37/2023/NĐ-CP nên Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố đã có văn bản triển khai Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố Thủ Đức và các huyện, quận tạm ngưng tiếp nhận các dự án vay vốn nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đối với ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp, dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn Thành phố trong quý I năm 2024 còn thấp (16,81%). Đa số các hộ vay đều trả vốn, phí đúng quy định; kết quả trong quý đã thu hồi vốn với số tiền là 30,07 tỷ đồng của 661 hộ vay; dư nợ nguồn vốn toàn Thành phố tính đến 10/3/2024 là 168,89 tỷ đồng của 3.579 hộ vay.
Nhằm nâng cao nghiệp vụ, quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp ngày càng chặt chẽ, đúng quy định, công tác lập hồ sơ vay vốn gắn với tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Quỹ hỗ trợ nông dân.
Đồng thời triển khai một số nội dung của Nghị định số 37/2023/NĐ-CP 24/6/2023 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Từ ngày 01/8/2023 đến tháng 11/2023, Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố đã phối hợp với Hội nông dân thành phố Thủ Đức, các huyện, quận tổ chức 07 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố năm 2023 cho hơn 1.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân.
Hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ nông dân mang lại về chính trị, kinh tế, xã hội, thúc đẩy công tác xây dựng Hội, các phong trào nông dân khá rõ nét. Góp phần tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đại phương: Các ngành nghề thủy sản, dịch vụ có tỷ lệ phát vay ngày càng tăng, cho thấy việc hỗ trợ vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân phù hợp với việc chuyển đổi theo định hướng nông nghiệp đô thị của thành phố hiện nay.
Hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp còn góp phần phát triển phong trào nông dân ở các huyện quận và cơ sở: thông qua hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân, các hoạt động Hội ngày càng được củng cố và phát triển, trong đó góp phần thực hiện công tác phát triển hội viên, nâng tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt, củng cố thành lập chi hội nghề nghiệp, xét bình chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tuyên dương nông dân tiêu biểu….
Ông Mai Công Sơn (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), xuất thân trong gia đình thuần nông. Gia đình ông đã gắn bó hơn 20 năm với nghề chăn nuôi bò.
Theo ông Sơn, vào những năm 1999 – 2000, kinh tế còn nhiều khó khăn, việc chăn nuôi bò của gia đình cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn để đầu tư mua con giống, mua thức ăn cho bò, cải tạo lại chuồng trại chăn nuôi,…gia đình ông vào thời điểm đó chỉ nuôi có 10 con bò thịt, giống bò vàng của Việt Nam. Sau này kinh tế phát triển, ông Sơn đã mạnh dạn học hỏi, nghiên cứu về giống bò 3B, nhận thấy giống bò này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với giống bò vàng Việt Nam như sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, thịt ngon và mang lại hiệu quả kinh tế cao,… Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, ông Sơn và gia đình đã mạnh dạn vay vốn nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Thành Phố để mua con giống bò 3B về nuôi.
Vào tháng 01/2024, ông được Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố phê duyệt cho mức vay 100 triệu đồng. Với số tiền vay được cộng thêm số vốn tự có của mình, ông Sơn đã mua thêm 08 con bò 3B về nuôi đồng thời ông cải tạo, mở rộng chuồng nuôi bò của mình lên hơn 300m2. Lợi nhuận từ việc chăn nuôi bò của ông Sơn hàng năm hơn 200 triệu đồng, với vốn kiến thức sẵn có, công thêm kinh nghiệm nuôi bò lâu năm đã giúp gia đình ông Sơn nâng cao thu nhập và cải thiện kinh tế của gia đình.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Sơn còn giúp đỡ người dân địa phương về kỹ thuật chăn nuôi bò để cùng nhau phát triển làm giàu. Nhờ những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, ông Mai Công Sơn đã được Hội Nông dân huyện Hóc Môn công nhận và cấp bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Quỹ Hỗ trợ Nông dân thành phố Hồ Chí Minh đã thẩm định và hỗ trợ cho dự án chăn nuôi thỏ sạch trên địa bàn xã An Nhơn Tây vay vốn với mức phí thấp chỉ 0,65% /1 tháng. Đây là nguồn vốn hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, giúp các hộ dân đầu tư vào xây dựng chuồng trại, lồng nuôi và con giống khi bắt đầu nuôi và nhân đàn.
Trong đó, 5 thành viên thuộc HTX thỏ sạch An Nhơn Tây được tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Thành Phố là 50 triệu đồng mỗi hộ. Hội Nông dân các cấp đánh giá cao hiệu quả của mô hình và tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay trong thời gian tới đối với các hộ có nhu cầu.
Có được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố, Hợp tác xã ngày càng phát triển và gặt hái được những thành công bước đầu. Mỗi năm, doanh thu của Hợp tác xã trung bình từ 3 đến 4 tỷ đồng. Nhiều hộ dân từng lao đao với các giống vật nuôi khác đã trở nên khấm khá chỉ sau vài tháng chuyển hướng sang nuôi thỏ.
Có thể nói, Hợp tác xã thỏ sạch An Nhơn Tây là một trong những mô hình chăn nuôi kinh doanh hiệu quả từ chính những thay đổi trong tư duy “kinh tế nông nghiệp”, để từ đó giúp các hộ chăn nuôi phát triển bền vững hơn, đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Đây cũng là địa điểm để nông dân các xã khác trong huyện Củ Chi và nông dân một số tỉnh lân cận tìm đến tham quan học tập kinh nghiệm để phát triển.
Khoảng 5 năm trở lại đây, những người dân tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu chăn nuôi giống thỏ Niudilen. Vật nuôi này sinh sản nhanh, chỉ sau thời gian 3-4 tháng là được xuất bán thu lợi nhuận. Nhận thấy hiệu quả của giống vật nuôi này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Hợp tác xã thỏ sạch An Nhơn Tây đã nhân rộng mô hình không chỉ trong gia đình mình mà còn cho các hộ dân xung quanh vùng cùng chăn nuôi.
Việc chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết đã và đang giúp bà con chăn nuôi có được nhiều lợi thế về giá thành cũng như chi phí chăn nuôi. Cụ thể như anh Hùng trực tiếp nhập cám thỏ và các vật tư chăn nuôi theo số lượng lớn từ nhà cung cấp rồi phân phối lại cho các hộ chăn nuôi trong Hợp tác xã. Nhờ vậy, các hộ dân mua được thức ăn cho thỏ với giá thành rẻ hơn giá bán lẻ. Cùng với đó, toàn bộ đầu ra của thỏ cũng được Hợp tác xã bao tiêu cho các thành viên với giá cả ổn định.
Các thành viên của Hợp tác xã cũng được tư vấn, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi thỏ như công tác phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại định kỳ, xử lý chất thải chăn nuôi… theo quy trình chăn nuôi khép kín của Hợp tác xã để đảm bảo đầu ra được đồng đều về chất lượng.
Để hoàn thành chuỗi sản xuất từ trang trại đến bàn ăn, Hợp tác xã đã mở thành công 2 cửa hàng đầu tiên bán thỏ quay chỉ sau 1 năm hoạt động. Một cửa hàng tiêu thụ khoảng 10 con thỏ thịt mỗi ngày, đều được cung cấp trực tiếp từ trang trại của Hợp tác xã.
Không chỉ được hỗ trợ về đầu vào và đầu ra của sản phẩm, các thành viên của Hợp tác xã thỏ sạch An Nhơn Tây còn được tiếp cận với những nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố, hỗ trợ trong thời điểm bắt đầu chăn nuôi thỏ – vật nuôi còn khá mới mẻ ở địa phương.
Ông Phạm Thanh Hòa là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố năm 2017 – 2021, là chủ vườn mai Thanh Hòa tại Khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, Quận 12. Ông Hòa thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi những kiến thức mới về cấy ghép mai kiểng, uốn và tạo dáng cho mai kiểng có giá trị cao. Ông được Hội Nông dân phường Thạnh Lộc giới thiệu và tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố vào năm 2013 với mức vay ban đầu 30 triệu đồng.
Từ năm 2013 đến nay, ông Hòa đã vay 4 lần nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố với mức vay 50 triệu đồng/lần. Tết Quỹ Mão 2023 vừa qua, ông Hòa bán và cho thuê mai đạt lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay, ông đã sử dụng mua thêm phôi giống, vật tư nông nghiệp đầu tư vào việc trồng mai. Sau nhiều lần vay vốn để đầu tư, mở rộng mô hình trồng mai, đa dạng kích thước, chất lượng, số lượng, tăng số lượng cây mai lớn có giá trị cao cung cấp thị trường.
Ông Đường Gia Hòa tại Khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, Quận 12, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố từ năm 2020. Với truyền thống gia đình trồng mai ghép, ông đã được thừa hưởng những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm chăm sóc, tạo dáng về trồng mai giúp ông tạo ra những cây mai có giá trị cao, được người mua quan tâm và ủng hộ. Ông được Hội Nông dân phường Thạnh Lộc giới thiệu tiếp cận nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố vào năm 2017 với mức vay ban đầu 50 triệu đồng.
Từ năm 2017 đến nay, ông đã vay 3 lần nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố và có hai lần ông đã được Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố phê duyệt mức vay 100 triệu đồng. Qua cuộc trò chuyện, ông tâm sự: “Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố, Tết này ông mua được những cây mai tốt để cho thuê, được lời mùa vụ Tết khoảng 500 triệu đồng”. Sau nhiều lần vay vốn để đầu tư vào việc trồng mai kiểng, hiện vườn mai của ông đã được đầu tư mở rộng diện tích trồng từ 500 m2 lên 2.000 m2, số lượng các chậu mai ghép loại lớn tăng về giá bán ra cũng như cho thuê từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ nông dân Thành phố đã tiếp sức kịp thời cùng với tay nghề giỏi, kinh nghiệm, cũng như được trang bị những kiến thức vững vàng từ các lớp học dạy nghề đã giúp cho hội viên nông dân mở rộng quy mô trồng mai, đem lại thu nhập cho gia đình, chất lượng sản phẩm đạt giá trị cao, kinh doanh hiệu quả và góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác chăm lo cho hội viên nông dân nhất là hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn vốn Quỹ đã góp phần vào thành công và lan tỏa các phong trào nông dân, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trở thành điểm sáng trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Hiệu quả từ hoạt động của Quỹ đã tác động tích cực đến công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân các cấp ngày càng vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể của nông dân, vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Về mặt kinh tế, Quỹ cho vay theo dự án nhóm hộ cùng sản xuất, kinh doanh một loại hình sản phẩm đã phát huy tính tương trợ, đoàn kết giúp đỡ nhau giữa các hộ vay, qua đó hình thành cách thức làm việc theo nhóm, thành lập các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác là những mắt xích quan trọng của liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp ở nông thôn.
Đồng thời, Hội Nông dân các cấp còn chủ động hỗ trợ người vay thông qua các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho nông dân; cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm góp phần nâng cao giá trị hàng hoá của địa phương, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của người vay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân luôn bảo toàn và ngày một phát triển.
Bên cạnh đó, cùng với công tác vận động tạo nguồn vốn Quỹ, Hội Nông dân huyện còn ký kết văn bản phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, từ đó giúp khơi thông kênh dẫn vốn từ các ngân hàng đến với nông dân.
“Tổng dư nợ tín dụng các ngân hàng đang cho hội viên nông dân vay trên 185 tỷ đồng. Các nguồn vốn này đã và đang góp phần giúp cho hàng triệu hội viên nông dân có thêm vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ giàu ngày càng tăng”, ông Thiều Văn Son cho biết.
Từ việc cho vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của nông dân, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; tạo thêm việc làm mới, việc làm tại chỗ, hạn chế tình trạng ly hương, giúp nông dân yên tâm, gắn bó làm giàu trên quê hương; hỗ trợ kịp thời về vốn sản xuất hội viên nông dân, kinh doanh hạn chế tình trạng “tín dụng đen”, giảm tệ nạn xã hội, góp phần ổn định an ninh - trật tự tại địa phương.