(Quỹ HTND) - Trong những năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh đã giúp hàng nghìn hội viên, nông dân được vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế. Nguồn vốn này đã trở thành động lực quan trọng giúp các hộ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, từng bước cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.
Các hộ trồng măng tây vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân mở rộng sản xuất
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 335 về việc phê duyệt Đề án "Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Quỹ HTND tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2030".
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bắc Ninh bảo đảm nguồn ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ cho Quỹ HTND từ 10 tỷ đồng trở lên/năm và từ 15 tỷ đồng trở lên/năm (giai đoạn 2026-2030). Nguồn vốn cấp huyện, ngân sách cấp huyện cấp từ 300 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm. Nguồn vốn cấp xã, ngân sách cấp xã cấp từ 10 triệu đồng trở lên/đơn vị/năm.
Việc điều hành vốn được các cấp Hội thực hiện hợp lý, vốn cho vay đúng đối tượng, mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn, hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất; việc cho vay thực hiện đúng hướng dẫn của Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương Hội. Việc mở sổ sách, lập chứng từ kế toán, thu - chi phí quỹ được thực hiện đúng quy định. Hầu hết các hộ vay đều thực hiện nghiêm các quy định về vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đảm bảo trả phí đúng thời hạn.
Đối với các cơ sở, hàng năm, cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất về hoạt động quản lý và cho vay vốn Quỹ HTND cũng như các nguồn quỹ cho vay do Hội ND quản lý. Qua kiểm tra, từ công tác cho vay, tiến hành các thủ tục giải ngân, quản lý sử dụng vốn vay cho đến việc cập nhật, lưu giữ hồ sơ, sổ sách,… đều được các cơ sở Hội hực hiện tương đối tốt.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND tỉnh Bắc Ninh". Đề án được xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND tỉnh, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc triển khai đề án tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn thuận lợi, với mức phí ưu đãi để đầu tư, mở rộng và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh.
Từ khi thành lập đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh Bắc Ninh được sử dụng cho vay đã hỗ trợ vốn cho trên 10.200 lượt hội viên nông dân, thực hiện trên 1.000 dự án, với doanh số cho vay lũy kế gần 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 20.000 lao động nông thôn, bình quân vốn đạt trên 500 triệu đồng/dự án, dư nợ từ 50-100 triệu đồng/hộ vay. Hiện nay, tổng nguồn Quỹ HTND do Hội ND các cấp trong tỉnh quản lý là trên 121 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, hội viên nông dân đã xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả, vươn lên làm giàu. Điển hình như mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao ở xã Minh Tân (Lương Tài); sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả ở xã Việt Đoàn (Tiên Du)…
HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng, thôn Kiều Lương, xã Đức Long (thị xã Quế Võ) là một trong những đơn vị được Hội Nông dân hỗ trợ vay 1 tỷ đồng vốn Quỹ HTND tỉnh. Ông Vũ Văn Chiến - Giám đốc HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng cho biết: "Năm 2019, HTX thành lập với 10 thành viên tham gia nuôi cá lồng trên sông, quy mô 200 lồng. Nuôi cá lồng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nên các thành viên trong HTX đa phần đều thiếu vốn".
Đồng hành cùng với HTX, năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tạo điều kiện cho HTX vay 1 tỷ đồng vốn Quỹ HTND để mua sắm các thiết bị hỗ trợ thêm việc nuôi cá theo hướng VietGAP. Nhờ đó, HTX vượt qua giai đoạn khó khăn và trở thành điển hình trong sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Đến nay, HTX có 16 thành viên với tổng số 320 lồng cá. Bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 600 - 700 tấn cá các loại, tổng doanh thu đạt 43-46 tỷ đồng/năm".
Cũng từ nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân TP.Từ Sơn đã triển khai nhiều mô hình dự án đạt hiệu quả kinh tế cao như mô hình Trồng hoa nhà lưới của chị Nguyễn Thị Thu; sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của chị Nguyễn Thị Hòa; mô hình trồng đào của nông dân phường Đình Bảng...
Bà Nguyễn Thị Thanh Tần - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Từ Sơn cho biết: Xuất phát từ thực tế nhu cầu huy động các nguồn vốn sử dụng trong đầu tư phát triển sản xuất của hội viên nông dân, Hội Nông dân đã chủ động xây dựng nguồn Quỹ HTND thực hiện quản lý điều hành quỹ một cách khoa học, hiệu quả, theo đúng điều lệ và các quy định về hoạt động của Quỹ HTND.
"Hiện nay, toàn TP.Từ Sơn có 477 lượt hộ nông dân được vay vốn từ Quỹ HTND với tổng số tiền hơn 11,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn T.Ư 1 tỷ đồng, nguồn của tỉnh 8,5 tỷ đồng, nguồn thành phố 2 tỷ đồng và nguồn các phường là 294,5 triệu đồng" - Chủ tịch Hội ND TP.Từ Sơn cho biết.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân TP.Từ Sơn: Để vốn vay sử dụng có hiệu quả, trong quá trình thẩm định dự án, Ban điều hành quỹ chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chọn lựa những mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, những sản phẩm của dự án dễ tiêu thụ, giá cả ổn định và có xu hướng phát triển tốt. Tập trung cho các mô hình điển hình của cơ sở để xây dựng tổ liên kết hợp tác sản xuất cùng phát triển và nhân ra diện rộng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khang, ở thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du là một trong những hộ có thu nhập ổn định nhờ vay vốn từ Qũy hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất.
Ông Khang cho biết, trước đây, gia đình ông canh tác hơn 8 sào rau, nhưng do đầu ra không ổn định, cộng với việc không có vốn để sản xuất nên gia đình ông chỉ canh tác có 4 sào, diện tích còn lại gia đình ông phải bỏ hoang. Năm 2019, sau khi được Hội Nông dân xã Việt Đoàn tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông đã đầu tư mua máy móc, cải tạo lại 8 sào ruộng để trồng những loại rau, củ, quả ngắn ngày.
Để tăng năng suất, chất lượng và tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản, gia đình ông Khang đã tham gia Hợp tác xã sản xuất rau củ nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du và trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông lãi trên 50 triệu đồng từ việc trồng rau, củ, quả.
Tuy số tiền vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân không nhiều nhưng cũng đã giúp gia đình anh Nguyễn Văn Đỉnh, ở xã Long Châu, huyện Yên Phong có thêm kinh phí để cải tạo, mở rộng chuồng trại chăn nuôi.
Anh Nguyễn Văn Đỉnh chia sẻ, trước đây, do làm ăn nhiều lần thất bại nên anh chỉ phát triển mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) với quy mô nhỏ lẻ nên hiệu quả không cao. Năm 2019, sau khi được Hội Nông dân xã Long Châu tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân, cộng với số tiền vay mượn, anh đã mở rộng nuôi vịt, dê kết hợp với thủy sản. Sản phẩm làm ra phù hợp với nhu cầu thị trường nên anh đã mở rộng quy mô rất nhanh.
Hiện tại, mỗi năm anh Đỉnh xuất bán khoảng 10.000 con vịt và mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt dê thương phẩm, cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Đến nay, gia đình anh Đỉnh đã trả hết nợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân, giúp các hội viên khác có điều kiện được vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Ngoài mô hình của ông Khang, anh Đỉnh, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả từ việc sử dụng nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân, điển hình như: mô hình sản xuất nông sản sạch theo hướng công nghệ cao ở xã Minh Tân (huyện Lương Tài); mô hình sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả ở xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du); phát triển nghề mộc ở xã Trung Nghĩa (huyện Yên Phong), phường Võ Cường, Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh); phát triển mô hình vườn-ao-chuồng, nuôi trồng thủy sản ở huyện Thuận Thành, Gia Bình; phát triển nghề may công nghiệp ở thành phố Từ Sơn…
Hội các cấp ngày càng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ủy thác ngân hàng, đôn đốc thu hồi nợ, lãi vay khi đến hạn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tín dụng. Nguồn vốn tín chấp của các cấp hội đã giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức hội, từ đó tập hợp, thu hút nông dân tham gia vào tổ chức hội.