Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND
(Quỹ HTND) - Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo ở các địa phương. Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn Quỹ HTND hỗ trợ cho các hộ nông dân vay vốn mang lại hiệu quả kinh tế cao
Triển khai Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND cấp huyện theo quy định.
Đồng thời chỉ đạo Ban điều hành Quỹ cấp tỉnh, Hội Nông dân 13 địa phương nghiên cứu, tham gia dự thảo các Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP. Chỉ đạo Ban điều hành, Ban Kiểm soát Quỹ Hỗ trợ nông tỉnh, Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn ủy thác thông qua tổ chức Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, các cấp Hội kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Kiểm soát Quỹ Hỗ trợ nông dân đảm bảo hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân theo quy định. Đồng ý chủ trương cho ban điều hành Quỹ kí hợp đồng lao động.
Năm 2025, Hội nông dân được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết phê duyệt kiện toàn đề án quỹ hỗ trợ nông dân, theo nghị quyết đến năm 2029 vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng. trong đó năm 2025 bổ sung vốn điều lệ 20 tỷ, các năm sau mỗi năm 10 tỷ đồng. hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị rà soát, tiếp nhận các số liệu để chuẩn bị tốt cho việc sáp nhập cấp xã, bỏ cấp huyện nhằm quản lý vốn chặt chẽ và hiệu quả.
Hiện nay, dù đang trong tiến trình sáp nhập tỉnh (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sáp nhập với Đồng Nai và TP.HCM để trở thành TP.HCM), Hội Nông dân tỉnh vẫn luôn cố gắng duy trì tốt hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Mới đây, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp Hội Nông dân huyện Châu Đức và thị trấn Kim Long giải ngân 550 triệu đồng cho 11 hộ hội viên nông dân thực hiện dự án chăm sóc cây trái.
Triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân” theo Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ, trong 3 tháng đầu năm 2025, Quỹ HTND đã tích cực phối hợp với các cấp hội tổ chức thẩm định 27 dự án/274 hộ nông dân, với tổng số tiền vay 13,7 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức và Long Đất.
Các cấp Hội luôn xác định rõ mục tiêu trọng tâm của Quỹ là đưa nguồn vốn ưu đãi đến tay bà con một cách kịp thời và hiệu quả nhất. Hoạt động cốt lõi của Quỹ chính là việc triển khai các dự án cho vay theo mô hình sản xuất. Thay vì cho vay nhỏ lẻ, chúng tôi tập trung vào việc hỗ trợ vốn cho bà con thực hiện các dự án cụ thể, có tính khả thi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2024, các cấp Hội đã tổ chức xét duyệt cho vay tổng cộng 713 dự án. Nguồn vốn này được phân bổ cho các lĩnh vực sản xuất đa dạng, phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh.
Cụ thể, có 389 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, tập trung vào các loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Lĩnh vực chăn nuôi cũng được Quỹ quan tâm hỗ trợ với 258 dự án. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ 42 dự án trong lĩnh vực đánh bắt và chế biến hải sản, cùng 24 dự án thuộc các ngành nghề khác.
Tổng số tiền đã giải ngân tính đến cuối năm 2024 với nguồn vốn quay vòng lên đến hơn 320 tỷ đồng, tiếp cận và hỗ trợ cho 8.269 lượt hộ vay.
Hiệu quả mang lại từ nguồn vốn Quỹ là rất rõ nét. Quan trọng nhất là nguồn vốn này đã tạo điều kiện thuận lợi để hội viên nông dân được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, phù hợp với điều kiện thực tế ở nông thôn.
Nông dân có vốn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào canh tác, chăn nuôi, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập cao đã được hình thành và nhân rộng nhờ nguồn vốn Quỹ, như mô hình trồng và chế biến nhãn, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, hay các dự án sản xuất nông sản đạt chuẩn Vietgap, tiêu sạch.
Bên cạnh đó, nguồn vốn Quỹ còn giúp bà con xây dựng được thương hiệu cho nông sản của mình, tham gia vào các chuỗi giá trị bền vững. Điều này không chỉ tăng giá trị kinh tế của sản phẩm mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ.
Quan trọng hơn, việc đầu tư vào sản xuất đã giải quyết được vấn đề việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Vừa vay được 50 triệu đồng vốn, ông Phạm Thành Công Minh, một nông dân nuôi dê xã Quảng Thành (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) vội nâng cấp và tăng đàn trại nuôi dê của gia đình.
Giải thích việc phải nâng cấp và nâng đàn trại nuôi dê, ông Minh cho rằng, nuôi dê là nghề khá lý tưởng để nông dân phát triển kinh tế. Bởi nghề nuôi dê chi phí đầu tư thấp, thời gian quay vòng vốn nhanh, ít lao động, thức ăn có sẵn, giá rẻ tại địa phương.
“Đôi lúc trong năm, giá dê trên thị trường trồi sụt, nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế từ nuôi dê khá tốt. Từ năm 2022, gia đình tôi thoát hộ nghèo cũng nhờ nghề nuôi đàn dê”, ông Minh bộc bạch.
Trước hấp lực kinh tế từ nghề nuôi dê, ông Minh đã nâng đàn dê từ 5 con lên 60 con dê giống bố mẹ từ việc vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đầu tháng 3 vừa qua, được vay 50 triệu đồng vốn Quỹ HTND tỉnh, ông Phạm Thành Công Minh, hội viên nông dân xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) đã mạnh dạn mở rộng chuồng trại, đầu tư hệ thống tưới cỏ làm thức ăn cho dê.
Theo ông Minh, nuôi dê là lựa chọn hợp lý vì chi phí đầu tư thấp, thời gian quay vòng vốn nhanh và dễ tận dụng nguồn lao động nông nhàn. 4 năm trước, khi được vay vốn Quỹ HTND, ông nuôi 5 con dê sinh sản để tích lũy kinh nghiệm. Sau khi nhận thấy hiệu quả tích cực, ông mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, đàn dê của ông có lúc lên đến hơn 60 con.
“Dê nuôi tầm 7 tháng, đạt trọng lượng trên 30kg là có thể xuất chuồng. Nhờ vậy, nguồn thu nhập từ mô hình này đã giúp gia đình tôi thoát nghèo vào năm 2022, đồng thời mang lại cuộc sống ổn định. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, tôi còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con có nhu cầu phát triển mô hình”, ông Minh chia sẻ thêm.
Tại xã Láng Lớn, gia đình bà Lương Thị Phúc, ở thôn 3 cũng có thu nhập mỗi tháng hơn 20 triệu đồng từ mô hình nuôi dê sinh sản và dê thịt. Đầu năm 2025 đến nay, giá dê thịt liên tục tăng, bà Phúc bán được mấy đợt, thu về hơn 60 triệu đồng. Bà Phúc chia sẻ, để chăn nuôi dê thành công, việc hiểu rõ đặc tính của giống vật nuôi và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật là yếu tố then chốt. Chuồng dê cần được thiết kế thông thoáng, cách mặt đất từ 0,8 - 1m để tránh ẩm ướt, đồng thời đảm bảo sạch sẽ, tránh nắng mưa và gió lùa. Ngoài ra, việc thường xuyên vệ sinh chuồng trại và theo dõi sức khỏe đàn dê giúp phòng ngừa hiệu quả các bệnh thường gặp như đầy hơi, chướng bụng, loét miệng hay đau mắt.
Nhờ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như cỏ, thân cây bắp, cây chuối, trái cây… nên mô hình nuôi tại huyện Châu Đức phát triển khá mạnh thời gian qua. Châu Đức hiện có tổng đàn dê, cừu khoảng 77.500 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 1.255 tấn/năm. “Giá dê tăng cao khiến người dân phấn khởi nhưng hội vẫn khuyến cáo nông dân thận trọng khi tăng đàn nhằm tránh rủi ro, thua lỗ. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ thêm nguồn vốn ưu đãi, giúp nhân rộng mô hình này trên địa bàn”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức Thân Xuân Động cho biết.
Ngoài ra, HND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý cho vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay toàn tỉnh do HND quản lý đạt trên 1.428 tỷ đồng/25.911 lượt hộ vay, trong đó nợ quá hạn 276 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,02%. Cụ thể, HND huyện Xuyên Mộc, trên địa bàn huyện đang duy trì 107 tổ hội nghề nghiệp/1.212 thành viên và 17 chi hội nghề nghiệp/230 thành viên. Tổng số tiền Quỹ HTND huyện quản lý hơn 10 tỷ đồng/202 hộ vay.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay từ Quỹ HTND không lớn, nhưng cũng đã giúp các hộ nông dân, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn giải quyết nhu cầu về vốn, mạnh dạn xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, góp phần đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Chính vì vậy, nguồn vốn từ Quỹ HTND đang trở thành một kênh cấp vốn có ý nghĩa khuyến khích, động viên tích cực đối với bà con nông dân. Ông Bùi Đình Nam, Phó Giám đốc Quỹ HTND tỉnh cho biết, nông dân rất mừng khi tiếp cận được nguồn vốn Quỹ HTND. Thời hạn vay dài, chu kỳ của 1 dự án thường là 3 năm. Trong quá trình triển khai, các cấp hội xét đúng đối tượng và sau khi triển khai dự án thì cán bộ quản lý vốn đi kiểm tra để xem hộ sử dụng mục đích như thế nào. Trong các dự án triển khai tới đây, hội tăng định mức vay lên cho hộ nông dân. Điều này đặc biệt quan trọng nhằm tạo điều kiện cho nông dân có nguồn vốn để đầu tư dài hơi hơn.