(Quỹ HTND) – Những năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ hàng ngàn lượt hộ hội viên, nông dân trên địa bàn tích cực liên kết trong việc xây dựng và hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả. Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân đã thay đổi tư duy từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tăng giá trị nông sản.
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp không chỉ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp phát huy tốt những lợi thế sẵn có của từng địa phương mà còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho các hộ hội viên, nông dân, tạo động lực phát triển bền vững ở nông thôn
Ban Thường vụ Hội ND thành phố luôn xác định rõ vai trò quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND đối với công tác hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, Hội ND thành phố đã quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội tập trung nguồn lực phát triển nguồn vốn và điều hành hoạt động Quỹ HTND các cấp mang lại hiệu quả.
Đặc biệt, việc triển khai hoạt động Quỹ HTND theo Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới luôn được các cấp Hội ND trên địa bàn thành phố tích cực chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp linh hoạt, cụ thể.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành về Quỹ HTND cũng đã được Ban Thường vụ Hội ND thành phố triển khai kịp thời đến các cấp Hội.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên các cấp Hội thường xuyên nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ từ cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Một số đơn vị Hội ND quận, huyện nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên việc phát triển nguồn vốn Quỹ HTND luôn đạt mức cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra.
Toàn thành phố hiện có 4/7 quận, huyện đã xây dựng và phát triển được nguồn vốn Quỹ HTND ở mức trên 1 tỷ đồng; có 42/42 cơ sở Hội đều vận động được nguồn vốn ủng hộ và đã chuyển về Quỹ HTND quận, huyện để quản lý.
Trong năm, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Ban Thường vụ Hội ND thành phố tập trung chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quỹ HTND. Phấn đấu 100% các dự án vay vốn Quỹ HTND được quản lý, phát huy hiệu quả, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Kết quả, năm 2024, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn thành phố đang quản lí đạt trên 56 tỷ 380 triệu đồng. Trong đó: Nguồn do Trung ương Hội ủy thác hơn 10 tỷ đồng; nguồn Quỹ cấp thành phố quản lí gần 37 tỷ đồng; nguồn Quỹ các quận, huyện, thị xã đạt hơn 8 tỷ 844 triệu đồng…
Từ nguồn vốn trên đã giúp cho 1.654 lượt hộ hội viên, nông dân được vay vốn triển khai thực hiện 348 mô hình, dự án với tổng dư nợ là 52 tỷ 014 triệu đồng. Trong đó, tập trung cho vay taij các dự án trồng trọt, chăn nuôi chiếm 40%, các dự án sản xuất kinh doanh hộ gia đình chiếm 60%. Qua đó, giúp giải quyết thêm nhiều lao động tại chỗ có việc làm ổn định, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Nguồn vốn giải ngân không chỉ thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp phát huy tốt những lợi thế sẵn có của từng địa phương mà còn góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho các hộ hội viên, nông dân, tạo động lực phát triển bền vững ở nông thôn. Nhiều mô hình vay vốn đạt hiệu quả cao, giúp các hộ nông dân tăng thu nhập bình quân từ 50 triệu đến 300 triệu đồng/hộ/năm.
Cùng với đó, các cấp Hội còn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức giám sát việc luân chuyển các nguồn vốn ngay khi đến hạn nhằm giúp cho ngày càng nhiều hội viên, nông dân được trợ lực, kịp thời đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo kịp thời vụ.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có những cách làm hay, hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình mới, giúp hội viên, nông dân chủ động gia tăng liên kết trong sản xuất, kinh doanh để vươn lên làm giàu. Qua đó, còn hỗ trợ cho hơn 100 lao động nông thôn có việc làm ổn định, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân trên địa bàn.
Một số mô hình nhờ được đầu tư đúng hướng đã mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao. Điển hình như: Mô hình trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn phường Hòa Thọ Tây, Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), phường Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu); mô hình sản xuất nấm, nuôi ốc bươu, cá nước ngọt, chăn nuôi an toàn sinh học ở địa bàn huyện Hòa Vang; sản xuất rau, củ quả trong nhà màng, sản xuất rau mầm, sản xuất bún tươi, chế biến và kinh doanh hạt ngũ cốc ở quận Cẩm Lệ; mô hình nghề làm bánh truyền thống ở quận Hải Châu, mô hình sản xuất chả cá, chả bò, gia công may mặc ở quận Thanh Khê…
Trong năm 2024, các cấp Hội tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động Quỹ HTND và chương trình phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn. Từ các nguồn vốn vay của Quỹ HTND, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng khác đã tạo điều kiện cho nhiều hộ hội viên, nông dân phát triển các mô hình kinh tế mới, nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương.
Cùng với việc giải ngân cho vay từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND trên địa bàn thành phố cũng tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, tổng dư nợ nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội do các cấp Hội quản lý đạt trên 1.109 tỷ đồng, thông qua 414 Tổ TK&VV với 18.789 hộ hội viên, nông dân vay vốn; tỷ lệ các hộ hội viên, nông dân tham gia gửi tiết kiệm đạt 99,67%.
Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân cho vay của các cấp Hội thông qua nguồn từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có dư nợ đạt 12,96 tỷ đồng tại 7 quận, huyện với 237 khách hàng là hội viên, nông dân vay vốn phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, hàng năm, Hội ND thành phố đều có định hướng, lựa chọn những mô hình phù hợp, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các dự án để được xét vay vốn. Đồng thời, các cấp Hội cũng tăng cường việc chỉ đạo, giám sát thực hiện trình tự các khâu cho vay đảm bảo đúng quy trình. Sau khi giải ngân, các cấp Hội thường xuyên tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ hội viên, nông dân nhằm đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.
Đồng thời, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hơn 100 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 4.838 hội viên, nông dân. Qua đó giúp nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ, hội viên, nông dân, mặt khác còn khơi dậy mạnh mẽ những tiềm năng, sức sáng tạo của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Hội ND thành phố chỉ đạo các quận, huyện thường xuyên quan tâm, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn của hội viên, nông dân để kịp thời đề xuất hướng hỗ trợ, giải quyết giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều mô hình của hội viên, nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới, canh tác an toàn, tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, gia tăng thu nhập.
Điển hình như hộ gia đình anh Thái Văn Công ở phường Hoà Minh (quận Liên Chiểu) đã khởi nghiệp thành công với mô hình trồng hoa treo chậu mini. Được các cấp Hội quan tâm, xét cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND kịp thời, anh mạnh dạn cải tạo lại khu vườn tạp, đầu tư thêm màng phủ để chống cỏ dại, lắp đặt hệ thống mái che, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để xây dựng mô hình trồng hoa công nghệ cao.
Đến nay, mô hình phát triển bền vững, vườn hoa của gia đình anh rộng hơn 5.000m2, đang duy trì chăm sóc khoảng 30.000 chậu hoa treo và gần 20.000 chậu hoa trang trí các loại. Bình quân hàng năm sau khi trừ hết các chi phí, mô hình đang mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định đạt khoảng hơn 500 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm cho 10 nhân công là lao động địa phương với mức lương trung bình 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Cũng là tấm gương nông dân điển hình sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, hộ ông Tường Thế Hợi ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ được các cấp Hội hỗ trợ xét cho vay 50 triệu đồng. Với số vốn này, ông đã đầu tư mua thêm phân bón, thuốc men, vật tư để trồng hoa cúc đem bán vào dịp Tết.
Nhờ chăm chỉ học tập kinh nghiệm từ các mô hình đã thành công khác, lại biết vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được tiếp thu thông qua các lớp tập huấn do các cấp Hội phối hợp tổ chức, ông đã điều chỉnh được lượng nước tưới, phân bón cũng như chế độ chong đèn cho vườn hoa cảnh. Nhờ đó nên vườn hoa của gia đình ông nở đúng thời gian để kịp bán Tết, thu về nguồn lợi nhuận đạt gần 300 triệu đồng. Mô hình phát triển ổn định còn giúp tạo việc làm cho 03 lao động thường xuyên ngay tại địa phương và nhiều lao động thời vụ khác.
Hộ anh Võ Ngọc Minh ở huyện Hòa Vang cũng là tấm gương thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi tín dụng chính sách. Được các cấp Hội tư vấn, động viên và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang, anh đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình.
Từ 01 con bò giống ban đầu, hiện nay gia đình anh đã tiếp tục nhân đàn và duy trì số lượng chăm sóc đàn 9 con bò, có thêm nguồn thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm. Vào năm 2022, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, hoàn trả nguồn vốn vay đúng thời hạn.
Từ hiệu quả của nguồn vốn vay ban đầu, anh lại tiếp tục được vay thêm 50 triệu đồng để thành lập và duy trì hoạt động công ty chuyên thi công các công trình điện ngầm. Cũng nhờ đó, kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định hơn, cuộc sống khấm khá, các con anh đều được học hành đến nơi đến chốn. Trung bình, tổng nguồn thu nhập của gia đình anh hiện đạt khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động tại chỗ.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, xu thế nông nghiệp hiện đang thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Do đó, việc phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu không chỉ mang lại nguồn thu nhập các cho các hộ hội viên, nông dân, mà còn là giải pháp quan trọng để xây dựng tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Trên cơ sở đó, các cấp Hội ND trên địa bàn thành phố đã chủ động việc vận động, hướng dẫn và hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn và bền vững.
Mặt khác, các cấp Hội cũng khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các mô hình kinh tế tập thể như: Chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác, Hợp tác xã... nhằm tập hợp các hội viên, nông dân làm cùng lĩnh vực, hỗ trợ nhau nâng cao thu nhập. Cũng từ những giải pháp cụ thể, thiết thực đó, các cấp Hội đã gắn hoạt động sản xuất với sinh hoạt Hội, tổ chức tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; gia tăng sự đoàn kết, gắn bó của hội viên, nông dân và tạo nền tảng để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Trong năm 2024, Hội ND thành phố đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập 50 tổ Hội nghề nghiệp, 24 chi Hội nghề nghiệp. Đồng thời, vận động 1.386 hội viên, nông dân tham gia mô hình các tổ hợp tác, Hợp tác xã; thành lập mới 23 tổ hợp tác, 05 Hợp tác xã nông nghiệp.
Mô hình tổ hợp tác chăn nuôi gà Kê Sơn, thuộc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 tại địa bàn xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang là nơi tập hợp các hộ dân nuôi gà theo hình thức thả vườn đồi tự nhiên, cùng liên kết hỗ trợ nhau về kỹ thuật, cung ứng con giống bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, tổ hợp tác còn duy trì được hoạt động chăn nuôi khép kín từ sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ, đảm bảo mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm thịt gà chất lượng cao, tươi, ngon và sạch.
Theo ông Nguyễn Sĩ – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1: Hiện nay, tổ hợp tác chăn nuôi gà Kê Sơn đang có 18 hộ nông dân tham gia; trung bình mỗi hộ đang duy trì thả nuôi đàn gia cầm khoảng 500 con gà/năm, chủ yếu các hộ đang tập trung nuôi giống gà ở địa phương. Từ khi tham gia vào tổ hợp tác, các hộ đã biết cách chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học để đảm bảo an toàn dịch bệnh và giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư, đồng thời giúp đàn gà mau lớn, có màu lông đẹp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, các cấp Hội còn tăng cường sự hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến, trong đó chú trọng tới việc phát triển sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn và có giấy chứng nhận. Từ đó, tạo nền tảng để phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, ổn định đời sống.
Có thể thấy, nhiều dự án, mô hình được triển khai trên địa bàn đã và đang mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp của các địa phương theo hướng đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ các nguồn vốn vay của Quỹ HTND các cấp, các nguồn vốn ủy thác với các Ngân hàng trên địa bàn đã mở hướng để giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, xây dựng các mô hình kinh tế ngày càng làm ăn hiệu quả.