image banner
Phú Yên: Nguồn vốn tín dụng mở lối thoát nghèo
Lượt xem: 26
(Quỹ HTND) – Những năm qua, bên cạnh việc xây dựng các mô hình kinh tế từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND, để tạo thêm điều kiện hỗ trợ hội viên, nông dân nghèo trong tỉnh phát triển sản xuất, gia tăng thu nhập, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Phú Yên cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, hiệu quả.

 

Anh-tin-bai

Các nguồn vốn vay ưu đãi đã thực sự trở thành “điểm tựa” thiết thực giúp nhiều hộ hội viên, nông dân trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng

 

Hội ND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 516-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 01/4/2021 về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 673-QĐ/TTg, ngày 10/5/2011, đẩy mạnh việc vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND.

 

Các cấp Hội luôn xác định nguồn vốn vay đóng vai trò rất quan trọng đối với hội viên, nông dân để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các cấp Hội chủ động phối hợp với các Ngân hàng trên địa bàn nhằm đa dạng hóa các kênh vay vốn, giúp hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

 

Thông qua kênh vốn ưu đãi này đã tạo điều kiện giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân được tiếp cận chính sách mới một cách nhanh chóng, thuận lợi. Có thể thấy, các nguồn vốn vay đã thực sự trở thành “điểm tựa” giúp nhiều hộ hội viên, nông dân trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng của các Ngân hàng, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn bám sát các nội dung ủy thác, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội, của tỉnh ủy, UBND tỉnh.

 

Trên cơ sở đó, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội ký kết văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh Phú Yên để triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện tốt công tác phối hợp với các Ngân hàng tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay.

 

Từ nguồn vốn vay của các Ngân hàng đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động cùng với chất lượng sản phẩm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Nhờ đó, thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực làm cho số hộ nông dân khá, giàu tăng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể.

 

Ngay từ đầu năm, để nâng cao năng lực và hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Hội ND tỉnh đã chủ động giao chỉ tiêu chất lượng hoạt động ủy thác cho các huyện, thị, thành và cơ sở Hội; lấy đó làm tiêu chí để đánh giá, bình xét xếp loại thi đua. Qua các năm, nguồn vốn ưu đãi ủy thác từ ngân hàng CSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua kênh của Hội ND liên tục tăng trưởng và phát huy hiệu quả.

 

Kết quả, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH giải ngân vốn ủy thác hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nâng tổng dư nợ toàn tỉnh đạt 11.488 tỷ đồng với 29.615 hộ hội viên, nông dân vay thông qua 747 Tổ TK&VV. Có 100% các Tổ TK&VV đều được ủy nhiệm thu tiền tiết kiệm và thu lãi.

 

Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với ngân hàng CSXH triển khai các hoạt động ủy thác cho vay vốn theo đúng qui định. Theo định kỳ, hai bên phối hợp tiến hành đôn đốc thu hồi các khoản nợ đến hạn, nợ quá hạn; đồng thời, thường xuyên kiện toàn củng cố các Tổ TK&VV.

 

Hàng năm, công tác củng cố chất lượng mô hình Tổ TK&VV được thực hiện thường xuyên và liên tục. Các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; đồng thời, tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn để kịp thời có giải pháp củng cố, kiện toàn đối với những Tổ xếp loại trung bình, yếu kém.

 

Cùng với đó, thực hiện Thỏa thuận liên ngành giữa Hội ND với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hội ND các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động trao đổi, thống nhất, ký kết thỏa thuận chương trình phối hợp với Agribank cùng cấp nhằm triển khai hoạt động ủy thác đạt hiệu quả.

 

Theo đó, các cấp Hội phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Tổ vay vốn trên cơ sở các chi, tổ Hội nông dân theo đúng hướng dẫn quy định. Sau khi người vay tiếp cận được nguồn vốn, các cấp Hội tổ chức giám sát để hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hướng dẫn các hộ làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Kết quả, các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh giải ngân cho 14.886 hộ vay hơn 1.151 tỷ đồng tại 751 Tổ vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

 

Để giúp các hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, các cấp Hội luôn quan tâm phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho hàng trăm lượt hội viên, nông dân. Mặt khác, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt hoạt động tư vấn, hỗ trợ các hộ nông dân tiếp cận thông tin, kiến thức cần thiết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy liên kết hợp tác.

 

Thực hiện Kế hoạch kiểm tra từ đầu năm, Hội ND tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác quản lý tình hình hoạt động nguồn vốn ủy thác Ngân hàng CSXH đối với 9/9 đơn vị Hội ND cấp huyện, 9 đơn vị Hội ND cấp xã, 45 Tổ TK&VV, 225 hộ hội viên, nông dân tham gia vay vốn. Đồng thời, xây dựng báo cáo và tham gia Đoàn khảo sát đánh giá chất lượng hoạt động ủy thác Ngân hàng CSXH năm 2024 tại địa bàn huyện Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu.

 

Qua kiểm tra cho thấy, nhìn chung các hộ hội viên, nông dân đều sử dụng tốt nguồn vốn vay, bảo đảm về thời gian đóng phí vay. Thông qua đó, nhiều hộ hội viên, nông dân đã có cuộc sống ổn định hơn, chủ động trong sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 

Cùng với đó, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; phát động thực hiện “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư; chỉ đạo các cấp Hội nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, nhằm hỗ trợ tối đa nhu cầu của người vay. Từ đó, hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay lãi nặng và các hành vi vi phạm thu nợ trái pháp luật.

 

Hiện nay, Hội ND tỉnh tích cực tham gia thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi để ngày càng có nhiều nông dân nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận, sử dụng nguồn vốn nhằm giảm nghèo bền vững.

 

Điển hình như: Mô hình nông - lâm kết hợp chăn nuôi của hộ gia đình ông Bùi Minh Tâm (ở huyện Sông Hinh) mang lại nguồn thu nhập trên 1,2 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi bò vỗ béo của ông Nguyễn Văn Trung (huyện Phú Hòa) thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi lợn bằng công nghệ khép kín của ông Phùng Hồng Em (thị xã Sông Cầu) thu nhập 2 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi tôm hùm và tôm thẻ chân trắng, ốc hương tập trung ở các huyện ven biển đang cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm...

 

Trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều gương hội viên, nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo và trở thành tấm gương hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Hảo ở xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân trở thành điển hình vươn lên thoát nghèo tại địa phương.

 

Là một nông dân năng động, dám nghĩ dám làm, được sự bảo lãnh của Hội ND huyện Đồng Xuân, ông đã được vay vốn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Có vốn, ông đầu tư cải tạo và xây dựng trang trại nuôi lợn thịt với quy mô 590 con lợn và 1 trang trại nuôi gà.

 

Cùng với đó, gia đình ông còn trồng thêm mía, keo lai, chăn nuôi bò giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, thu nhập từ mô hình tổng hợp của gia đình ông đạt hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí.

 

Nhờ có sự hỗ trợ tạo điều kiện về vốn vay Ngân hàng và hướng dẫn kỹ thuật của các cấp Hội, gia đình chị Nguyễn Thị Diệu Linh ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh đã có thêm động lực để khởi nghiệp, đầu tư xưởng sản xuất và thành công. Hiện, sản phẩm bò một nắng muối kiến vàng và ba chỉ, sườn heo một nắng, mang thương hiệu Y Phát của gia đình chị đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

 

Đến nay, nhờ mạnh dạn đầu tư nguồn lực đúng hướng, cơ sở của chị Linh được xây dựng, trang bị khá bài bản với đầy đủ các loại máy móc, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng. Năng suất bình quân của cơ sở sản xuất có thể cho ra lò từ 500 kg đến 1 tấn sản phẩm mỗi ngày, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường cả trong và ngoài tỉnh.

 

Có thể thấy, các cấp Hội đã cơ bản làm tốt công tác cho vay, thu hồi nguồn vốn đến hạn, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, vốn vay Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đã giúp đỡ hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nhằm giảm nghèo bền vững; nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, giúp khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hóa, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao.

Bình Trọng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1