image banner
Quỹ HTND - Động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn
Lượt xem: 1
(Quỹ HTND) - Hiện nay, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có điều kiện xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập.
Anh-tin-bai

Nhiều mô hình đã có sức lan tỏa, là nơi để hội viên nông dân học tập và làm theo, từng bước thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phát triển và tạo niềm tin giữa hội viên với tổ chức Hội

 

 

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đổi mới căn bản phương thức hỗ trợ nông dân vay vốn, thay vì cho vay theo hộ nhỏ lẻ như trước.

 

Hiện nay cho vay theo mô hình dự án, mỗi dự án có từ 10 - 12 hộ. Tùy vào quy mô, các hộ trong dự án được vay ở mức thấp nhất là 50 triệu đồng/hộ và cao nhất 100 triệu đồng/hộ. Những năm qua, nguồn vốn này luôn được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao cho hội viên, nông dân.

 

Các dự án vay vốn Quỹ HTND đã góp phần thúc đẩy hoạt động hội và phong trào nông dân, nhất là phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Năm 2024, toàn tỉnh Hưng Yên có 103.071 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

 

 Nhiều dự án đã phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay như dự án trồng hoa mộc hương xã Đồng Than (huyện Yên Mỹ), dự án chăn nuôi gà tại xã Chính Nghĩa (huyện Kim Động)… đem lại thu nhập ổn định cho các hộ khi tham gia dự án.

 

Hay như dự án chăn nuôi gà Đông Tảo, 10 hộ nông dân ở xã Yên Phú (Yên Mỹ) được Quỹ HTND tỉnh cho vay 500 triệu đồng. Từ nguồn vốn được vay, các hộ đã đầu tư, mở rộng chuồng trại, mua thêm thức ăn chăn nuôi và con giống, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hộ thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

 

Nguồn vốn Quỹ HTND cũng là cầu nối hiệu quả gắn kết hội viên nông dân với tổ chức Hội; tạo điều kiện để các cấp Hội thực hiện tốt việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cơ cấu tập trung.

 

Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh hiện đạt hơn 106,6 tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng Quỹ HTND toàn tỉnh Hưng Yên đạt trên 8,4 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp Hội trong tỉnh quản lý là 106,663 tỷ đồng.

 

Trong đó, nguồn vốn Trung ương Hội uỷ thác 18,4 tỷ đồng, nguồn vốn tỉnh quản lý hơn 88,2 tỷ đồng. Nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 37/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1305-QĐ/TU ngày 23/10/2024 về thành lập Ban Vận động Quỹ HTND tỉnh Hưng Yên. 

 

Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã tham mưu, xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND tỉnh Hưng Yên; lấy ý kiến góp ý của các sở ngành liên quan; đã báo cáo trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

 

Sự tiếp sức từ nguồn vốn vay Quỹ HTND là động lực để hội viên xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh thành lập các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hợp tác, HTX. 

 

Trong năm 2024, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã thành lập mới 6 chi Hội nghề nghiệp, 45 tổ Hội nghề nghiệp, 15 tổ hợp tác, 6 HTX. Đến nay toàn tỉnh Hưng Yên có 52 chi Hội nghề nghiệp, 152 tổ Hội nghề nghiệp.

 

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, cán bộ Tổ Vay vốn. Qua đó hướng dẫn hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế. 

 

Cùng với hỗ trợ về nguồn vốn, Hội Nông dân Hưng Yên còn chú trọng đến hoạt động nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề cho hội viên, nông dân.

 

Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp... theo phương thức trả chậm giúp cho hội viên, nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Đặc biệt từ các mô hình điển hình vay vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, qua đó giúp nhóm hộ nông dân liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất kinh doanh.

 

Nhiều mô hình đã có sức lan tỏa, là nơi để hội viên nông dân học tập và làm theo, từng bước thúc đẩy Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phát triển và tạo niềm tin giữa hội viên với tổ chức Hội.

 

Qua phong trào, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nét đẹp trong sản xuất và đời sống văn hóa của cộng đồng nông thôn.

 

Việc triển khai các dự án vốn vay từ nguồn Quỹ HTND được thực hiện đúng quy định, đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích.

 

Các dự án vay vốn Quỹ đã thực hiện đúng kế hoạch đề ra, hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, nộp phí đúng hạn, kết thúc dự án, các hộ vay vốn trả đầy đủ gốc đúng hạn. Hội ND các cấp luôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng đồng vốn, xác định mô hình điểm để nhân rộng, nhằm tạo điều kiện cho nhiều dự án khác được vay vốn phát triển sản xuất. 

 

Hội ND tỉnh luôn ưu tiên các dự án vay vốn Quỹ HTND để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và có sự liên kết sản xuất, kinh doanh. Hội ND tỉnh cũng khuyến khích sử dụng vốn theo nhóm hợp tác xã, tổ hợp tác…

 

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tăng cường việc tuyên truyền và nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, thu hút đông đảo hội viên, nông dân quan tâm, hưởng ứng và làm theo.

 

Hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân ngày càng thiết thực, cụ thể và đi vào chiều sâu. Qua các năm, các chỉ tiêu thi đua đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó hoạt động Quỹ HTND các cấp đóng vai trò tích cực trong các hoạt động nói chung của Hội.

 

Việc triển khai tốt các dự án vay vốn Quỹ HTND và các ngân hàng đã tạo điều kiện cho hội viên mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ, xây dựng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.

 

Nguồn vốn vay đã hỗ trợ hội viên, nông dân kịp thời vụ, thúc đẩy sản xuất phát triển. Mặt khác, còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao lợi thế và sức cạnh tranh của các loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh.

 

Xã Bảo Khê nằm ở phía bắc thành phố Hưng Yên được nhiều người biết đến với một đặc sản vùng miền đó là hương thơm được sản xuất tại Thôn Cao.

 

Là làng nghề thống lâu đời, những năm gần đây, thôn Cao còn là một trong những địa chỉ không thể không đến trong hành trình du lịch Hưng Yên của du khách gần xa bởi vì những đặc trưng khó quên của các vị dược liệu tạo nên sự khác biệt của hương thôn Cao. Ngoài ra, du khách còn được ngắm những tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ sân phơi hương của người dân.

 

Hội Nông dân xã Bảo Khê đã tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương cân đối hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa  phương bổ sung cho Quỹ HTND xã; đồng thời phát động sâu rộng  tới  toàn  thể  cán bộ, hội viên trong xã đóng góp xây dựng Quỹ HTND.

 

BTV Hội Nông dân xã đã tổ chức xây dựng mô hình chi Hội nghề nghiệp làm hương tại thôn Cao, với tổng số hội viên tham gia là 100 hội viên. Mô hình chi Hội nghề nghiệp đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân tập trung phát triển kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu để phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương, tạo cơ hội để phát triển sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị hàng hóa, nông sản do nông dân làm ra.

 

Sau khi thành lập chi Hội nghề nghiệp, chi Hội đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân thành phố tạo điều kiện về vốn trong việc phát triển dự án “Sản xuất hương thơm”, tạo điều kiện duy trì và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.

 

Dự án được thực hiện tại chi Hội nghề nghiệp làm hương thôn Cao đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho các hội viên mở rộng quy mô sản xuất hương thơm, lưu giữ và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương.

 

Dự án đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, hội viên nông dân trong chi Hội, tạo sự gắn kết giữa tổ chức Hội với hội viên, nâng cao vị thế của tổ chức Hội. Tổng số hộ tham gia dự án 12 hộ, với quy mô trên 900 m2.

 

Các hộ tham gia dự án có thu nhập ổn định, bình quân đạt từ 238 triệu đồng trở lên, tạo được việc làm cho thường xuyên cho khoảng 30 - 40 lao động ở địa phương.Các hộ được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích là đầu tư xây dựng nhà xưởng, sản xuất, mua máy móc, mua nguyên liệu vật liệu, thuê lao động để sản xuất hương thơm và kinh doanh các sản phẩm hương thơm.

 

Từ số tiền được vay, các hộ đã tổ chức mở rộng sản xuất, đầu tư mua sắm kịp thời phương tiện vận chuyển sản phẩm ra tiêu thụ tại các tỉnh thành khác, mời gọi các nghệ nhân ,các hội viên có kinh nghiệm truyền đạt kiến thức sản xuất kinh doanh cho con em chi hội cũng như nhân dân trên địa bàn.

 

Vì vậy tình hình sản xuất kinh doanh của các hộ tham gia dự án và hội viên chi Hội nghề nghiệp đều phát triển tốt, đạt doanh thu cao.

 

Nguồn vốn vay được đảm bảo, tạo được việc làm ổn định ,tăng thu nhập bền vững cho các gia đình hội viên, bình quân thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/hộ/năm, có hộ đạt 500 đến 600 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ ông Nguyễn Như Dũng , hộ ông Nguyễn Ngọc Hồng.

 

Dự án đã khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội các cấp, thể hiện sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của tổ chức Hội đến sự phát triển kinh tế của hội viên, tạo niềm tin cho nông dân đối với tổ chức Hội, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội.

 

Các hộ tham gia dự án nói riêng và cán bộ, hội viên trong xã nói chung đều phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của tổ chức Hội và yên tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động.

 

 Bên cạnh công tác giải ngân cho vay vốn, các cấp Hội cũng thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, đi tham quan ở những mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giúp bà con nông dân có cơ hội được trực tiếp học hỏi và chia sẻ cách thức làm ăn với nhau.

 

Qua các năm, nguồn vốn Quỹ HTND luôn đảm bảo tính công khai, dân chủ, tạo sự thống nhất cao trong tổ chức Hội. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai nhờ nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp cho nhiều hội viên, nông dân có thêm điều kiện tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng, tăng thêm thu nhập cho các nông hộ. Mặt khác, các mô hình, dự án khi triển khai còn giúp các cấp Hội xây dựng và hình thành nhiều mô hình điểm. 

 

Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp Hội cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích. Các hội viên, nông dân được vay vốn của dự án đã phát huy tốt hiệu quả đồng vốn; nhiều mô hình khẳng định được hiệu quả, đem lại nguồn thu từ sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo.

 

Lê Điệp
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1