Vốn Quỹ HTND giúp nông dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời trợ giúp nhiều hộ hội viên, nông dân đầu tư thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế hiệu quả. Thông qua đó còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giúp hội viên, nông dân từng bước giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những mô hình kinh tế khẳng định rõ nét hiệu quả, giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định vốn Quỹ HTND chính là một trong những nguồn tín dụng thiết thực, góp phần tạo điểm tựa hiệu quả trong việc trợ giúp cho hội viên, nông dân yên tâm xây dựng các mô hình, phát triển sản xuất, gia tăng giá trị và lợi nhuận.
Trong năm 2024, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, ủng hộ cấp bổ sung nguồn cho Quỹ HTND từ ngân sách. Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực vượt bậc, tích cực triển khai và tổ chức nhiều biện pháp đồng bộ trong công tác xây dựng, quản lý, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND.
Ngay từ đầu năm, trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn do Hội ND tỉnh giao, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố đã cụ thể hóa và giao chỉ tiêu cho từng cơ sở Hội. Đồng thời, các cấp Hội tích cực vận động các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, hộ hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ khá, giàu… tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ HTND đạt và vượt chỉ tiêu.
Nhờ sự nỗ lực của các cấp Hội đã tích cực vận động và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp tăng trưởng nguồn vốn. Kết quả, năm 2024, nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh tăng trưởng thêm 4.971 (đạt 107% chỉ tiêu được giao); nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh hiện đạt trên 50.700 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngoài ngân sách đã tăng hơn 284 triệu đồng (tương ứng 6,7%).
Đến nay, toàn tỉnh có 13/13 Hội ND huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng được nguồn Quỹ HTND. Cụ thể: Có 10 đơn vị Hội cấp huyện đạt mức trên 01 tỷ đồng; 03 đơn vị cấp huyện đạt mức từ 500 triệu - 01 tỷ đồng. Một số đơn vị Hội ND huyện, thị xã, thành phố nhờ tích cực triển khai tốt công tác vận động đã phát triển nguồn vốn đạt hiệu quả, số vốn huy động luôn ở mức cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, 171/171 cơ sở Hội cũng xây dựng được Quỹ HTND, đạt 100%. Nguồn vốn đã được Hội ND cấp cơ sở chuyển về cho Quỹ HTND cấp huyện quản lý theo đúng Hướng dẫn số 841 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Mặt khác, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban điều hành Quỹ HTND tham mưu, ban hành kế hoạch thu hồi và phân bổ nguồn vốn vay, kế hoạch kiểm tra, kế hoạch tập huấn, hướng dẫn lập dự án sớm từ đầu năm. Trong kỳ, các cấp Hội đã tiến hành thu hồi xong 7.900 triệu đồng nguồn vốn Quỹ đến hạn. Đồng thời, tổ chức giải ngân 5.000 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Trung ương và tỉnh quản lý cho 101 hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 10 dự án mới.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quỹ HTND. Phấn đấu 100% các dự án vay vốn Quỹ HTND được quản lý, phát huy hiệu quả, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nhờ việc hỗ trợ của các cấp Hội, hội viên, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất canh tác lúa cho năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng khác giúp đem lại hiệu quả và giá trị cao hơn. Cùng với đó, việc dồn điền đổi thửa cũng được bà con nông dân đồng thuận tham gia, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhìn chung, nhiều mô hình, dự án khi triển khai xây dựng tại các địa phương trong tỉnh đã dần khẳng định được tính hiệu quả cả về năng suất và giá trị kinh tế. Từ đó, giúp các hộ nông dân tham gia vay vốn thu được những sản phẩm có chất lượng, gia tăng thu nhập, phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình trồng hành tỏi ở huyện Lý Sơn; nuôi lợn thịt sạch đảm bảo vệ sinh môi trường ở xã Trà Xuân (huyện Trà Bồng); nuôi cá tại xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ); trồng tiêu tại xã Đức Chánh, Đức Thắng (huyện Mộ Đức)… Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt đang được triển khai tại địa bàn nhiều huyện, thành phố.
Trong quá trình bình xét các hộ hội viên, nông dân khi giải ngân cho vay nguồn vốn, các cấp Hội cùng với chính quyền các địa phương đều tiến hành việc lựa chọn, thẩm định kỹ những mô hình, dự án có tính khả thi và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng. Hầu hết nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đều phát huy tốt hiệu quả, không có nợ xấu và nợ quá hạn.
Nhờ việc đầu tư cho vay vốn Quỹ HTND để triển khai các mô hình, dự án đã xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Đồng thời, các hộ tham gia dự án còn có thể trao đổi kinh nghiệm, liên kết mua vật tư đầu vào, bán sản phẩm đầu ra để tổ chức sản xuất hiệu quả.
Song song với việc hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, Hội ND tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Trung tâm khuyến nông, phòng Nông nghiệp của các huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho các hộ vay vốn. Từ đó, nhiều hộ gia đình tập trung phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân từng bước chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo quy mô lớn. Qua đó, hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa, giúp mở rộng các ngành nghề sản xuất, phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất như: Thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, Hợp tác xã, phát triển mô hình các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp... Nhiều mô hình cho thấy đã và đang hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ hội viên, nông dân trong tỉnh.
Đến nay, các cấp Hội hướng dẫn thành lập mới 93 tổ Hội ND nghề nghiệp và 25 chi Hội ND nghề nghiệp; nâng tổng số trong toàn tỉnh hiện có 220 tổ Hội ND nghề nghiệp và 64 chi Hội ND nghề nghiệp. Thông qua các buổi sinh hoạt, nhiều hội viên, nông dân được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và tổ chức liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giúp nhau mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao hơn.
Cùng với hoạt động vay vốn, các cấp Hội trong tỉnh cũng chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác hỗ trợ hội viên, nông dân kịp thời nắm bắt những thông tin về thị trường để có hướng xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp. Thông qua các mô hình, dự án được triển khai nhằm vận động hội viên, nông dân tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch của tỉnh; hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ hàng hóa đã có thương hiệu giúp hội viên, nông dân phát huy hiệu quả đồng vốn vay.
Thực hiện Văn bản liên tịch số 1346/VBLT giữa ngân hàng CSXH tỉnh với Hội ND tỉnh về việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý tổng dư nợ cho vay của các chương trình tín dụng chính sách đạt là 1.183 tỷ đồng với 33.670 hộ thành viên tham gia vay vốn, tỷ lệ nợ quá hạn 0,12% (giảm so với năm 2023).
Hàng năm, các cấp Hội cũng tiến hành rà soát nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân trên địa bàn; chỉ đạo kịp thời việc thành lập, củng cố và kiện toàn để nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm đảm bảo công tác ủy thác cho vay vốn đạt hiệu quả.
Thực hiện Chương trình số 873 giữa Hội ND, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc phối hợp thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ đạt 1.140,7 tỷ đồng đang triển khai cho 10.716 hộ thành viên vay thông qua các Tổ vay vốn do Hội ND quản lý.
Từ hoạt động của các tổ, nhóm vay vốn, công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được các cấp Hội đẩy mạnh triển khai. Từ đó nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân tại các địa phương.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những mô hình kinh tế khẳng định rõ nét hiệu quả, giúp hàng nghìn lượt hộ hội viên, nông dân có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống và làm giàu chính đáng. Đồng thời, hình thành nên nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm…
Hộ gia đình anh Đinh Văn Thơ ở xã Sơn Nham được Hội ND huyện Sơn Hà tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND để tập trung phát triển chăn nuôi bò. Nhờ được tiếp vốn vay kịp thời giúp anh có thêm nguồn lực để đầu tư mua 2 con bò cái sinh sản về chăm sóc. Hiện, mỗi năm bò sinh sản thêm 2 bê con, mang lại nguồn lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng giúp anh có thêm thu nhập. Nhận thấy mô hình phát triển tốt nên anh lại đang tiếp tục đầu tư để mở rộng chuồng trại, mua thêm bò giống về nuôi nhân đàn.
Đáng chú ý, tại địa bàn huyện Mộ Đức, một trong những đơn vị điển hình nhờ phát huy tốt nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã giúp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mang lại giá trị cao đó là Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận. Hợp tác xã cũng được biết đến là cơ sở đầu tiên trồng nấm linh chi có quy mô lớn của tỉnh.
Tấm gương tiêu biểu là anh Lê Giang Phong- Giám đốc Hợp tác xã, người đã kiên trì vượt qua mọi khó khăn để quyết tâm xây dựng thành công và phát triển mô hình trang trại trồng nấm linh chi. Bước khởi đầu xây dựng mô hình của anh vô cùng gian nan, song để theo đuổi đam mê sản xuất nấm, anh đã dành thời gian tìm đến các trại nấm linh chi ở ngoài miền Bắc để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật và đã thực hiện thành công.
Từ khi trang trại nấm đi vào hoạt động ổn định, anh lại ấp ủ mong muốn đầu tư phát triển lên thành quy mô lớn hơn nhưng gặp phải khó khăn vì thiếu vốn đầu tư. Không nản chí, anh Phong đã quyết định thành lập Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận với 12 thành viên tham gia do chính anh làm Giám đốc để bước đầu huy động các nguồn vốn trong bà con nông dân ngay tại địa phương.
Nhờ sự ủng hộ của các cấp Hội ND đã phê duyệt dự án và giải ngân cho các thành viên của Hợp tác xã được vay 300 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND để đầu tư mua nguyên vật liệu. Đến nay, Hợp tác xã đã có 8 dòng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, mang lại doanh thu bình quân khoảng 3,5 tỷ đồng/năm.
Mô hình phát triển tốt, các thành viên đã hoàn trả nguồn vốn vay đúng hạn nên Hợp tác xã lại tiếp tục được xét cho vay 500 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh. Nguồn lực đã giúp Hợp tác xã có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển thương hiệu nấm Đức Nhuận, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước để gia tăng giá trị và lợi nhuận.
Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND huyện Tư Nghĩa cũng đã kịp thời tiếp sức giúp các hộ hội viên, nông dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, duy trì làm các nghề thủ công truyền thống. Hiện nay, một số chi, tổ Hội ND trong huyện bước đầu cũng dần hình thành nên các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Điển hình như: Chi Hội ND trồng hoa cúc ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp với 37 thành viên tham gia canh tác trên quy mô diện tích 3 ha, lợi nhuận trung bình của các thành viên trong chi Hội đạt khoảng 100 triệu đồng/năm; chi Hội ND chăn nuôi bò thịt ở thôn Điền An, xã Nghĩa Điền có 15 thành viên tham gia sinh hoạt, quy mô chăn nuôi 85 con bò, lợi nhuận trung bình của mỗi thành viên đạt 60 triệu đồng/năm…
Thông qua các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn vay Quỹ HTND đã giúp thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển rộng rãi, đi vào chiều sâu, trở thành phong trào thi đua trọng tâm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Qua đó cũng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững; góp phần không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.
Bình quân hàng năm, toàn tỉnh có hơn 108.000 hộ hội viên, nông dân đăng ký thi đua. Trong đó, qua kết quả bình xét, có gần 74.000 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Riêng năm 2024, các cấp Hội vận động 139.710 hộ nông dân đăng ký phấn đấu thi đua và đã có 77.377 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (đạt 112,3% chỉ tiêu giao).
Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về nguồn vốn Quỹ HTND, vận động hội viên, nông dân xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để vay vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Đồng thời với đó, chủ động phối hợp mở các lớp tập huấn, lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới giúp hội viên, nông dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.