(Quỹ HTND) – Song song với việc tập trung các giải pháp phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, những năm qua, Hội ND tỉnh Lạng Sơn còn tăng cường chỉ đạo các cấp Hội tích cực, chủ động trong công tác phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn để triển khai tốt hoạt động ủy thác giúp hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhìn chung, các hộ hội viên, nông dân khi được tham gia thực hiện các mô hình, dự án vay vốn đều có ý thức xây dựng mô hình, sử dụng vốn vay đúng mục đích, có trách nhiệm hoàn trả vốn vay theo quy định
Theo đó, thực hiện nội dung văn bản Liên tịch đã ký kết giữa Hội ND tỉnh với chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh về việc ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, năm 2024, Hội ND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch các chương trình tín dụng ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng, xử lý nợ đến hạn, tiến hành việc thu lãi, thu tiết kiệm đúng kỳ hạn. Cùng với đó, các cấp Hội quan tâm, phát hiện những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ủy thác để kịp thời nhắc nhở và điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực và hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Hội ND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt công tác nhận ủy thác nguồn vốn vay của các chương trình tín dụng chính sách đang phối hợp triển khai với ngân hàng CSXH. Đồng thời, giao chỉ tiêu cho các huyện, thị, thành phố và cơ sở Hội về công tác thực hiện các phần việc nhận ủy thác nguồn vốn vay; lấy đó làm tiêu chí để đánh giá, bình xét xếp loại thi đua.
Qua các năm, nguồn vốn ưu đãi ủy thác từ ngân hàng CSXH đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua kênh của Hội ND liên tục tăng trưởng và phát huy hiệu quả.
Kết quả, năm 2024, các cấp Hội trong tỉnh đã tiến hành nhận ủy thác cho vay 143.722 triệu đồng, giúp giải quyết cho 4.620 hộ hội viên, nông dân được vay vốn đầu tư các phương án sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, tổng số dư nợ ủy thác của ngân hàng CSXH thông qua tổ chức Hội ND trong các chương trình cho vay đạt 1.272.078 triệu đồng với 18.145 lượt hộ thành viên tham gia vay vốn qua 546 Tổ TK&VV do Hội quản lý. Đồng thời, 546 Tổ TK&VV được ủy nhiệm thu lãi, đạt 100%; doanh số thu nợ 242.312 triệu đồng.
Để nguồn vốn đến tay hội viên, nông dân kịp thời, Hội ND tỉnh đã tích cực phối hợp với chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ; đặc biệt là các chương trình, chính sách mới để bà con nông dân nắm được. Cùng với đó, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo sát sao phòng giao dịch chi nhánh Ngân hàng CSXH các huyện phối hợp với Hội ND cùng cấp chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở thực hiện tốt công tác bình xét cho vay.
Hàng tháng, tại các điểm giao dịch xã, cán bộ ngân hàng đều trực tiếp thực hiện các giao dịch như: Cho vay, thu lãi, thu nợ, phổ biến các chính sách mới. Mặt khác, các cấp Hội phối hợp với ngân hàng CSXH tổ chức hướng dẫn các hộ hội viên, nông dân vay lựa chọn phương án đầu tư nguồn vốn sao cho hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh gia đình.
Các cấp Hội phối hợp với ngân hàng CSXH đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường việc nhận tiền gửi của tổ viên như: Giao kế hoạch nhận tiền gửi tiết kiệm cho từng Tổ TK&VV; tuyên truyền đến từng tổ viên Tổ TK&VV để hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc gửi tiền tiết kiệm qua Tổ. Hiện, có 18.145 hộ thành viên tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư đạt 34.640 triệu đồng, (chiếm tỷ lệ 100%).
Thông qua kênh vốn ưu đãi này đã tạo điều kiện giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân được tiếp cận chính sách mới một cách nhanh chóng, thuận lợi. Có thể thấy, các nguồn vốn vay đã thực sự trở thành “điểm tựa” giúp bà con nông dân trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Hàng năm, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với ngân hàng CSXH triển khai các hoạt động ủy thác cho vay vốn; việc lựa chọn đối tượng cho vay, giám sát hộ vay vốn nhằm kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý những trường hợp phát sinh trong quá trình sử dụng nguồn vốn của các hộ hội viên, nông dân vay được thực hiện theo đúng qui định.
Theo định kỳ, hai bên phối hợp tiến hành đối chiếu, phân loại nợ; đôn đốc người vay trả nợ đến hạn, đôn đốc thu hồi các khoản nợ quá hạn tồn đọng trên địa bàn… Nhờ đó, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt, nguồn vốn vay từng bước phát huy hiệu quả tích cực.
Có được những kết quả như trên, trong năm, các cấp Hội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp tại cấp cơ sở; đặc biệt là đối với những đơn vị Hội ND các huyện, thành phố có mức tăng trưởng dư nợ thấp, tỷ lệ nợ quá hạn cao… Đảm bảo tốt các quy định, quy trình về kiểm tra, giám sát theo đúng nội dung văn bản thỏa thuận.
Bên cạnh đó, cùng với việc coi trọng công tác tuyên truyền để hai bên phối hợp thực hiện chính sách ủy thác vay vốn có hiệu quả, các cấp Hội thường xuyên kiện toàn, củng cố chất lượng mô hình các Tổ TK&VV; đồng thời phối hợp tổ chức lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách ở các Tổ TK&VV.
Các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; tích cực phối hợp với ngân hàng CSXH thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, phân loại chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV trên địa bàn để kịp thời có giải pháp củng cố, kiện toàn đối với những Tổ xếp loại trung bình, yếu kém.
Qua đánh giá xếp loại, trong số 546 Tổ TK&VV do Hội ND quản lý, có 482 Tổ xếp loại tốt, 56 Tổ đạt khá, 8 Tổ trung bình và trên địa bàn hiện không có Tổ xếp loại yếu.
Đến nay, Hội ND các huyện, thành phố đều đã phân công 01 đồng chí cán bộ trực tiếp phụ trách theo dõi, tham mưu kịp thời cho Ban Thường vụ Hội ND cùng cấp chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhờ đó, số dư nợ tăng trưởng từ đầu năm tại các đơn vị Hội ND đều đảm bảo chỉ tiêu thi đua, đáp ứng nhu cầu vốn vay cho các hộ hội viên, nông dân để phát triển sản xuất, các chương trình cho vay được triển khai đến người vay. Công tác lưu trữ các tài liệu, hồ sơ liên quan đến vốn vay ủy thác tại các Tổ TK&VV cơ bản đầy đủ và đều đảm bảo theo quy định.
Thực hiện thỏa thuận liên ngành số 01/TTLN-HNDVN-AGRIBANK ngày 23/9/2016 giữa Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Việt Nam về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, đã có 11/11 Hội ND các huyện, thành phố tích cực ký kết chương trình phối hợp với chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cùng cấp, thành lập được các Tổ vay vốn với 130 xã ký xong hợp đồng.
Hiện tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh thông qua 280 Tổ vay vốn đạt 417.864 triệu đồng, giải quyết cho 4.110 hộ thành viên vay để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.
Cùng với việc đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, Hội ND tỉnh đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giúp hội viên, nông dân trên địa bàn phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kĩ thuật và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp Hội trong tỉnh đã chú trọng thực hiện trong thời gian qua.
Từ các nguồn vốn trên, hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư mua thêm cây, con giống, xây dựng chuồng trại, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả. Nhìn chung, các hộ hội viên, nông dân khi được tham gia thực hiện các mô hình, dự án vay vốn đều có ý thức xây dựng mô hình, sử dụng vốn đúng mục đích nhằm phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn; đồng thời, có trách nhiệm hoàn trả vốn vay khi đến thời hạn đúng quy định.
Trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế mới, phát huy tốt những lợi thế sẵn có ở địa phương giúp mang lại lợi nhuận và giá trị cao. Điển hình như hộ gia đình anh Hoàng Văn Chí ở thôn Bản Quần, xã Quang Trung, huyện Bình Gia cũng là tấm gương nông dân nỗ lực vượt khó vươn lên với mô hình trồng hồi từ nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH.
Được Hội ND xã quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn anh mạnh dạn làm hồ sơ vay 30 triệu đồng từ nguồn ủy thác của ngân hàng CSXH để chăm sóc và mở rộng diện tích rừng trồng chuyên canh cây hồi của gia đình. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, anh đã mua thêm cây giống để trồng được 7 ha hồi. Đến nay, một số diện tích rừng bắt đầu cho khai thác.
Vào vụ thu hoạch, thương nhân tìm đến tận nhà thu mua, đảm bảo tốt đầu ra của sản phẩm nên gia đình anh Chí rất yên tâm, tập trung mọi nguồn lực để trồng và chăm sóc rừng hồi. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hoạch từ 8 - 10 tấn hồi thành phẩm, mang lại nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình anh từng bước ổn định và vươn lên khá giả.
Hộ gia đình ông Hoàng Văn Cửu ở thôn Bản Xả, xã Bính Xá, huyện Đình Lập đã nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH.
Trước đây, gia đình ông có diện tích đồi rừng rộng, tuy nhiên do thiếu vốn đầu tư nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Nhờ được cán bộ Hội ND xã và cán bộ phòng giao dịch ngân hàng CSXH huyện tư vấn, hướng dẫn, ông đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng để cải tạo trồng mới khoảng 4.000 cây thông và chăm sóc gần 10 ha rừng đã đến tuổi khai thác. Nhờ có nguồn vốn vay kịp thời đã giúp gia đình ông Cửu phát triển hiệu quả mô hình trồng rừng, ước tính nguồn thu nhập của gia đình ông đạt khoảng 200 triệu đồng/năm.
Hay như hộ anh Nguyễn Văn Sĩ ở thôn Cầu Hin, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn vốn thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, do gia đình thiếu vốn sản xuất nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2023, anh được Hội ND xã quan tâm xét duyệt và giải ngân cho vay 90 triệu đồng từ ngân hàng CSXH để chuyển đổi nghề, phát triển mô hình chăn nuôi bò.
Cùng với nguồn vốn vay, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật do các cấp Hội phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức. Nhờ chăm chỉ, chịu khó áp dụng những kiến thức kỹ thuật chăn nuôi vào mô hình nên đàn vật nuôi có 5 con bò sinh sản của gia đình anh hiện sinh trưởng và phát triển tốt, giúp anh Sĩ yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Đáng chú ý, nhiều dự án sau khi triển khai trên địa bàn đã giúp xây dựng được các mô hình liên kết hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; góp phần chuyển đổi nhận thức của các hộ tham gia dự án từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh hoạt động vay vốn, Hội ND tỉnh luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát là nội dung quan trọng trong quản lý điều hành nguồn vốn vay. Trong năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Hội ND tỉnh và chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh tại 11 huyện, thành phố.
Ngoài việc kiểm tra theo định kỳ, các cấp Hội cũng thường xuyên kiểm tra lồng ghép với việc thăm các mô hình phát triển kinh tế, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi; phối hợp với các ngành tiến hành kiểm tra theo kế hoạch của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp tỉnh. Sau các đợt kiểm tra đều có kết luận bằng văn bản để chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục, ghi biên bản lưu hồ sơ theo quy định…
Qua công tác kiểm tra thường xuyên cho thấy, hoạt động của các Tổ TK&VV, Tổ vay vốn như: Sinh hoạt, bình xét cho vay đều được tiến hành công khai, đảm bảo công bằng, khách quan, dân chủ, đúng quy trình; công tác kiện toàn và bình xét chất lượng các Tổ TK&VV, Tổ vay vốn đã đi vào nề nếp hơn; tham gia giao dịch theo lịch đã quy định hàng tháng tại điểm giao dịch xã; các hộ vay sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, cơ bản chấp hành tốt việc trả lãi và gốc khi đến hạn.
Nhờ làm tốt công tác kiểm tra nên những năm qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các sai phạm trong hoạt động thực hiện các chương trình ủy thác vay vốn với các ngân hàng.
Hàng năm, Hội ND tỉnh cả trực tiếp và phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý nguồn vốn Quỹ HTND các cấp, nguồn vốn vay ủy thác với các ngân hàng trên địa bàn. Cùng với đó, Hội ND các huyện, thành phố cũng tổ chức lồng ghép với các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ vốn vay ủy thác cho các cán bộ Hội ND cấp huyện, cấp xã, các chi Hội trưởng Hội ND.
Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, các cấp Hội còn gắn kết việc cho vay vốn với các chương trình khác như: Khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề... Ngoài ra, tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án có cơ hội đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả cả ở trong và ngoài tỉnh.
Trong năm, công tác tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho hội viên, nông dân được các cấp Hội quan tâm tiến hành thường xuyên. Theo đó, Hội ND cấp huyện và xã đã phối hợp tổ chức triển khai 77 lớp tập huấn cho 4.965 hội viên, nông dân tham gia.
Thông qua chương trình tấp huấn, đã giúp trang bị thêm nghiệp vụ, các kiến thức cơ bản cho cán bộ Hội các cấp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công tác quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, nông dân trong tỉnh.
Nguồn vốn vay từ các ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống người nông dân, là điểm tựa vững chắc, giúp các hộ nghèo, cận nghèo trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nhờ đó, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên nông dân; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.