Quỹ HTND thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị
(Quỹ HTND)- Đến hết năm 2024, Quỹ HTND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vai trò là công cụ tài chính hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho nông dân và thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nông thôn theo hướng hiện đại.
Mô hình nuôi cá bống bớp lồng bè tại huyện Cần Giờ,thành phố Hồ Chí Minh
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn thành phố đạt hơn 204 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách thành phố chiếm gần 76%, phần còn lại huy động từ các nguồn bổ sung, vận động trong hội viên, nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã đều có Quỹ HTND hoạt động, trở thành một mạng lưới bao phủ rộng khắp địa bàn, tiếp cận trực tiếp đến từng hộ sản xuất nông nghiệp.
Trong năm, Quỹ HTND các cấp đã giải ngân 115 tỷ đồng cho 2.294 hộ vay vốn 1.180 dự án với số tiền, nâng tổng dư nợ toàn thành phố hiện đạt trên 163 tỷ đồng của 3.296 hộ hội viên, nông dân vay. Các lĩnh vực được ưu tiên hỗ trợ bao gồm: Chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nguồn vốn vay từ Quỹ đã tạo việc làm ổn định cho hơn 5.200 lao động nông thôn. Đáng chú ý, các cấp Hội huy động thêm gần 230 tỷ đồng vốn đối ứng để đầu tư mở rộng sản xuất, hình thành và phát triển các tổ Hợp tác, Hợp tác xã, tổ Hội nghề nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.
Nhiều mô hình điển hình về sử dụng hiệu quả vốn vay tại các địa phương đã được ghi nhận như: mô hình nuôi tôm thâm canh của ông Mai Văn Bảy (huyện Nhà Bè) đạt lợi nhuận từ 200–300 triệu đồng/năm. Mô hình sản xuất muối trải bạt trên diện tích 5ha của ông Nguyễn Văn Yến (huyện Cần Giờ), cho lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/mùa vụ. Mô hình nuôi bò của ông Lê Văn Tâm (huyện Hóc Môn) tăng quy mô từ 12 lên 30 con, thu lãi 300-400 triệu đồng/năm; mô hình trồng mai của ông Lâm Hồng Thuyết (huyện Bình Chánh) từ 2.000m² nâng lên 5.000m², đạt doanh thu gần 100 triệu đồng/năm; mô hình nuôi ếch giống của ông Dương Đình Tình (huyện Củ Chi), đã tăng số lượng đàn ếch giống từ 20.000 con lên 40.000 con, mở rộng từ 20 lên 30 chuồng, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng/năm; mô hình nuôi cá bớp của ông Dương Thanh Minh (huyện Cần Giờ) nhờ đầu tư mở rộng diện tích nuôi thêm 200m², số lượng con giống thả hằng năm tăng lên hơn 5.000 con cho lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/năm.
Cũng trong năm 2024, các cấp Hội ND thành phố đã phối hợp với Ngân hàng CSXH thực hiện phát vay trên 781 tỷ đồng; tổng dư nợ đến nay đạt hơn 2.100 tỷ đồng với gần 38.000 lượt hộ đang vay vốn. Ngoài ra, Hội ND còn phối hợp với Ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Chánh giải ngân với số tiền gần 9 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến nay đạt 78 tỷ đồng cho 123 hộ vay vốn. Hệ thống Tổ TK&VV, Tổ Vay vốn tiếp tục được duy trì, với gần 1.000 Tổ được thành lập, trong đó hơn 90% Tổ được xếp loại tốt, khá.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác Quỹ tiếp tục được chú trọng. Trong năm, Hội đã tổ chức 7 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý Quỹ, 1 lớp tập huấn ủy thác cho vay chính sách và 1 đoàn đi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Ninh Thuận.
Đáng chú ý, các dự án vay vốn đều đi kèm với yêu cầu phối hợp giữa Hội ND và chính quyền cơ sở trong kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Năm 2024, công tác kiểm tra, giám sát được triển khai đồng bộ với 100% cấp huyện, 80% cấp xã và kiểm tra sau giải ngân đối với hơn 400 hộ vay vốn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động Quỹ HTND vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như: một số đơn vị cơ sở chưa nắm chắc quy trình giải ngân và xử lý rủi ro; việc cập nhật chứng từ vào phần mềm quản lý còn chậm do thay đổi nhân sự, chưa có cán bộ chuyên môn kế toán; còn thụ động trong việc tiếp cận dự án vay vốn quy mô lớn, dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa đạt tối đa năng lực nguồn vốn hiện có.
Từ thực tiễn triển khai năm 2024, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng, đó là: Vai trò chủ động, sáng tạo của Ban Thường vụ Hội ND thành phố trong chỉ đạo, điều hành; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Hội và chính quyền địa phương; tính kỷ luật và trách nhiệm của hội viên trong việc sử dụng vốn. Quỹ HTND không chỉ là kênh hỗ trợ vốn mà còn là công cụ gắn kết, hình thành các mô hình sản xuất theo nhóm ngành nghề, thúc đẩy hình thành kinh tế hợp tác, phát triển nông nghiệp đô thị bền vững.
Năm 2025, với mục tiêu tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy Quỹ HTND theo Nghị định 37/2023/NĐ-CP của Chính phủ, Hội ND thành phố Hồ Chí Minh định hướng xây dựng Đề án phát triển Quỹ HTND các cấp, đề xuất ngân sách bổ sung vốn điều lệ, triển khai giải ngân qua chuyển khoản, kết nối Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong tiếp nhận hồ sơ, theo dõi và quản lý nợ. Đồng thời, Hội cũng tập trung hỗ trợ hội viên tiếp cận thị trường, xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Có thể khẳng định, với những kết quả đạt được trong năm 2024 cùng những định hướng rõ ràng, Quỹ HTND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vai trò là điểm tựa vững chắc cho nông dân trong phát triển sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp và xây dựng thành công một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả và bền vững.