image banner
Quỹ HTND Bình Định hỗ trợ phát triển làng nghề bánh tráng
Lượt xem: 70
(Quỹ HTND)- Xã Mỹ Quang là xã thuần nông, nằm ở phía đông huyện Phù Mỹ, diện tích đất tự nhiên 2011,83 ha, toàn xã có 2.021 hộ, trong đó có 990 hội viên, nông dân đang sinh hoạt tại 7 chi Hội ở 7 thôn. Với lợi thế có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nghề đa dạng, cùng với nguồn lao động dồi dào, việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống là hết sức cần thiết.    

 

Anh-tin-bai

Nghề bánh tráng đã mở hướng để gia đình chị Đinh Thị Thu Hà phát triển kinh tế bền vững

 

Những năm qua, các cấp Hội phối hợp cùng các đơn vị chức năng luôn quan tâm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cũng như cơ sở vật chất để tạo điều kiện giữ gìn, phát triển làng nghề của xã. Hiện tại, toàn xã có 3 làng nghề truyền thống gồm: “Mộc dân dụng”, “Bún bánh các loại” và “Bánh tráng”. Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ hợp tác chế biến Bánh tráng gạo thôn Trung Thành, song do kinh tế còn khó khăn, nên người dân chủ yếu sản xuất thủ công, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường.

 

 

Để tạo điều kiện về nguồn vốn giúp cho hội viên, nông dân trong việc đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, năm 2023 từ nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh ủy thác 500  triệu đồng, Hội Nông dân xã đã xây dựng dự án “Đầu tư mở rộng làng nghề bánh tráng thôn Trung Thành”. Tham gia dự án có 15 hội viên, mỗi hộ vay từ 30 - 35 triệu đồng, thời gian vay 24 tháng để phát triển làng nghề bánh tráng truyền thống .

 

 

Qua 2 năm thực hiện dự án, đến nay tổ Hội nghề nghiệp đã phát triển thêm 15 thành viên mới, nâng tổng số lên 31 thành viên. Đồng thời, phát triển thêm một cơ sở mới, nâng lên thành 31 cơ sở có quy mô vừa, chuyên sản xuất đa dạng về mẫu mã và hình thức, chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo được sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh lân cận.

 

 

Với giá bán trên thị trường hiện nay, tổng doanh thu trong 02 năm của 15 cơ sở sản xuất đạt 1.215 triệu đồng. Thu nhập bình quân đã trừ chi phí mỗi hộ từ 40,5 triệu đồng/năm. Tháng 02/2025, Hội Nông dân xã Mỹ Quang đã phối hợp với Quỹ HTND tỉnh thu hồi số tiền gốc 500 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND hỗ trợ cho địa phương và đã nộp về tỉnh Hội. Qua tổng kết dự án cho thấy đạt hiệu quả kinh tế cao, từ đó giúp hội viên, nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giải quyết việc làm ở địa phương.

 

 

Là một trong số 15 hộ hội viên được hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ HTND, chị Nguyễn Thị Nhật cho biết: Những năm trước, bên cạnh việc làm nông thì gia đình làm thêm đủ các ngành nghề, tuy nhiên thu nhập không cao. Nhận thấy nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương và đầu ra ổn định, bản thân lại có sẵn nghề làm bánh tráng thủ công đã hơn 10 năm, chị đã bàn với gia đình vay vốn đầu tư mở rộng thêm nhà xưởng, mua máy xay bột, xây lò tráng bánh để phát triển nghề làm bánh tráng truyền thống.

 

 

Bình quân mỗi ngày, gia đình chị tiêu thụ trên 20kg gạo, cho ra hơn 850 bánh tráng thành phẩm, sau khi trừ chi phí, thu lãi 300 ngàn đồng/ngày. Những tháng giáp Tết âm lịch, mỗi ngày gia đình chị tiêu thụ trên 60kg gạo, cho ra trên 2.500 kg bánh thành phẩm, thu lãi hơn 700 ngàn đồng/ngày.

 

 

Hộ chị Đinh Thị Thu Hà (41 tuổi) là một trong những hộ được tiếp cận sớm với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Năm 2023, chị được vay 35 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để triển khai dự án phát triển làng nghề Bánh tráng truyền thống.

 

Chị cho biết: “Ngoài mục đích mưu sinh, chúng tôi muốn giữ gìn nghề mà ông bà để lại như giữ nét văn hóa truyền thống. Làm bánh tráng tuy thu nhập không cao so với nghề khác, nhưng có lợi thế là xoay vòng vốn nhanh. Bình quân mỗi ngày, lò bánh tráng của gia đình tôi cho ra 1.500 cái bánh, bán ra 1,2 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận được 400 nghìn đồng. Vào dịp cao điểm Tết, lượng bánh làm tăng lên đến 2.000 bánh. Qua hơn 2 năm được vay vốn phát triển sản xuất, ước lợi nhuận bình quân của gia đình đạt khoảng gần 85 triệu đồng, mở hướng để gia đình tôi phát triển kinh tế bền vững".

 

 

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Mỹ Phạm Thị Ngọc Anh cho biết: “Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân huyện đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để xây dựng, triển khai thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên đối với những xã có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện phát huy nguồn vốn vay. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các ban, ngành có liên quan mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, giới thiệu thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng, đăng ký nhãn hiệu. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả”.

 

Phan Tuyết
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1