(Quỹ HTND) – Thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu cần được vay vốn làm ăn của hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Phú Yên đã tập trung chỉ đạo Hội ND các cấp đẩy mạnh việc khai thác có hiệu quả các nguồn lực về vốn.
Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã tạo điều kiện hỗ trợ các hộ gia đình hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi để tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm từng bước đáp ứng nguyện vọng về vốn để hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực, đầu tư cho phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã sớm giao chỉ tiêu thi đua đến các huyện, thành, thị Hội để lấy đó làm kết quả bình xét cuối năm. Qua đó, tạo được phong trào thi đua sôi nổi giữa các cấp Hội ở cơ sở với nhau. Để đồng hành cùng hội viên, nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, các cấp Hội trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực.
Bên cạnh đó, nhằm giúp tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND ngay tại cơ sở, hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc cấp một phần kinh phí từ ngân sách địa phương sang cho Quỹ HTND cùng cấp. Đồng thời, các cấp Hội chủ động triển khai tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân để hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của hoạt động Quỹ HTND.
Nhờ những giải pháp được triển khai đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả, năm 2024, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động tăng trưởng mới 3.399 triệu đồng; trong đó, cấp huyện phát triển được 2.800 triệu đồng, cấp xã 599 triệu đồng.
Kết quả, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đang quản lý đạt 48.886 triệu đồng, giải quyết cho 1.397 hộ hội viên, nông dân vay vốn, với 176 dự án đang được triển khai, giúp tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động của địa phương.
Cụ thể: Từ nguồn ủy thác 8.050 triệu đồng của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang triển khai cho 174 hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 16 dự án, giúp tạo việc làm cho hơn 300 lao động; nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh quản lý hơn 9.396 triệu đồng, đã thực hiện giải ngân cho 248 hộ vay 9.200 triệu đồng, với 23 dự án, tạo việc làm được gần 500 lao động; nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện quản lý trên 28.353 triệu đồng, triển khai tại 124 dự án, tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động.
Hiện nay, công tác cho vay, sử dụng đồng vốn đều được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Phương thức cho vay có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tế. Quỹ HTND đã phát huy tốt vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội ND tỉnh trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã tạo điều kiện hỗ trợ các hộ gia đình hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi để tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cả về đời sống vật chất và tinh thần. Một số dự án tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi bò sinh sản tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An); nuôi cá mú thương phẩm ở xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu); trồng dứa Đồng Din ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa); đánh bắt thủy hải sản trên biển tại xã An Mỹ (huyện Tuy An)...
Cùng với hoạt động giải ngân vay vốn, các hội viên, nông dân còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp chăm sóc và xử lý bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, các mô hình, dự án phát triển ổn định, mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nông dân.
Thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ HTND các cấp đã phát huy được hiệu quả kinh tế; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi phù hợp, giúp phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương; đồng thời, tạo thêm việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống cho hội viên, nông dân.
Theo định kỳ, Hội ND các cấp trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo và triển khai việc giải ngân nguồn vốn Quỹ HTND kịp thời ngay khi có dự án được phê duyệt. Để đảm bảo hiệu quả đồng vốn, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh cũng chủ động tiến hành giải ngân xoay vòng nguồn vốn khi đến hạn thu hồi nhằm kịp thời triển khai thêm các dự án mới khả thi.
Trong năm, công tác cho vay, thu hồi vốn được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn nguồn vốn. Các cấp Hội đã tổ chức thu hồi xong nguồn vốn 4.590 triệu đồng đã tiến hành phê duyệt cho 118 hộ hội viên, nông dân vay trước đó từ 10 dự án đến hạn.
Đồng thời, Quỹ HTND tỉnh tiếp tục giải ngân tại 17 dự án mới với số tiền 7.700 triệu đồng triển khai cho 178 hộ hội viên, nông dân vay vốn. Trong đó, từ 3.900 triệu đồng nguồn vốn ủy thác của Quỹ HTND Trung ương đang cho 86 hộ vay thực hiện 08 dự án chăn nuôi bò sinh sản. Nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh 3.800 triệu đồng cũng đang cho 92 hộ vay tại 09 dự án như: Nuôi cua thịt thương phẩm, trồng cây ăn quả, trồng cây cảnh.
Ban Điều hành Quỹ HTND các huyện, thị, thành phố cũng đã tổ chức giải ngân xong 2.800 triệu đồng cho 60 hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 06 dự án mới, gồm các dự án: Nuôi cá mú thương phẩm; chăn nuôi bò sinh sản...
Có thể thấy, đây chính là kênh trợ vốn hiệu quả, giúp tạo đà cho hội viên, nông dân vươn lên ổn định cuộc sống. Thông qua nguồn vốn vay, các hội viên, nông dân đã có thêm điều kiện và nguồn lực để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của địa phương.
Các cấp Hội luôn xác định Quỹ HTND là một trong những nguồn lực quan trọng, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Mặt khác, không chỉ được tiếp sức bằng nguồn vốn vay thiết thực, các hộ hội viên, nông dân còn được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chuyển giao công nghệ và được định hướng phát triển mô hình kinh tế hộ nhằm phát huy tốt các lợi thế vùng.
Cùng với đó, các cấp Hội theo dõi chặt chẽ quy trình cho vay vốn, thu hồi nguồn vốn các dự án, đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức cung ứng con giống, vật tư đầu vào gắn với giải quyết nông sản hàng hóa đầu ra… Từ đó, giúp đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả, nâng chất lượng hoạt động Quỹ HTND và ngày càng có thêm nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn được hưởng lợi.
Đặc biệt, thông qua hoạt động của Quỹ HTND các cấp, nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác giúp nhau gắn với công tác xã hội cũng được hình thành và phát triển. Qua đó, tạo những tác động tích cực, khuyến khích hội viên, nông dân tạp trung sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao giá trị.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội cũng đã tăng cường hoạt động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức cung ứng về giống, phân bón, vật tư đầu vào có chất lượng tốt cho hội viên, nông dân theo hình thức trả chậm không tính lãi gắn với chuyển giao kỹ thuật, bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, tạo điều kiện cho ngày càng nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư, mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ngoài ra, Hội phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng các mô hình trình diễn về sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Nhiều mô hình do các cấp Hội hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng đã mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao, hiện đang tạo điều kiện cho hội viên, nông dân đến tham quan học tập và để tiếp tục được nhân rộng.
Hiện nay, sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia, nhất là đối với hội viên, nông dân. Qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp theo Nghị quyết 04 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tính đến nay, các cấp Hội đã thành lập được 99 chi Hội và 497 tổ Hội nghề nghiệp với hơn 7.500 thành viên; 46 Hợp tác xã nông nghiệp, 4 Hợp tác xã phi nông nghiệp và 20 tổ hợp tác nông nghiệp.
Nguồn vốn Quỹ HTND được triển khai thông qua các mô hình kinh tế tập thể không những giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập mà còn làm thay đổi tập quán, phương thức canh tác, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo sự liên kết giữa các hộ nông dân có cùng sở thích, cùng ngành nghề. Đã có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành, góp phần tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao, xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP tỉnh.
Tại địa bàn thị xã Đông Hòa, tổ Hội hợp tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa phường Hòa Vinh là một trong những tổ Hội điển hình đã vay vốn từ Quỹ HTND đầu tư phát triển sản xuất mang lại hiệu quả và thu được lợi nhuận cao. Với số tiền được giải ngân 400 triệu đồng, các thành viên trong tổ Hội nghề nghiệp cùng nhau tập trung đẩy mạnh việc cải tạo 2ha mặt nước để phát triển nghề nuôi tôm và sản xuất lúa.
Mô hình còn được các hộ áp dụng những biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên đã mang lại sản lượng và giá trị cao. Hiện, năng suất tôm nuôi của các hộ đạt từ 600 - 650 kg/vụ, với giá bán tôm thương phẩm trên thị trường vào khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg; đồng thời, năng suất lúa đạt từ 7 - 7,5 tấn/vụ, có giá bán 7.000 đồng/kg. Kết quả, tổng thu của các thành viên trong tổ Hội hợp tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa phường Hòa Vinh sau 8 vụ nuôi đạt hơn 1 tỷ đồng, đã thu hồi được số vốn và lãi hơn 300 triệu đồng.
Đáng chú ý, nếu như trước đây do không có nguồn vốn nên hội viên, nông dân thường phải lấy con giống và mua thức ăn nuôi tôm từ một đầu mối. Đầu mối này bao tiêu cho các hộ dân từ khâu bán giống, thức ăn đến thu mua tôm thành phẩm… nên lợi nhuận của nông dân sẽ hoàn toàn bị phụ thuộc vào người cung cấp và thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, từ khi được trợ lực từ vốn vay của Quỹ HTND, các hộ hội viên, nông dân đã tự chủ động quyết định về nơi mua con giống và thức ăn cho tôm nên lợi nhuận mang lại cao hơn.
Bên cạnh đó, trong quá trình cho vay, các cấp Hội luôn chú trọng đến khâu khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Tại các địa phương, nhiều hộ hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ HTND đã phát huy tốt hiệu quả.
Điển hình như gia đình ông Đỗ Duy Phong cùng với 5 hộ nông dân khác ở địa bàn xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân đã mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, cùng nhau góp vốn để thành lập tổ Hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen với tổng diện tích mặt nước thả nuôi khoảng 5.000 m2.
Nhờ có sự trợ lực từ số vốn vay của Quỹ HTND, cùng với số vốn tích lũy và vay mượn thêm trong gia đình, các thành viên trong tổ Hội nghề nghiệp nuôi ốc bươu đen đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai xây dựng mô hình. Đồng thời, các hộ cùng nhau học hỏi các kỹ thuật nuôi, cách làm đất, sử dụng nguồn nước, khử trùng… giúp cho mô hình phát triển ổn định. Hiện trên thị trường, mặt hàng ốc bươu đen thương phẩm có kích cỡ khoảng 30 - 40 con/kg với giá bán đạt từ 70.000 - 80.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/năm cho các hộ thành viên.
Được tiếp cận sớm với nguồn vốn Quỹ HTND, hộ gia đình ông Đoàn Văn Bé ở xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân cũng là một trong những hộ nông dân tiêu biểu trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn vay. Trước đây, mặc dù có các điều kiện thuận lợi về đất đai, nhân lực nhưng gia đình ông lại không có vốn để phát triển sản xuất. Sau khi được các cấp Hội tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, ông đã mua 2 con bò cái sinh sản về nuôi.
Cùng với việc được hỗ trợ về nguồn vốn, ông còn thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về khoa học kĩ thuật của Hội phối hợp tổ chức để biết thêm cách thức chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn vật nuôi. Nhận thấy nuôi bò vỗ béo phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình ông đã phát triển được đàn bò lên thành gần 10 con, tính theo giá trị trường vào khoảng 200 triệu đồng.
Đến nay, ngoài nuôi bò, gia đình ông còn chăn nuôi thêm lợn rừng và thả nuôi đàn gà, vịt xung quanh vườn để gia tăng nguồn thu nhập ổn định. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Bé đã trả xong vốn vay trước đó và hiện đang đóng góp nhằm tiếp tục xây dựng nguồn Quỹ HTND, giúp các hộ hội viên, nông dân khác có thêm điều kiện được vay vốn để phát triển sản xuất.
Hay như gia đình ông Lê Xuân Đạm ở phường 9, thành phố Tuy Hòa cũng đã tiếp cận và phát huy nguồn vốn Quỹ HTND rất tốt. Cùng với sự tiếp sức kịp thời đồng vốn vay từ Quỹ, cộng thêm nguồn tích lũy trước đó của gia đình, ông đã đầu tư cải tạo vườn tược, xây dựng mô hình tập trung trồng cây cảnh để phát triển kinh tế gia đình.
Nhận thấy những tín hiệu tích cực của thị trường và lợi nhuận mang lại bước đầu, ông đã mạnh dạn mở rộng mô hình. Vườn cây cảnh của ông hiện đang duy trì trồng và chăm sóc 1.000 chậu mai, khoảng 500 chậu quất, ước tính bình quân thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Qua đó giúp ông có điều kiện mua sắm, xây mới nhà cửa khang trang.
Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Việc liên kết sản xuất hiện đang trở thành xu hướng của phát triển nông nghiệp bền vững. Liên kết sản xuất giúp các Tổ hợp tác, các nông hộ gia tăng tiềm năng, sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững, ổn định hơn. Từ hiệu quả của các mô hình sản xuất liên kết này đem lại đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.