Trà Vinh: Phát huy hiệu quả nguồn vôn tín dụng hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, các cấp Hội đã tiếp tục chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức thực hiện tốt 06 công đoạn nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo.
Mô hình trồng bưởi năm roi sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND của nhiều hộ nông dân mang lại thu nhập khá
Giai đoạn 2022 - 2024, thực hiện việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH chi nhanh tỉnh Trà Vinh với hơn 100 tỷ đồng, thực hiện cho vay 12 chương trình chính sách tín dụng.
Song song đó, Hội ND các cấp phối hợp NHCSXH thực hiện cấp tín dụng ưu đãi về thực hiện ủy thác cho vay, với tổng dự nợ đến cuối tháng 5/2025 hơn 1.447 tỷ đồng; hiện có 841 tổ tiết kiệm vay vốn (TK-VV), với 38.307 hộ vay. Tổng dự nợ năm 2022 là 1.222,5 tỷ đồng, với 49.321 lượt hộ vay; cuối năm 2024 là 1.424,820 tỷ đồng, với 50.070 lượt hộ vay vốn.
Trong 03 năm (2022, 2023 và 2024), Hội ND các cấp đã chủ động, tạo điều kiện và xây dựng các mô hình khởi nghiệp phát triển sản xuất; đến nay, đã đầu tư 71 điểm mô hình dự án khởi nghiệp, có 838 hộ vay, với 34,86 tỷ đồng; mô hình khởi nghiệp đạt kết quả cao như: lúa - tôm, xã Hàm Tân (huyện Trà Cú), xã Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành), lợi nhuận 150 triệu đồng/ha; trồng rau an toàn trong nhà lưới của ND ấp Rọ Say, xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải), có 20 thành viên; nuôi dê sinh sản khóm Long Thạnh, Phường 1 (thị xã Duyên Hải), trồng chanh không hạt huyện Càng Long...
Ở ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, ông Nguyễn Văn Hiện, là một trong những ND tiên phong trồng chanh không hạt, cung cấp cho Hợp tác xã Thành Chí (xã Huyền Hội, huyện Càng Long) xuất khẩu. Tuy không có nhu cầu vay vốn của Hội, nhưng ông Hiện là người trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật trồng chanh không hạt cho gần 10 hộ hội viên trong ấp có vay vốn để trồng chanh, nay đã phát huy hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, ông hiện có 1,2ha chanh không hạt, với hơn 400 gốc, hơn 90% đã cho trái, mỗi tháng thu hoạch 02 lần, mỗi lần từ 1,5-02 tấn/1,2ha, giá từ 15.000-20.000 đồng/kg. Trong ấp Đầu Giồng, nhiều hộ trồng chanh đã có thu hoạch, bước đầu có lợi nhuận khá, trả dần vốn cho Hội ND.
Qua các mô hình do Hội ND đầu tư, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất của hội viên, ND; đồng thời, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện vươn lên, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thành thị với nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: Giai đoạn 2022-2024, thực hiện phối hợp giữa NHCSXH với Hội ND, hàng năm Hội triển khai chương trình, công tác Hội gắn với các phong trào ND; nhất là các đối tượng được thụ hưởng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống; thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, hội viên được trang bị thêm những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, làm thay đổi tư di sản xuất từ nhỏ lẻ lên liên kết từng bước hình thành vùng nguyên liệu thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tổ chức sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp phát triển, chỉ đạo xây dựng tổ TK-VV được 6.354 cuộc với 214.860 lượt người dự.
Từ đó, kết quả thực hiện quản lý và sử dụng nguồn vốn nhận ủy thác giai đoạn 2022 - 2024 ngày càng hiệu quả. Thực hiện quy trình cho vay đảm bảo đúng với quy định của NHCSXH ban hành. Khi có nhu cầu vay vốn, người vay viết giấy đề nghị vay vốn có phương án sử dụng vốn vay hiệu quả, khả thi, gửi đến tổ TK-VV; sau đó tổ chức họp để bình xét đối tượng đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách trình UBND xã xác nhận trên nguyên tắc “Công khai, công bằng, dân chủ và khách quan, đúng đối tượng”.
Tổ TK-VV gửi hồ sơ đề nghị vay vốn cho cán bộ tín dụng NHCSXH theo dõi địa bàn, cán bộ tín dụng tiếp nhận hồ sơ của tổ và có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ; trình giám đốc phê duyệt cho vay theo nguyên tắc giải ngân trực tiếp cho người vay.
Việc thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, từ các nguồn vốn khởi nghiệp đã làm cầu nối tìm thị trường liên kết với hợp tác xã cung cấp vật tư đầu vào và đầu ra cho sản phẩm, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 88 chi hội ND nghề nghiệp có 2.004 hội viên tham gia.
Nhiều chi tổ hội hoạt động tốt thực hiện các dự án đạt hiệu quả cao: Trồng màu trong nhà màng, nhà lưới (xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành); xã Trường Long Hòa, xã Long Hữu (thị xã Duyên Hải); dự án trồng chanh không hạt (xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành), xã Hiếu Trung (huyện Tiểu Cần)…; Ngoài ra, các cấp Hội vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thực hiện các mô hình như: Nuôi cua trong hộp nhựa xã Hiệp Mỹ Tây (huyện Cầu Ngang), nuôi cá bông lao xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải),…
Hoạt động của Quỹ HTND ngày càng có nhiều đổi mới, tập trung cho vay vào các dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, duy trì và phát triển các chi/tổ Hội ND nghề nghiệp.
Các dự án mới đều hướng đến những loại sản phẩm là cây, con chủ lực đặc trưng của địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông thôn, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên, nông dân; góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Để nguồn vốn Quỹ HTND được đầu tư đúng đối tượng, phát huy được hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội khảo sát thực tế nhu cầu vay vốn của các hộ; ưu tiên lựa chọn những mô hình, dự án phù hợp với vùng, miền để phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, để giúp các hội viên vay vốn sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, lồng ghép các chương trình, dự án của ngành nông nghiệp để phổ biến những kinh nghiệm hay, mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, đem lại thu nhập cao.
Từ sự đồng hành của các cấp Hội, nông dân Trà Vinh đã tích cực tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững.
Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh có 215.377 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đạt trên 100% chỉ tiêu Nghị quyết. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh của hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Thông qua phong trào đã hỗ trợ cho trên 3.000 lượt hộ hội viên nghèo, cận nghèo về cây, con giống, vốn, khoa học kỹ thuật.
Các dự án từ nguồn vốn vay của NHCSXH và Hội ND đã góp phần thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, việc đầu tư vốn gắn với chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, hoạt động dịch vụ, hỗ trợ ND theo hướng liên kết góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên ND, tạo thêm nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương, giải quyết việc làm trong hội viên ND.
Là một trong những đơn vị Hội ND cơ sở thực tốt hoạt động hỗ trợ nông dân, anh Nguyễn Tấn Phát – Chủ tịch Hội ND xã Phong Phú cho biết: Xã Phong Phú có đông đồng bào Khmer (chiếm trên 71%/tổng dân số xã), thế mạnh là sản xuất nông nghiệp. Nhằm hỗ trợ hội viên có nguồn lực sản xuất, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội ND tỉnh Trà Vinh đã đầu tư nguồn vốn Quỹ HTND được 840 triệu đồng cho 23 hội viên vay để trồng dừa xen cây có múi; nuôi bò sinh sản; nuôi vịt xiêm Pháp…
Từ nguồn vốn vay Quỹ HTND, Hội ND xã cũng tổ chức thành lập 1 Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng dừa xen cây có múi ở ấp Đồng Khoen (15 thành viên, diện tích gần 10ha). Đến cuối tháng 2/2023, xã Phong Phú có 30 Tổ hội nghề nghiệp với 1.025 thành viên tham gia và 3 Tổ hợp tác trên cơ sở Tổ hội nghề nghiệp, với 72 thành viên.
Các thành viên trong chi hội rất phấn khởi khi được hỗ trợ vốn vay Quỹ HTND. Các thành viên trong Chi hội thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm trong các đợt sinh hoạt, họp tổ… Riêng gia đình tôi được vay 50 triệu đồng đã đầu tư chuyển đổi 7 công đất trồng lúa để trồng 1.000 cây chanh bông tím, 350 cây dừa xiêm kết hợp trồng các loại hoa màu lấy ngắn nuôi dài. Chỉ tính riêng nguồn thu phụ (cây chanh, ớt) trong năm 2022 gần 40 triệu đồng.
Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, hiện trên địa bàn xã được đầu tư 2 dự án nuôi bò với số vốn 700 triệu đồng cho 27 hộ hội viên ở 4 ấp Lưu Cừ I, Lưu Cừ II, Xoài Lơ và ấp Vàm. Dự án nuôi bò đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều nông dân của địa phương và tạo điều kiện cho các hộ vươn lên thoát nghèo.
Có thể nói, hoạt động phối hợp với ngân hàng được Hội Nông dân các cấp tăng cường đẩy mạnh, dư nợ tín dụng ủy thác tăng so với đầu năm, đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ giúp nông dân phát triển kinh tế.
Hội các cấp ngày càng nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ủy thác ngân hàng, đôn đốc thu hồi nợ, lãi vay khi đến hạn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tín dụng. Nguồn vốn tín chấp của các cấp hội đã giúp nông dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức hội, từ đó tập hợp, thu hút nông dân tham gia vào tổ chức hội.