(Quỹ HTND) - Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo ở các địa phương. Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn Quỹ HTND giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn có vốn đầu tư trồng dưa lưới mang lại thu nhập cao
Tính đến hết năm 2024, Bình Dương có 8/8 huyện, thành phố có số vốn cấp huyện đạt từ 278 triệu đồng trở lên; cao nhất là TP.Thuận An đạt 1,85 tỷ đồng. Có 72/72 Hội Nông dân cấp xã vận động được Quỹ Hỗ trợ. Bình quân, mỗi cơ sở Hội hiện đang quản lý dư nợ gần 2 tỷ đồng.
Với nguồn vốn vận động, bổ sung, vốn quay vòng, vốn ngân sách tỉnh, huyện và vốn Trung ương ủy thác, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã xét cho 2.066 lượt hộ vay đầu tư vào 199 dự án với tổng dư nợ đến cuối tháng 11 hơn 138 tỷ đồng.
Nguồn vốn Quỹ còn chuyển đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang phương thức liên kết, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác quy mô lớn. Quỹ đã giúp xây dựng trên 300 mô hình kinh tế hợp tác. Thu nhập bình quân của hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng thêm 10-20% so với khi chưa tham gia dự án vay vốn.
Thông qua nguồn Quỹ, Hội ND các cấp trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai xây dựng nhiều mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND, cho vay và sử dụng Quỹ gắn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gia đình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của hội viên, nông dân.
Nhìn chung, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích với nhiều mô hình hay, gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, góp phần hỗ trợ chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm giúp các hộ nông dân nghèo vươn lên làm giàu.
Để sử dụng nguồn Quỹ hiệu quả, Hội ND các cấp phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ gia đình; vận động hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.
Mới đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Bình Dương. Nghị quyết cũng thông qua phương án cấp, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh từ nguồn ngân sách với tổng vốn chủ sở hữu gần 112,8 tỷ đồng.
Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Dương” đã trình UBND tỉnh phê duyệt và HĐND tỉnh thông qua với tổng số vốn là 105 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh quản lý tính đến ngày 30/4/2025 đạt 117.414.639.918 đồng; nguồn vốn cấp huyện quản lý đến ngày 30/4/2025 là 20.835.910.000 đồng.
Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, dư nợ ủy thác cho vay giữa Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tiếp tục tăng, nguồn vốn cho các chương trình luôn giữa ở mức cao, giúp cho người dân tiếp cận với nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH cùng cấp thực hiện tốt nội dung ủy thác, thường xuyên tham gia họp giao ban với Ngân hàng CSXH để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tăng cường củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp lồng ghép chuyển giao khoa học, kỹ thuật cùng với giải ngân nguồn vốn vay giúp hội viên nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn.
Trong 6 tháng đầu năm các cấp Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân tổng số tiền là 27,9 tỷ đồng cho hội viên nông dân vay. Nâng tổng dư nợ tính đến 31/5/2025 của toàn tỉnh là 1.336,43 tỷ đồng cho 460 tổ với 22.856 món vay (trong đó, nợ quá hạn là 2,54 tỷ đồng).
Có thể nói, các hoạt động tín dụng góp phần nâng vai trò, uy tín của tổ chức Hội, việc tập hợp, thu hút hộ nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Các mô hình, dự án đã thúc đẩy các phong trào của Hội phát triển ngày càng sâu rộng, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Thời gian tới, Hội ND cùng với Ngân hàng CSXH đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đã dược phân bổ để người dân có vốn chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, củng cố lại các Tổ TK&VV, Tổ Vay vốn; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho Hội cơ sở, các Tổ trưởng Tổ TK&VV; nâng cao năng lực quản lý vốn; tăng cường công tác kiểm tra giám sát Hội cơ sở, Tổ TK&VV, tổ viên, nhằm sớm phát hiện những sai phạm, cũng như những khó khăn còn vướng mắc để cùng nhau xử lý kịp thời, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, giúp bà con sử dụng vốn đúng mục đích, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.