Thanh Hóa: Hội - Ngân hàng tích cực phối hợp hỗ trợ vốn cho nông dân
(Quỹ HTND) - Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nguồn vốn Quỹ.
Các hộ vay vốn Quỹ HTND đầu tư mở rộng mô hình nuôi thủy sản mang lại thu nhập cao
Các dự án vay vốn Quỹ HTND đều mang tính khả thi và có hiệu quả cao về kinh tế, phát huy được thế mạnh của hội viên, nông dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Trong quá trình bình xét cho vay, Hội đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu, trong đó ưu tiên lựa chọn những hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng vốn.
Để giúp hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, Hội chủ động đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho hội viên nông dân; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân tham gia ủng hộ xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đồng thời, các cấp Hội còn thực hiện tốt chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp &Phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Nhằm phối hợp thực hiện chính sách ủy thác vay vốn có hiệu quả từ tổ chức ngân hàng, các cấp hội chú trọng và thường xuyên quan tâm việc thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiệm vay vốn.
Các tổ tiết kiệm vay vốn đã xây dựng quy chế hoạt động, duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ, thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét cho vay, tích cực đôn đốc các tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ vốn vay đúng thời hạn quy định; quản lý hồ sơ vay vốn chặt chẽ, đầy đủ.
Thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thành phố xây dựng Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân”.
Các ấp Hội tiếp tục chỉ đạo Hội Nông dân các cấp quản lý nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân đảm bảo an toàn vốn và phát triển sản xuất đạt hiệu quả kinh tế.
Để hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn, Hội Nông dân các cấp đã tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Tính đến tháng 04/2025, các cấp Hội đã tín chấp và ủy thác với Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Cổ phần thương mại Lộc Phát Việt Nam (LPBank) cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ là 17.044 tỉ đồng.
Trong đó: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dư nợ 11.897 tỷ đồng với 84.572 thành viên và 2.928 tổ vay vốn; Ngân hàng Chính sách xã hội dự nợ 5.107 tỷ đồng với 83.099 thành viên và 5.144 tổ vay vốn; Ngân hàng CPTM Lộc Phát Việt Nam dư nợ 20 tỷ 685 với 994 thành viên và 85 Tổ vay vốn. Đến nay có 168.665 thành viên ở 5.229 tổ vay vốn, tăng 120 tỉ đồng so với tháng 12/2024.
Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Qũy HTND với tổng dư nợ 35,8 tỉ đồng với 72 dự án cho 519 hộ vay. Trong đó: Nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác là 15,1 tỷ đồng; 29 dự án với 280 hộ vay; nguồn vốn kênh tỉnh là 20,7 tỷ đồng thông qua 43 dự án với 239 hộ vay.
Trong 6 tháng đầu năm 2025 đã thu hồi và giải ngân 14 dự án Quỹ, với tổng số tiền là 9,5 tỷ đồng cho 119 hộ vay. Hội ND cấp huyện, xã đã vận động phát triển thêm được 1.670 triệu đồng Quỹ HTND.
Ngoài ra các cấp hội tích cực khai thác vốn từ các chương trình, dự án như chương trình vốn vay giải quyết việc làm 120 của Chính phủ; chương trình khuyến nông, lâm, ngư, khoa học công nghệ... để hỗ trợ nông dân; quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với việc phát triển các tổ liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất theo hình thức nhóm hộ. Qua việc hình thành các tổ, nhóm giúp các hộ có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hợp tác với nhau tiêu thụ sản phẩm.
Từ các nguồn vốn vay, hội viên nông dân trong tỉnh đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động của từng địa phương, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội ND trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể; thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất đơn lẻ, quảng canh sang thâm canh, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị; hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Các cấp Hội tổ chức thực hiện tốt các chương trình phối hợp với Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nông dân mua phân bón theo phương thức chậm trả, đảm bảo kịp thời vụ; 6 tháng đầu năm đã cung ứng được 14.024 tấn phân bón đạt 43,7% KH.
Các cấp Hội phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức 1.466 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho 163.038 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. HND tỉnh tổ chức 01 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau theo hướng hữu cơ cho 130 hộ tại huyện Thọ Xuân và hỗ trợ hạt giống, phân bón cho 40 hộ tại xã Thọ Hải; 03 lớp kiến thức về phát triển bền vững cho 210 HVND tại huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Triệu Sơn.
Đồng thời chỉ đạo hướng dẫn các cấp xây dựng 17 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị.
6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã phối hợp đẩy mạnh công tác dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho lao động nông dân; tổ chức được 72 lớp dạy nghề cho 2.234 lượt hội viên, nông dân; trong đó cấp Hội trực tiếp tổ chức 16 lớp cho 760 hội viên, giúp được 469 hội viên, nông dân, người lao động có việc làm sau đào tạo.
Có thể nói, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân là công cụ, điều kiện để Hội Nông dân trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, nông dân, xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Kết quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội ở địa phương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân.