image banner
Làng mai, đào lớn nhất Hà Tĩnh rộn ràng vào vụ Tết
Lượt xem: 99
Những ngày này, các làng mai, đào lớn nhất ở Hà Tĩnh đang tất bật với các công đoạn cuối cùng trong chăm sóc để có những cây đào, cây mai đẹp kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Anh-tin-bai

Những ngày này, các làng mai, đào lớn nhất ở Hà Tĩnh đang tất bật với các công đoạn cuối cùng trong chăm sóc để có những cây đào, cây mai đẹp kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Làng mai vàng Kỳ Nam rộn ràng vào vụ

Xã Kỳ Nam (TX. Kỳ Anh) hiện có 153 hộ trồng mai, tổng diện tích gần 7,5ha, với khoảng 37.000 cây. Dự tính, số lượng mai Kỳ Nam cung ứng ra thị trường dịp Tết Ất Tỵ  khoảng  3.000 gốc. Cây mai bản địa đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, trở thành “triệu phú”.

Gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng hiện tại, người trồng mai vàng ở Kỳ Nam - làng trồng mai lớn nhất Hà Tĩnh đã tất bật với các công đoạn cuối cùng trong chăm sóc mai. Nhà vườn làng mai vàng đang tập trung tuốt lá, bổ sung dinh dưỡng cho cây nhằm có được những cây mai đẹp nhất, nở đúng Tết.

Là một trong những hộ trồng mai đầu tiên của địa phương, gia đình chị Đặng Thị Bình (thôn Tân Tiến, xã Kỳ Nam) sở hữu rất nhiều gốc mai cổ thụ. Chị Bình cho biết: “Hằng năm, vào đầu tháng 11 âm lịch, thương lái đã đến đặt hàng tận vườn. Đến thời điểm này, các cây mai cổ thụ của gia đình đã được khách hàng đặt mua với giá khá cao, có cây gần 100 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán 2024, gia đình thu về hơn 400 triệu đồng từ bán mai”.

Có thâm niên trồng mai gần 15 năm, ông Nguyễn Viết Xuân (thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam) có khoảng 1.500 gốc, hơn một nửa trong số đó có thể xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán. Ông Xuân là một trong nhiều triệu phú của làng mai Kỳ Nam khi mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

“Gia đình thuê 4 - 6 nhân công, tập trung ngắt tỉa lá mai để cây ra hoa đúng dịp Tết. Thời tiết thuận lợi hơn năm trước nên các cây đều cho búp nhiều, đều và đẹp. Hy vọng,  thêm một mùa vụ thuận lợi, thành công cho người trồng mai Kỳ Nam...”, ông Xuân chia sẻ.

Mai vàng Kỳ Nam  lá to, bầu, dày, màu xanh đậm; hoa 5 cánh mọc thành chùm, hoa vàng đậm, lâu phai, thân cành cứng, màu nâu đậm; khác biệt so với các loài mai ở vùng khác - lá nhỏ, mỏng, xanh ánh vàng, cành nâu nhạt, chủ yếu hoa đơn. Mai vàng Kỳ Nam có khả năng chịu úng, chịu hạn cao nên được người dân ưa chuộng... Những năm gần đây, mai vàng Kỳ Nam còn được thương lái bán ra các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình…

Ông Bùi Văn Chuổng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, cho biết: “Mai vàng bản địa đã trở thành cây chủ lực giúp cho nhiều hộ dân xã Kỳ Nam vươn lên làm giàu. Hướng đến mục tiêu khai thác hiệu quả giá trị cây mai vàng, TX. Kỳ Anh phối hợp Sở KH&CN Hà Tĩnh triển khai dự án Tạo lập chỉ dẫn địa lý “Kỳ Nam” dùng cho sản phẩm cây mai vàng bản địa của TX. Kỳ Anh và dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển cây mai vàng tại TX. Kỳ Anh theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây là cơ sở để địa phương tiến hành quy hoạch phát triển bền vững vùng trồng mai, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái”.

Đào phát triển tốt, nhiều lá

Xã Cổ Đạm được coi là “thủ phủ” trồng đào của huyện Nghi Xuân  với gần 130 hộ trồng từ 50 đến 1.000 cây/hộ, tập trung  ở thôn Xuân Sơn. Vào dịp Tết, đào phai mang lại thu nhập 50 - 300 triệu đồng/hộ.

Cứ đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, người dân thôn Xuân Sơn lại ra vườn “thay áo mới” cho cây đào phai. Đây được xem là công đoạn quan trọng để cây đào nở hoa đúng thời điểm, bán được giá cao, cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bà Hoàng Thị Hoa  cho biết: Gia đình hiện có hơn 200 gốc đào phai. Việc tuốt lá cho đào đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công; phải làm từng cây đào, từng nhánh một.  Khi tuốt hết lá thì dinh dưỡng của cây sẽ tập trung vào búp nên đào sẽ nở hoa đúng thời điểm. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, người dân chăm sóc kỹ nên cây đào phát triển tốt, nhiều lá. 

Gia đình ông Hoàng Ngọc Trà hiện có hơn hơn 1.000 gốc đào, trong đó có trên 250 gốc  2-3 năm tuổi sẽ bán ra thị trường trong dịp Tết này. 

 “Trồng đào không vất vả, tốn kém như cây cảnh khác nhưng người trồng phải theo dõi thời tiết, xác định tuổi đào, loại đào để quyết định thời gian thực hiện mỗi công đoạn. Dự báo thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại nên việc “thay áo mới” được tôi tiến hành trước hơn một tuần để đào đâm chồi, nảy lộc đúng dịp. Chúng tôi cũng đang tập trung tỉa bớt lá già, loại bỏ cành khô và chăm sóc cây”, ông Trà nói.

Ông Trần Trọng Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, cho biết: “Nghề trồng đào gắn bó lâu đời với người dân địa phương, mang lại giá trị kinh tế khá cao, do vậy, việc chăm sóc được bà con đặt lên hàng đầu vào thời điểm này. Đào phai ở xã Cổ Đạm có màu hồng nhạt, nụ hoa to, cánh đẹp và lâu tàn, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đầu năm 2024, sản phẩm đào phai Xuân Sơn xã Cổ Đạm được huyện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ”.

 

 
Nguồn bài viết: kinhtenongthon.vn
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1